Thượng viện Mỹ đang đề xuất khởi động lại toàn bộ quy trình loại trừ các sản phẩm khỏi các mức thuế trừng phạt áp lên Trung Quốc. Trong ảnh, công nhân sản xuất chất bán dẫn tại một công ty ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam, Trung Quốc. (Nguồn: CNS) |
Trước đó, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu Thượng viện Mỹ về Dự luật Khoa học và CHIPS vào cuối tháng 7, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã báo hiệu khả năng sớm đưa các biện pháp tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trở lại bàn đàm phán.
Đứng đầu trong danh sách dự kiến thảo luận là cơ chế kiểm soát trước các khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty Mỹ sang Trung Quốc và các quốc gia mà Washington xem là “mối đe dọa an ninh tiềm ẩn”. Cơ chế này cho phép chính phủ Mỹ ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ cao đối với năng lực sản xuất quan trọng hoặc công nghệ tiên tiến của nước này.
Cơ chế được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Thương mại Gina Rimondo ủng hộ, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ nhóm các ngành công nghiệp Mỹ vì họ xem đây là hạn chế đối với quyền tự do đưa ra quyết định kinh doanh.
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Mỹ cũng sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm có khoản đầu tư 45 tỷ USD nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng như sản phẩm y tế và công nghệ cao, giám sát chặt chẽ hơn các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Ngoài ra, các biện pháp về thương mại cũng được đưa ra thảo luận, trong đó có đề xuất của Thượng viện Mỹ về khởi động lại toàn bộ quy trình loại trừ các sản phẩm khỏi các mức thuế trừng phạt áp lên Trung Quốc.
Vẫn chưa rõ liệu một dự luật giải quyết các vấn đề còn tồn đọng này có thể huy động đủ ý chí chính trị để được thông qua trong những tuần tới hay không, nhất là khi Mỹ đã có Đạo luật Đổi mới và Cạnh tranh cũng như Đạo luật Khoa học và CHIPS. Tuy nhiên, việc các biện pháp này được thông qua, ít nhất là lồng ghép trong một dự luật sẽ là thước đo cho thấy mức độ cứng rắn của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc.