Cập nhật Covid-19 ngày 21/1: Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quay trở lại tham gia WHO, Trung Quốc đối mặt với nguy cơ dịch bệnh ngày càng lớn trước thềm Tết Nguyên đán. |
Quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 415.534 ca tử vong trong tổng số gần 25 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.906 ca tử vong trong số 10.611.719 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 212.893 ca tử vong trong số 8.639.868 ca nhiễm.
Xét về khu vực, Bắc Mỹ vẫn là khu vực có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với 28.520.048 ca nhiễm virus và 598.770 ca tử vong. Mặc dù đứng thứ hai về số ca nhiễm virus, với 28.142.832, nhưng châu Âu lại có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 645.167 ca. Châu Á là khu vực đứng thứ ba với 22.277.157 ca nhiễm và 360.082 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng với tốc độ chóng mặt trên thế giới, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus đến từ Anh đã lan sang 60 quốc gia.
*Châu Âu là khu vực có số nước phát hiện ca biến thể virus SARS-CoV-2 nhiều nhất.
Ngày 21/1, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bước vào hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận việc phối hợp ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Chủ đề quan trọng của chương trình nghị sự là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô lớn và huy động mọi nguồn lực sẵn có để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Các lãnh đạo EU cũng sẽ chia sẻ về những giải pháp các nước đã thực hiện và thảo luận phương hướng triển khai chống dịch trong những tuần tới.
Về vấn đề vaccine, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xem xét tình hình triển khai tiêm chủng cũng như cách đảm bảo tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới và tiếp cận công bằng với vaccine.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được triển khai từ ngày 27/12 trên toàn EU. Theo đó, vaccine được phân phối đến tất cả các quốc gia thành viên cùng lúc và trong những điều kiện như nhau. Cho đến nay, EU đã cấp phép tiếp thị có điều kiện cho 2 loại vaccine ngừa Covid-19. EU cũng đã đạt được thỏa thuận đối với 4 loại vaccine ứng viên khác.
Tại Czech, Bộ trưởng Y tế Jan Blatný cho biết biến thể mới đã chiếm khoảng 10% trong tổng số ca nhiễm virus. Các nước láng giềng với Czech cũng có từ 10-15% số người nhiễm biến thể virus này.
Bộ trưởng Blatný cho biết các chủng virus bình thường cần 10 ngày, với biến thể mới chỉ 6 ngày đã phát bệnh. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện xuất hiện nhiều nhất tại các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Jordan, Hàn Quốc, Nam Phi và Nhật Bản. Tuy nhiên, giới chức y tế thế giới cho biết cho đến nay, các loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn có tác dụng đối với biến thể mới này.
Theo Bộ trưởng Blatný, biến thể virus từ Anh có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng loại bình thường. Chính phủ Séc đã thông qua kế hoạch thành lập trung tâm tiêm chủng ở Sân vận động mùa đông O2 với năng lực có thể tiêm cho 10.000 người/ngày và tại các địa phương trên toàn quốc.
Trong khi đó, tại Đức, một bệnh nhân nam 73 tuổi ở bang Baden-Wüttemberg của nước này đã qua đời khi lần thứ hai mắc Covid-19. Đây là trường hợp bệnh nhân thứ ba trên thế giới tử vong trong lần thứ 2 mắc Covid-19.
Giới chức y tế bang Baden-Wüttemberg cho biết bệnh nhân trên sống ở Freudenstadt, nhiễm bệnh lần đầu hồi tháng 4/2020, tới cuối tháng 12/2021 bị nhiễm trở lại và đã tử vong do viêm phổi vì Covid-19 và nhiễm khuẩn huyết kết hợp với suy đa tạng. Bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2. Theo ông Stefan Brockmann, quan chức phụ trách dịch tễ học Bộ Y tế bang Baden-Wüttemberg, bệnh nhân có bệnh nền và có khả năng người này đã không hình thành được hệ miễn dịch mạnh sau lần nhiễm đầu tiên. Ông cho biết nguy cơ một người bị nhiễm Covid-19 lần thứ hai là rất thấp và trong một số trường hợp cá biệt, bệnh nhân không phát triển đủ kháng thể trong lần nhiễm đầu tiên.
Ngày 20/1, Vatican bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng Covid-19 miễn phí cho người vô gia cư. Trong ngày đầu tiên, 25 người đã được chủng ngừa. Công tác tiêm chủng sẽ tiếp tục diễn ra vào những ngày tới. Tuần trước, Giáo hoàng Francis, 84 tuổi, và cựu Giáo hoàng Benedict, 93 tuổi, đã được tiêm mũi đầu tiên.
* Tại châu Mỹ có một tin tích cực cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngay sau khi nhậm chức tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quay trở lại tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người phát ngôn của TTK LHQ Stephane Dujarric ngày 20/1 cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh Mỹ quyết định quay trở lại tham gia WHO.
Tuyên bố của người phát ngôn trên nhấn mạnh WHO đóng vai trò then chốt đối với những nỗ lực của thế giới nhằm hướng đến hành động ứng phó chung hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hiện là thời điểm phải thống nhất và cộng đồng quốc tế phải cùng hợp tác trong khối đoàn kết nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng của loại virus chết người này.
Cùng ngày, Chile đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac của Trung Quốc phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trước đó, vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Viện Y tế công Chile (ISP) quyết định phê quyệt vaccine CoronaVac, Chile hy vọng sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine, đồng thời cho biết nước này đã bắt đầu phân phối vaccine của Pfizer/BioNTech.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc ISP Heriberto Garcia cho biết cơ quan này quyết định phê duyệt vaccine CoronaVac do kết quả thử nghiệm cho thấy sản phẩm này an toàn và hiệu quả 78% trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nếu tiêm 2 mũi cho những người trong độ tuổi từ 18-60.
Tính đến nay, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.500 người trong tổng số hơn 680.000 người nhiễm tại Chile.
Đầu tháng này, Brazil cũng xác nhận các cuộc kiểm tra riêng của nước này cho thấy vaccine CoronaVac hiệu quả 50%.
Cùng ngày, Panama đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân, theo đó y tá Violeta Gaona là người đầu tiên được tiêm vaccine. Panama hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại Trung Mỹ, với khoảng 300.000 ca nhiễm và hơn 4.800 ca tử vong do Covid-19.
* Tại châu Á
Ngày 20/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đánh giá nước này đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ngày càng cao do sự xuất hiện của các ổ dịch tại một số khu vực trước thềm Tết Nguyên đán.
Theo NHC, chỉ riêng trong tuần qua, tổng cộng có 757 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc đại lục. Số ca tiếp xúc gần đang được theo dõi y tế đã lên mức cao nhất trong 10 tháng. Đáng chú ý, các ổ dịch mới tập trung chủ yếu tại các khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng lây lan dịch bệnh trong gia đình, cộng đồng và trường học đã đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác kiểm soát dịch.
Trong ngày 19/1, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 88 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 19/1, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 88.557 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong do Covid-19.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP) cho biết đã ghi nhận thêm 77 ca nhiễm mới trong ngày 20/1, tất cả đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng với 37 ca chưa rõ nguồn gốc. Tính đến ngày 20/1, tổng số ca nhiễm tại vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc này là 9.797 ca, trong đó có 162 ca tử vong.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng này nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, năm ngoái, nước này cũng đã đạt thỏa thuận với Pfizer về việc mua vaccine ngừa Covid-19 cho 60 triệu người (gần một nửa trong số 126 triệu dân). Với thỏa thuận mới đạt được trên, Nhật Bản sẽ có thêm vaccine cho 12 triệu người, nâng tổng số người sẽ được chủng ngừa lên 72 triệu.
Tại Israel, ngày 20/1, một quan chức y tế cấp cao cho biết nước này đã đưa phụ nữ mang thai vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì không thấy có nguy cơ rủi ro cho họ và thai nhi. Quyết định này được đưa ra sau khi một số thai phụ phải nhập viện trong tuần này do xuất hiện những biến chứng của bệnh Covid-19. Theo truyền thông Israel, ít nhất 1 thai phụ phải dùng máy thở và sinh con bằng phương pháp sinh mổ. Theo đó, giới chức Israel khuyến cáo các thai phụ, chủ yếu là những người có nguy cơ mắc bệnh cao, đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Israel đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng từ ngày 19/12/2020, trong đó ưu tiên người cao tuổi và một số nhân viên thực hiện những công việc khẩn cấp. Hiện hơn 1/4 người dân Israel đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
*Trong khi đó, tình hình dịch tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng nhanh.
Cụ thể, Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 4.008 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 169.379 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 4.003 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong đã tăng thêm 11 ca lên 630 ca. Tổng số bệnh nhân phục hồi là 127.662 người.
Tại Indonesia, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua, số ca nhiễm đã tăng thêm 12.568 ca lên 939.948 ca, trong khi số ca tử vong tăng 267 ca lên 26.857 ca. Số bệnh nhân phục hồi và xuất viện đã tăng thêm 9.755 người lên 763.703 người. Dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia, trong đó Jakarta là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 3.786 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Ngày 20/1, Giám đốc Công ty dược phẩm Bio Farma (Persero) Indonesia, ông Honesti Bashir cho biết nước này có thể có được 663 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, nhiều hơn so với 426 triệu liều cần thiết.
Ông Honesti nêu rõ công ty Bio Farma có thể cung cấp được 438 triệu liều vaccine thông qua nhập khẩu và sản xuất, song nếu chương trình COVAX cung cấp đầy đủ, công ty sẽ có 663 triệu liều vaccine. Để đạt được 70% khả năng miễn dịch trong cộng đồng, Indonesia phải tiêm phòng cho 181 triệu người với hai mũi tiêm, tương đương 362 triệu liều. Tuy nhiên, trên thực tế số vaccine có nguy cơ bị hỏng chiếm tỷ lệ khoảng 15%, nên cần tổng cộng 426 triệu liều.
Tại Philippines, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 64 ca tử vong, nâng tổng số ca vong do Covid-19 tại đây lên 10.042 ca. Tỷ lệ tử vong tại Philippines hiện là 1,98%. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng thêm 1.862 ca lên 505.939 ca. Số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 765 người lên 466.993 người.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, Philippines đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 6,95 triệu người trong tổng số 110 triệu dân.