Cập nhật Covid-19 ngày 16/3: Chủng SARS-CoV-2 mới ở Ukraine; nhập cảnh Lào phải có bảo hiểm Covid-19; Tiêm hay không tiêm vaccine AstraZeneca? |
* Tại khu vực Bắc Mỹ, tỉnh Ontario - địa phương đông dân nhất của Canada, đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 3. Hiệp hội bệnh viện Ontario đánh giá quan ngại về những biến thể của SARS-CoV-2 đang gia tăng và số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực đang có chiều hướng tăng tại tỉnh này.
Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Ontario đã tăng thêm 1.268 ca vào sáng 15/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 319.374 ca, bao gồm 7.162 ca tử vong. Giới chức y tế Canada khuyến cáo cần các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp để tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 15/3 đã bác bỏ khả năng sớm mở cửa lại đường biên giới chung với Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với y tế công cộng.
Trong khi đó, nước Mỹ chứng kiến nhiều thông tin tích cực liên quan đến vaccine phòng ngừa Covid-19. Khoảng 11,5% dân số Mỹ hiện đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, trong khi có thêm hàng triệu người Mỹ hiện có đủ điều kiện để tiêm vaccine trong tuần này khi nhiều bang mở rộng phạm vi tiêm chủng. Đáng chú ý, lần đầu tiên, giáo viên ở tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C, hiện có thể tiêm chủng.
* Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Chile công bố quyết định thực hiện cách ly tại 28 thành phố, bắt đầu từ ngày 18/3 do số ca nhiễm mới đang không ngừng tăng trong vài ngày.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5.117 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên 896.231 ca, trong đó có 21.772 ca tử vong.
* Ngày 15/3, Ukraine đã phát hiện một chủng virus SARS-CoV-2 mới, có những dấu hiệu cho đến nay WHO chưa ghi nhận. Người đứng đầu chi nhánh Kyiv của Cục Nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine (SSUFCP), ông Oleg Ruban cho biết chủng virus mới trên được phát hiện tại tỉnh Ivano-Frankivsk.
Ông Ruban thông báo: “Nó (virus) được xác nhận và có dấu hiệu của chủng Anh, vốn là một biến thể của chủng ở Nam Phi và Brazil. Ngoài ra, nó còn chứa những dấu hiệu cho đến nay WHO chưa ghi nhận. Một số đặc điểm nguy hiểm của chủng virus này là tính hung hăng, lây lan nhanh chóng và mới”.
* Tại Trung Đông, Jordan ngày 15/3 ghi nhận 9.417 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất chưa từng thấy. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 486.470 ca.
So với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới được thống kê hằng ngày trên toàn thế giới đã tăng khoảng 43.000 ca mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
* Tại Đông Nam Á
Truyền thông Lào ngày 16/3 đưa tin Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mới đây đã ra thông báo nêu rõ các công dân nước ngoài khi nhập cảnh vào Lào sẽ phải mua bảo hiểm Covid-19 và đeo thiết bị theo dõi sức khỏe.
Hiện bảo hiểm Covid-19, đang được bán thí điểm tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, có giá 100 USD cho 21 ngày, 150 USD trong 45 ngày và 250 USD cho 60 ngày, áp dụng đối với người từ 1-90 tuổi.
Người mua bảo hiểm có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được chi trả từ 10.000-20.000 USD. Ngoài việc phải mua bảo hiểm và đeo thiết bị theo dõi sức khỏe, người nhập cảnh vẫn phải chấp hành quy định cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
Ngày 16/3, Thái Lan đã tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong đó Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha là người đầu tiên được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca.
Trước đó, Thủ tướng Prayuth và các thành viên nội các đã hoãn lịch tiêm chủng vaccine của AstraZeneca do lo ngại tính an toàn của loại vaccine này sau khi nhiều nước châu Âu báo cáo về hàng chục ca xuất hiện tình trạng cục đông máu sau tiêm chủng vaccine loại này.
* Hiện chương trình tiêm chủng tại một số nước đang gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung, trong khi vaccine của AstraZeneca - loại vaccine đầu tiên được Anh - quốc gia đầu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, sử dụng để tiêm chủng đang phải tạm ngừng sử dụng.
Ngày 15/3, thêm một loạt các nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Slovenia, Cyprus quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine này do lo ngại về phản ứng phụ. Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép sử dụng loại vaccine này vào ngày 29/1 theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA). Dự kiến, trong chiều 16/3, EMA sẽ công bố khuyến cáo mới về vaccine AstraZeneca.
Ngay sau khi Bộ Y tế liên bang Đức tuyên bố tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca theo khuyến cáo của Viện Ehrlich Paul (PEI), chuyên gia về y tế của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Karl Lauterbach kêu gọi tiếp tục sử dụng vaccine này để ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm thứ ba đang bắt đầu lây lan mạnh ở Đức.
Sáng 16/3, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết nước này không có kế hoạch ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.
Phát biểu với kênh tin tức Sky News, Bộ trưởng Frydenberg nêu rõ cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận vaccine của AstraZeneca hiệu quả và an toàn sử dụng, do đó Australia sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Y tế Ukraine ngày 15/3 cũng khẳng định nước này không có kế hoạch ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca. Bộ trưởng Macksym Stepanov nêu rõ Ukraine không phát hiện bất cứ trường hợp nào có phản ứng phụ để dẫn tới xem xét ngừng sử dụng loại vaccine này. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi thậm chí không nghĩ đến việc đó".