Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo cuối năm ngày 24/12, đề cập các vấn đề liên quan tới căng thẳng Nga-phương Tây và Nga-Ukraine. (Nguồn: Bloomberg) |
Phản ứng "có thể rất đa dạng"
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 cho biết sẽ cân nhắc một loạt các lựa chọn nếu phương Tây không đáp ứng được yêu cầu của ông về các đảm bảo an ninh nhằm ngăn chặn việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía Đông và kết nạp thêm Ukraine.
Đầu tháng này, Moscow đã đệ trình một tài liệu dự thảo về an ninh yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác, đồng thời rút lại các hoạt động triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu.
Điện Kremlin đưa ra yêu cầu an ninh của mình trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới việc Nga tăng cường triển khai quân đội gần Ukraine trong những tuần gần đây khiến phương Tây lo ngại về khả năng sẽ xảy ra một cuộc xâm lược.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông Putin trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng rằng Nga sẽ phải đối mặt "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước này tấn công Ukraine. Nga đã phủ nhận ý định tiến hành một cuộc xâm lược và ngược lại, cáo buộc Ukraine đang ấp ủ kế hoạch cố gắng giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ do phe nổi dậy được Moscow hậu thuẫn nắm giữ bằng vũ lực. Ukraine bác bỏ tuyên bố này.
Tổng thống Putin đã thúc giục phương Tây nhanh chóng hành động để đáp ứng các yêu cầu của ông, đồng thời cảnh báo rằng Moscow sẽ phải thực hiện "các biện pháp quân sự-kỹ thuật tương xứng" nếu phương Tây tiếp tục hành xử theo kiểu "gây hấn".
Khi được hỏi cụ thể phản ứng của Moscow là gì, ông Putin phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga hôm 26/12 rằng phản ứng của Nga "có thể rất đa dạng" và cho biết thêm "điều đó phụ thuộc vào những đề xuất của các chuyên gia quân sự".
Mỹ và các đồng minh từ chối cung cấp cho Nga đảm bảo về việc Ukraine không gia nhập NATO mà ông Putin muốn, với lý do nguyên tắc của NATO là tư cách thành viên có thể được trao cho bất kỳ quốc gia nào có đủ điều kiện. Tuy nhiên, họ đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán an ninh với Nga vào tháng tới để thảo luận về các mối quan tâm của nước này.
Tổng thống Putin cho biết, các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ được tổ chức tại Geneva. Song song với đó là các cuộc đàm phán giữa Nga và NATO, đồng thời các cuộc thảo luận rộng hơn dự kiến sẽ được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 26/12, ông Putin nói rằng Nga đã gửi đi các yêu cầu của mình với hy vọng nhận được câu trả lời mang tính xây dựng từ phương Tây.
Ông Putin nói: "Chúng tôi không làm điều đó chỉ để thấy những đề xuất của mình bị chặn lại... mà vì mục đích là đạt được một kết quả ngoại giao có sự thương lượng, được ghi nhận rõ ràng trong các văn bản ràng buộc về mặt pháp lý".
"Giới hạn đỏ" không được vượt qua
Theo ông Putin, việc Ukraine trở thành thành viên NATO hay việc triển khai vũ khí của liên minh này ở Ukraine là "giới hạn đỏ" mà Moscow không cho phép phương Tây vượt qua.
Ông Putin tuyên bố: "Chúng tôi không còn dư địa để nhượng bộ", và nói thêm rằng NATO có khả năng triển khai các tên lửa ở Ukraine mà chỉ cần 4-5 phút để những tên lửa này vươn tới Moscow. Nhà lãnh đạo Nga nói tiếp: "Họ đã đẩy chúng tôi đến một ranh giới mà chúng tôi không thể vượt qua. Họ đã đẩy tình hình đến điểm chúng tôi buộc phải nói với họ rằng 'hãy dừng lại'".
Lãnh lãnh đạo Nga cũng bày tỏ lo ngại rằng Mỹ và các đồng minh có thể sẽ cố gắng kéo dài các cuộc đàm phán an ninh và sử dụng các cuộc đàm phán này như một vỏ bọc để theo đuổi việc tăng cường hiện diện quân sự ở gần Nga.
Ông Putin lưu ý Nga đã công bố các yêu cầu an ninh của mình để công chúng biết và gây áp lực lên Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ, buộc họ phải đàm phán một thỏa thuận an ninh.
Phát biểu trên truyền hình hôm 26/12, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc NATO mở rộng sang Ukraine hoặc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác là "vấn đề sống còn" đối với Nga.
Ông Peskov lưu ý việc Nga bắn thử tên lửa siêu thanh Zircon hôm 24/12 sẽ giúp Nga thúc đẩy các đảm bảo an ninh trở nên "có tính thuyết phục hơn".
Vụ phóng thử hôm 24/12 là vụ phóng mới nhất trong loạt thử nghiệm tên lửa Zircon, loại tên lửa mà ông Putin cho biết có khả năng bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh với tầm bắn lên đến hơn 1.000 km.
Ngày 25/12, Nga tuyên bố hơn 10.000 binh sĩ Nga đã hoàn thành các cuộc tập trận kéo dài nhiều tháng ở khu vực gần Ukraine.
Các nước phương Tây đã cáo buộc Nga triển khai quân đội quy mô lớn, lên tới 100.000 quân, ở khu vực gần biên giới với Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược vào mùa Đông này. Theo ước tính của Kiev, số binh sĩ được Nga triển khai dọc theo biên giới với Ukraine đã tăng từ khoảng 93.000 quân hồi tháng 10 lên 104.000 quân hiện nay.
Nga tuyên bố nước này được tự do điều động các lực lượng trong phạm vi lãnh thổ của mình nếu họ cho rằng điều đó là phù hợp, đồng thời bác bỏ các cáo buộc rằng Moscow đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã đạt tới "điểm sôi" hôm 22/12 khi Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ có các biện pháp quân sự "trả đũa thích hợp" trước điều mà ông gọi là "lập trường hung hăng" của phương Tây.
Tuy nhiên, ông đã hạ giọng vào ngày hôm sau, nói rằng ông nhận thấy Mỹ đã có phản ứng "tích cực" với các đề xuất an ninh của Nga và cho biết các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào tháng 1/2022.
Ngày 25/12, một quan chức của chính phủ Đức cho biết Moscow và Berlin đã nhất trí gặp gỡ vào "đầu tháng 1".
Nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz và ông Putin trong cuộc điện đàm hôm 23/12 nhất trí tổ chức một cuộc gặp giữa ông Jens Ploetner, cố vấn ngoại giao của Thủ tướng Đức và quan chức phụ trách mối quan hệ với Ukraine của Điện Kremlin, ông Dmitry Kozak.