Mỹ Latinh đang là 'tâm dịch Covid-19 lớn' của thế giới. (Nguồn: Đại học Texas) |
Đây là ngày thứ 10 liên tiếp, toàn cầu ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tính đến nay, thế giới ghi nhận 6.688.662 người mắc Covid-19, trong đó có 392.123 ca tử vong và 3.228.035 người bình phục.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi có tới 1.923.636 người mắc bệnh, trong đó 110.171 người tử vong.
Brazil xếp thứ 2 thế giới với 612.862 người mắc bệnh, tăng 28.882 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 32.602 ca tử vong, tăng 1.337 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Brazil hiện đang giữ kỷ lục là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới.
* Không chỉ ở Brazil, nhiều nước khác tại Mỹ Latinh đang trở thành các tâm dịch lớn của thế giới.
Ngày 4/6, Chính phủ Peru đã buộc phải tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chăn đại dịch Covid-19, trong bối cảnh đất nước Nam Mỹ này đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil.
Theo số liệu của Bộ Y tế Peru, tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận tổng cộng 183.198 ca dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 4.284 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 5.031 trường hợp tử vong, tăng 137 ca trong 24 giờ qua. Peru hiện đã xếp thứ 9 toàn cầu về số ca nhiễm Covid-19.
Trước đó không lâu, bên cạnh quyết định kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6, Chính phủ Peru vẫn cho phép nối lại một số hoạt động kinh tế mặc dù tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn có nguy cơ bùng phát tại những nơi tập trung đông người như trên các phương tiện giao thông và các khu chợ.
Cùng ngày, cơ quan di trú Peru cho biết, một phái đoàn chuyên gia y tế Cuba gồm 85 bác sĩ và y tá đã tới thủ đô Lima trên chuyến bay của Lực lượng Không quân Peru để hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này đối phó với dịch bệnh theo một thỏa thuận hợp tác song phương.
Sau Peru, Chile và Mexico là 2 quốc gia Mỹ Latinh tiếp theo ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trên 100.000, cao thứ 13, 14 thế giới và thứ 3, 4 tại khu vực.
Chile ghi nhận 118.292 ca nhiễm Covid-19, tăng 4.664 người trong 24 giờ qua, trong đó có 1.356 người tử vong, tăng 81 ca trong 24 giờ qua.
Mexico ghi nhận 101.238 người mắc Covid-19, tăng 3.912 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 11.792 người tử vong, tăng 1.092 ca trong 24 giờ qua.
* Tại châu Phi, trong ngày 4/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Africa) cho biết, các nước khu vực này sẽ tiếp nhận tổng cộng 90 triệu bộ kit xét nghiệm Covid-19 trong vòng 6 tháng tới nhằm tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng tại châu lục 1,3 tỷ dân này.
Các nước châu Phi cần khẩn trương thực hiện từ 10-20 triệu xét nghiệm trước thời điểm dịch Covid-19 đạt đỉnh để đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hiện đã làm nhiễm hơn 160.000 người tại châu lục này.
* Tại Nam Phi, ngày 4/6, Nội các nước này đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia thêm một tháng cho đến hết ngày 15/7, trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này ngày càng gia tăng.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nam Phi, riêng trong ngày 4/6, nước này đã ghi nhận thêm 3.267 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm kỷ lục trong 24 giờ kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 3/5, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 40.792 người, trong đó có 848 ca tử vong.
Nam Phi bước sang ngày thứ 70 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch Covid-19. Bắt đầu từ hôm 1/6, nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cũng từ thời điểm này, các chuyến bay nội địa đã được phép hoạt động trở lại.
* Ai Cập là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 ở Nam Phi, với số ca nhiễm mỗi ngày trong hơn 1 tuần trở lại đây luôn ở mức trên 1.000.
Trong ngày 4/6, Ai Cập phát hiện thêm 1.152 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.767 người. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Ai Cập hiện là 1.126 người sau khi có thêm 38 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 4/6. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 406 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp đã bình phục lên 7.756 người.
* Ngày 4/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã chọn trường Trung học Hun Sen Champuvorn làm điểm kiểm tra sức khỏe cho du khách đến Campuchia. Trung tâm này được trang bị 200 giường, ở gần sân bay quốc tế Phnom Penh.
Thông báo của Bộ trên cho biết, kể từ ngày 20/5, tất cả hành khách vào Campuchia được đưa đến khu vực trên lấy mẫu kiểm tra Covid-19. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia York Sambath cho hay, trung tâm này được sử dụng để kiểm tra sức khỏe cho hành khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như công dân Campuchia từ Hàn Quốc trở về nước.
Ngoài việc chuẩn bị đón du khách nước ngoài, Campuchia cũng đang thúc đẩy du lịch nội địa đi đôi với đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Ngày 20/5 vừa qua, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khách nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia bằng đường hàng không phải có giấy xác nhận y tế trong 72 giờ chứng minh không mắc Covid-19, có bảo hiểm trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại nước sở tại và phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Tại Việt Nam, tròn 50 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, số người mắc Covid-19 được ghi nhận cho đến nay là 328 ca, trong đó, 302 người đã được công bố khỏi bệnh. 26 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có 14 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên. |