Cập nhật Danh sách 16 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 trên thế giới, tính đến 7h ngày 27/6. (Nguồn: Worldometers) |
Thế giới ghi nhận gần 9,9 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 496.000 người chết do đại dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến đặc biệt phức tạp tại Mỹ.
Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, trong những ngày gần đây, số bệnh nhân nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ liên tục gia tăng. Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, công bố sáng 27/6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 40.700 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó là 35.900 người. Tổng số bệnh nhân tại Mỹ hiện là hơn 2.462.000 người, trong đó hơn 124.000 bệnh nhân đã tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy khoảng từ 5-8% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Ước tính này dựa trên các khảo sát đại diện các kết quả xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc. Các khảo sát cũng chỉ ra số ca mắc bệnh Covid-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức.
Dân số Mỹ hiện là 329,8 triệu người và CDC ước tính con số thực tế những người đang nhiễm hoặc từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nằm trong khoảng từ 16,5 đến 26,4 triệu người. Trong khi đó, Giám đốc CDC Robert Redfeild cho biết tỷ lệ nhiễm virus không đồng đều trên cả nước, có những bang tỷ lệ phát hiện kháng thể chưa đến 2% tức là còn phần lớn người dân trong khu vực vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Những số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ khi nhiều bang dần khôi phục hoạt động sau thời gian phong tỏa để ngăn chặn dịch lây lan. Một số chuyên gia y tế cảnh báo nhiều bang có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu và cũng là cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci mô tả một số bang ở miền Nam và Tây đang trải qua những ngày gia tăng số lây nhiễm mới "một cách đáng lo ngại".
Một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh ở phía Đông Bắc như New York, New Jersey và Connecticut đã khuyến cáo những người dân từ các điểm nóng dịch bệnh ở bang khác tự cách ly khi đến những bang này. Các chuyên gia cho rằng những yếu tố như thiếu sự thống nhất trong các biện pháp ứng phó chính thức, chính sách đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không mang tính bắt buộc hay tâm lý tự mãn chính là những yếu tố khiến Mỹ tới nay vẫn chưa thể qua giai đoạn đỉnh dịch.
* Ngày 26/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, liên minh do tổ chức này đứng đầu chống dịch Covid-19 cần tới 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như vaccine.
WHO cho hay đến nay đã có 3,4 tỷ USD đã được đóng góp và vẫn còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó 13,7 tỷ USD là khoản tiền "cần gấp".
Sáng kiến của WHO nhằm tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu khóa điều trị cho các nước có thu nhập trung bình và thấp vào giữa năm 2021. Sáng kiến cũng nhằm nâng số liều vaccine lên 2 tỷ, trong đó 1 tỷ liều được dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp vào cuối năm 2021.
* Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, bà Puan Maharani đã kêu gọi tất cả các nước thành viên ASEAN hiệp lực chống đại dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Puan cho rằng, các quốc gia khu vực đang có chung áp lực khi đại dịch Covid-19 tác động đến các khía cạnh sức khỏe, làm tê liệt các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Indonesia tham dự Đối thoại giữa Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) - ASEAN vào chiều 26/6 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra cùng ngày.
Đây là cuộc gặp thường niên giữa những người đứng đầu Nghị viện và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Do đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN và đối thoại AIPA-ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại cuộc đối thoại này, Chủ tịch Hạ viện Puan đã nêu quan điểm của Indonesia về ASEAN cùng Tổng thống Philippines, Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng Việt Nam.
* Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 41.827 ca nhiễm và 907 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.274.974 và 55.961. Giới nghiên cứu lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy.
Do áp lực từ Tổng thống Jair Bolsonaro và sự chán nản của công chúng sau nhiều tháng thực hiện "cách biệt cộng đồng", các thống đốc và thị trưởng ở quốc gia này đã dỡ bỏ những hạn chế đối với thương mại và hoạt động kinh tế khác. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo, việc nới lỏng hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và gây thêm nhiều tử vong.
Các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Peru ghi nhận thêm 3.762 ca nhiễm và 178 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 272.364 và 8.939, tiếp tục là vùng dịch thứ bảy thế giới. Peru là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa hồi giữa tháng ba nhưng từ tháng 5, Chính phủ đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất.
* Là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, Nga cho biết, dù tình hình dịch đã giảm nhiệt, nước này vẫn chuẩn bị phương án để đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 6.800 ca nhiễm mới, 8.781 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 620.794 và 8.781.
* Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 509.446 ca nhiễm và 15.689 ca tử vong, tăng lần lượt 18.276 và 381.
Dù số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng, Ấn Độ đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn. Giới chức New Delhi tuần này đã phải chuyển đổi một trung tâm tôn giáo lớn thành cơ sở cách ly để đối phó dịch.
* Trung Quốc chưa công bố số liệu. Giới chức Bắc Kinh hôm 24/6 tuyên bố về cơ bản kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Chợ Tân Phát Địa và hàng chục khu dân cư được coi là rủi ro cao đã bị phong tỏa từ 13/6.
* Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 51.427 ca nhiễm, tăng 1.240 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.683 người chết, tăng 63 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
* Ngày 26/6, Chính phủ Argentina đã quyết định siết chặt hơn nữa biện pháp giãn cách xã hội tại Thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị bao quanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và số ca mắc tăng đột biến những tuần gần đây.
Theo thông báo của Tổng thống Alberto Fernandez cho biết, Chính phủ Argentina buộc phải quay lại những biện pháp mạnh như thời gian mới áp đặt lệnh cách ly xã hội hồi cuối tháng 3 và quyết định đóng toàn bộ khu vực đô thị Buenos Aires để ngăn chặn sự lây lan, giảm thiểu số ca mắc, cũng như nhu cầu sử dụng giường bệnh tại bệnh viện. Tổng thống cũng yêu cầu người dân tại khu vực trên phải ở trong nhà cho tới ngày 17/7.
Đây là lần gia hạn thứ 7 đối với biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được bắt đầu từ hôm 20/3. Những tuần gần đây, sau khi biện pháp giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng do nhu cầu hồi phục kinh tế, dịch Covid-19 đã diễn biến nghiêm trọng hơn do số lượng phương tiện và người lưu thông trên đường ở Buenos Aires đông đúc như giai đoạn trước cách ly. Người dân cũng bắt đầu tập trung đông tại những khu vực mua sắm được phép mở cửa và công viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến những tuần gần đây.
Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận 52.444 ca mắc Covid-19 với 1.167 trường hợp tử vong, trong đó 90% số ca mắc tập trung ở thủ đô Buenos Aires và tỉnh Buenos Aires. Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế Argentina, vốn đang rơi vào vòng xoáy suy thoái kể từ năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10,4% trong quý I/2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Argentina sẽ suy giảm tới 9,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
* Tình hình lây nhiễm tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục gia tăng, với Algeria ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Theo Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến dịch Covid-19 tại Algeria, tính đến 17h ngày 26/6 (giờ địa phương), cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 240 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong vì Covid-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại quốc gia Bắc Phi này hồi tháng Ba. Số ca nhiễm mới tăng cao, nhất là khi chính quyền Algeria đang từng bước nới lỏng các biện pháp giới nghiêm nhằm giảm bớt tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, cũng như đời sống của người dân đã gây ra những quan ngại nhất định trong dư luận.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế Algeria đã ghi nhận 12.685 ca nhiễm, tương đương 29 người/100.000 dân, trong đó 885 ca tử vong và 9.066 người đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Algeria hiện đứng thứ 5 ở châu Phi về số người mắc Covid-19, sau Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Ghana.
* Trong khi đó, Bộ Y tế Israel cho biết nước này ghi nhận thêm 400 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 22.800 ca và số ca tử vong lên 314 người. Số ca nhiễm mới tại Israel liên tục tăng khi ghi nhận 400-500 ca nhiễm mới trong một ngày, mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 4/2020.
Chỉ riêng trong tuần này, Israel đã có thêm 2.135 ca nhiễm, nhiều hơn số ca nhiễm được ghi nhận trong toàn tháng 5/2020. Chính phủ Israel đã phải ngừng nới rộng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tăng số tiền phạt đối với người vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế nước này.