Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với 7.179.131 ca nhiễm, trong đó có 207.402 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 39.015 ca mắc mới, trong đó có 806 ca tử vong.
Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc là Ấn Độ với 5.816.103 trường hợp, trong đó có 92.317 ca tử vong. Ấn Độ tiếp tục ghi nhận ngày có số ca nhiễm Covid-19 trên 80.000, trong đó có hơn 1.100 ca tử vong, cao nhất thế giới về số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày.
Brazil đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 4.657.702 ca mắc Covid-19, trong đó có 139.808 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Brazil có thêm 29.922 ca nhiễm bệnh, trong đó có 743 trường hợp không qua khỏi.
* Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 62.917 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 4.660.771, trong đó có 218.705 ca tử vong.
Tại Nga, số ca nhiễm mới tại thủ đô Mocow đã lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 6, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới.
Trong những tháng vừa qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moscow duy trì ở mức ổn định là 700 ca/ngày, song con số này đã bắt đầu tăng trở lại từ ngày 15/9. Trong ngày 24/9, thủ đô Moscow ghi nhận thêm 1.050 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ ngày 23/6.
Trong khi đó, trên toàn quốc, Nga ghi nhận thêm 6.595 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 12/7. Tính đến ngày 24/9, Nga có tổng cộng 1.128.836 ca nhiễm và 19.948 ca tử vong.
Ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch Covid-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ.
Tuy tỷ lệ tử vong chưa lên đến mức như hồi đầu năm nay, nhưng các ca nhiễm mới lại một lần nữa tăng vọt ở nhiều khu vực trong EU.
Trong một tuyên bố, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Czech và Malta là những quốc gia đặc biệt "đáng lo ngại".
ECDC cho biết, 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong. EU kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh.
Tại các quốc gia khác như Pháp và Anh, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang ghi nhận xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng có thêm nhiều người già bị nhiễm bệnh.
Tại Pháp, trong hơn một tuần qua số ca mắc Covid-19 liên tục ở mức 10.000 ca/ngày, buộc nhà chức trách phải siết chặt các biện pháp phòng dịch ở các khu vực báo động cao. Nguy hiểm hơn, số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao kỷ lục, 16.096 trường hợp, trong 24 giờ qua. Đến nay, Pháp có tổng cộng 497.237 ca mắc Covid-19, trong đó có 31.511 ca tử vong.
Italy cũng đang đối mặt tình trạng số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại. Chính quyền vùng Campania, bao gồm thành phố Naples, đã ban hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 24/9 nhằm ngăn chặn tình trạng này. Đến nay, Italy ghi nhận 304.323 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 35.781 trường hợp tử vong.
* Tại châu Á, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở một số quốc gia. Ngày 24/9, Hàn Quốc, tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 100, thêm 125 ca mắc mới. Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số ca mắc mới, có 110 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 23.431 ca mắc bệnh và 393 trường hợp tử vong. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo chính phủ sẽ không cho phép tổ chức các cuộc diễu hành dưới mọi hình thức tại trung tâm thành phố Seoul nhân dịp Quốc khánh nước này (3/10).
Myanmar đã tiến hành cách ly hàng chục nghìn người nhằm ngăn Covid-19 bùng phát tạo gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế còn hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và các bác sĩ cho rằng, các cơ sở cách ly đang bị quá tải do số ca nhiễm mới virus tăng mạnh.
Trong 24 giờ qua, Myanmar ghi nhận thêm 1.052 ca mắc bệnh, cao gần gấp đôi so với kỷ lục trước đó, với 20 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 8.344 và 150. Ngoài ra, đã có tổng cộng 2.381 bệnh nhân phục hồi và được xuất viện.
Trong khi đó, tại Indonesia, ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với 4.634 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 262.022. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, với thêm 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi đến nay đã tăng lên tới 10.105.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận 2.180 ca mắc mới với 36 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 296.755 và 5.127. Philippines hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á và có tới gần một nửa số ca tử vong tại nước này được ghi nhận chỉ trong vòng 30 ngày trở lại đây.
Tại Thái Lan, ngày 24/9, một ủy ban của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) của chính phủ đã đề nghị gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới hết tháng 10.
Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 năm nay nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Sau nhiều lần gia hạn, sắc lệnh dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9.
Trước thời hạn trên, Ủy ban của CCSA cho rằng việc tiếp tục gia hạn sắc lệnh nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự hợp tác và hoạt động nhanh hơn trong việc chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 của các cơ quan chính phủ, lưu ý đến sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar. Dự kiến, quyết định tiếp tục gia hạn sắc lệnh này sẽ được CCSA cân nhắc vào tuần tới trước khi trình lên Nội các để thông qua. Đến nay, Thái Lan ghi nhận 3.516 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 59 người tử vong.
Israel đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc do số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng mỗi ngày. Lệnh phong tỏa dự kiến có hiệu lực từ ngày 25/9 và kéo dài ít nhất đến buổi tối ngày lễ Simhat Torah của người Hồi giáo, tức ngày 10/10. Tính đến nay, Israel ghi nhận 212.115 ca mắc bệnh, trong đó có 1.378 ca tử vong.
Liên quan căng thẳng giữa Mỹ-Trung Quốc về đại dịch Covid-19, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những chỉ trích gay gắt tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về đại dịch, trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ, Đại sứ Trương Quân đã kịch liệt chỉ trích vai trò của Mỹ trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 24/9.
Ông Trương Quân cho rằng, nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm vì đại dịch thì đó chính là giới chức Mỹ.
Trong khi đó, Đại sứ của Mỹ tại LHQ Kelly Craft cũng bày tỏ bức xúc không kém, cho rằng thật đáng xấu hổ khi phiên họp của Hội đồng Bảo an lại tập trung vào bới móc chính trị thay vì việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của thế giới.