Tính đến 8h30 sáng 21/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 57.894.631 ca nhiễm bệnh Covid-19. |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 260.240 ca tử vong trong tổng số hơn 12,2 triệu ca nhiễm. Trong một tuần qua, ước tính Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới, tăng 26% so với tuần trước đó. Tiếp đó là Ấn Độ với 132.764 ca tử vong trong số hơn 9 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 168.662 ca tử vong trong số hơn 6 triệu bệnh nhân.
Tại cuộc Họp báo tại Nhà Trắng hôm 20/11, Tổng thống Donald Trump nói việc ông giám sát phát triển vaccine Covid-19 từ Phòng Bầu dục góp phần vào việc Mỹ hiện có hai loại vaccine có hiệu quả tới 95% (Hai vaccine của Mỹ đã phát tín hiệu khả quan thuộc về Liên doanh Pfizer cùng đối tác BioNTech SE và Công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna).
Tổng thống Trump cho biết, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ không bao giờ có thể làm những gì như ông đã yêu cầu họ thực hiện, để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine.
Thông qua Chiến dịch Thần tốc, Chính quyền Tổng thống Trump đã phối hợp và đầu tư vào việc tăng tốc phát triển vaccine Covid-19 với mục tiêu đầy tham vọng là có 300 triệu liều vaccine an toàn vào tháng 1/2021. CNN - kênh tin tức thường công kích Tổng thống Trump, thừa nhận vaccine Covid-19 đầy triển vọng của Moderna, là thành công của Chiến dịch Thần tốc của Tổng thống và ông nên được ghi công.
* Cũng tại châu Mỹ, trung bình mỗi ngày Canada ghi nhận thêm 4.800 ca mắc Covid-19 mới, tăng khoảng 15% so với tuần trước. Nước này đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng và quy mô các ổ dịch trong các cộng đồng và môi trường có nguy cơ cao như các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và cộng đồng thổ dân. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này hiện có 320.719 ca mắc, trong đó 11.334 ca tử vong.
Theo mô hình dịch bệnh mới nhất vừa được các cơ quan y tế công cộng công bố, số ca mắc Covid-19 tại Canada hiện vượt xa mức trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Nếu người dân Canada tăng tiếp xúc xã hội trong kỳ nghỉ lễ, số ca nhiễm có thể tăng vọt lên 60.000 ca/ngày vào cuối năm – cao gấp 12 lần so với mức hiện tại là khoảng 5.000 ca/ngày, vốn đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế ở một số khu vực. Còn nếu với cường độ tiếp xúc như hiện nay, giới chức y tế cảnh báo số ca mắc Covid-19 tại Canada có thể tăng lên mức trên 20.000 ca/ngày vào thời điểm cuối tháng 12 tới.
Thủ tướng Trudeau kêu gọi người dân đảo ngược diễn biến của dịch bệnh bằng cách ở nhà và hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc. Ông nhấn mạnh nếu người dân không hành động ngay lập tức, nhiều thế hệ sau này có thể vẫn phải hứng chịu hậu quả. Thủ tướng Trudeau cho rằng, tác động kinh tế dài hạn khi mức độ lây nhiễm của dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát vượt xa chi phí ngắn hạn của việc đóng cửa các cửa hàng. Ông nhấn mạnh "bảo vệ sức khỏe của người dân là cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế".
Tại Mexico, hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã tăng lên 100.104 ca, cao thứ 4 trên thế giới. Chính phủ Mexico đã áp đặt các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 3 và bắt đầu nới lỏng dần dần để mở cửa trở lại nền kinh tế từ tháng 6 vừa qua.
* Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (15.575.960 ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với gần 15,3 triệu ca. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 14.361.980 ca và Nam Mỹ với 10.623.415 ca. Châu Phi (hơn 2 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 43.400 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
* Hiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, trong đó các nước như Nga, Pháp, Đức và Anh đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới.
Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 22.882 ca mắc mới và 1.138 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 2.109.170 ca và 48.265 ca. Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai, nhưng cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch.
Trong khi đó, Đức có thêm 23.648 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 879.564 ca. Số ca tử vong cũng tăng 260 ca lên 13.630 ca.
Anh cũng thông báo thêm 20.252 người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.473.508 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 511 ca tử vong mới, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 54.286 ca.
Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 24.318 ca mắc, trong đó có 6.902 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây cũng là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 35.311 ca.
Tại Bồ Đào Nha, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa tuyên bố gia hạn lệnh "tình trạng khẩn cấp" cho tới ngày 8/12 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông cũng cảnh báo nguy cơ nước này phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, có thể bùng phát từ giữa tháng 1 và tháng 2.
Tại Phần Lan, Thị trưởng thủ đô Helsinki Jan Vapaavuori thông báo sẽ cấm các cuộc hội họp công cộng từ 20 người trở lên tại vùng Helsinki nhằm đối phó với số ca mắc mới Covid-19 đang gia tăng. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 23/11 tới.
* Tại Trung Đông, số ca mắc Covid-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 828.377 ca, với 13.260 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Iran là 43.896 ca, tăng 479 ca trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, Iraq ghi nhận thêm 2.543 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 531.769, trong đó có 11.883 ca tử vong. Bộ Y tế Iraq khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh tay và duy trì khoảng cách xã hội, cảnh báo nhiều ca mắc mới là những người đã bình phục trước đó.
Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp ở Morocco khi nước này ghi nhận thêm 4.760 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 316.260 ca, trong đó có 5.182 ca tử vong.
* Ngày 20/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá kết quả nghiên cứu của Anh cho thấy những người đã mắc bệnh Covid-19 không có nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 6 tháng là một thông tin tích cực, mang lại hy vọng cho công tác nghiên cứu và phát triển vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Các trường hợp tái nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong thời gian qua đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và các bệnh nhân bình phục vẫn có thể nhanh chóng bị tái nhiễm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) tiến hành đối với các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19 lại cho thấy các trường hợp tái nhiễm rất ít khi xảy ra và những người đã bị nhiễm bệnh và được điều trị khỏi rất khó có nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 6 tháng sau lần nhiễm đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục theo dõi kỹ lưỡng nhóm nhân viên này để đánh giá thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu và khả năng lần nhiễm bệnh trước đó ảnh hưởng đến diễn biến bệnh trong trường hợp họ bị tái nhiễm.
Phát biểu từ Geneva (Thụy Sỹ), ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhận định, đây thực sự là tin tốt lành khi có thể thấy, mức độ đáp ứng miễn dịch được duy trì ở người cho đến nay. Điều này cũng mang lại hy vọng cho việc điều chế vaccine phòng Covid-19. Trong khi đó, bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho rằng vẫn cần theo dõi những cá nhân trên trong một thời gian dài hơn để nắm được khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu.