📞

Cập nhật Covid-19 ngày 7/5: Số ca tử vong thực tế gấp đôi con số chính thức?; châu Phi có nguy cơ bùng phát; miễn trừ bản quyền sáng chế với vaccine

Huyền Trâm 11:25 | 07/05/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 156,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,27 triệu ca tử vong và hơn 134 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 7/5: Số ca tử vong vì dịch thực tế gấp đôi con số chính thức?; châu Phi trước nguy cơ bùng dịch; miễn trừ bản quyền sáng chế với vaccine

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 593.996 ca tử vong trong tổng số 33.367.495 ca nhiễm.

Ấn Độ vẫn là tâm điểm của dịch bệnh khi quốc gia Nam Á này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới lên tới 414.433 ca và số ca tử vong mới là 3.920 ca trong vòng 24 giờ qua. Đây cũng là số ca mắc mới và tử vong mới theo ngày cao nhất thế giới. Tính đến nay, tổng số ca mắc tại Ấn Độ là 21.485.285 ca, trong đó có 234.071 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới.

Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Brazil đã vượt mốc 15 triệu người sau khi ghi nhận 72.559 ca mắc mới. Tổng số ca bệnh tại Brazil là 15.009.023 ca, trong đó có 417.176 ca tử vong, đứng thứ ba thế giới.

* Theo một phân tích mới của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ), đại dịch Covid-19 đã làm gần 6,9 triệu người trên thế giới tử vong, gấp đôi con số được ghi nhận hiện nay.

Báo cáo trên chỉ ra rằng có những ca tử vong chưa được ghi nhận vì hầu hết các quốc gia chỉ tính số ca tử vong trong bệnh viện hoặc các ca được xác nhận mắc Covid-19.

IHME cho rằng tỷ lệ tử vong do đại dịch Covid-19 được báo cáo có liên quan chặt chẽ đến mức độ xét nghiệm ở một quốc gia. IHME tính tổng số ca tử vong bằng cách so sánh số ca tử vong được dự đoán từ tất cả các nguyên nhân dựa trên xu hướng trước đại dịch với số ca tử vong thực tế do dịch Covid-19 gây nên.

* Tại châu Á

Ngày 7/5, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ nước này dự định sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp hiện tại ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây cho đến ngày 31/5.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, nơi dịch Covid-19 đang hoành hành.

Hiện tại, Nhật Bản yêu cầu các du khách đến từ Ấn Độ phải cách ly ở các cơ sở chỉ định trong vòng 3 ngày ngay sau khi đến nước này sau đó tiếp tục cách ly 11 ngày tại nhà. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp quyết liệt hơn như kéo dài thời gian cách ly tại các cơ sở chỉ định lên 6 ngày hoặc cấm nhập cảnh từ Ấn Độ.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang cân nhắc áp dụng biện pháp tương tự đối với những người đến từ Pakistan và Nepal, các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/5, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thông báo đã ký kết biên bản ghi nhớ với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức về việc cung cấp vaccine phòng ngừa Covid-19 cho vận động viên các nước tham dự đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020.

Phát biểu trong buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita nhấn mạnh việc tiêm chủng cho vận động viên Nhật Bản sẽ được tiến hành với điều kiện không ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng quốc gia đang triển khai. Các biện pháp cụ thể sẽ được chính phủ, các bên liên quan thảo luận và quyết định trong thời gian tới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã nhận thêm một lô vaccine CoronaVac từ Công ty dược phẩm sinh học Sinovac của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã hỗ trợ lô vaccine CoronaVac đầu tiên cho Philippines vào ngày 28/2, cho phép nước này bắt đầu đợt tiêm chủng vào ngày 1/3.

Trong khi đó, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền cho biết nước này đã thắt chặt các nỗ lực chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới liên Triều ở phía Đông một ngày sau khi báo này đưa cảnh báo về sự lây lan dịch bệnh qua các tờ truyền đơn chống Bình Nhưỡng do một nhóm đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc phát tán qua biên giới.

Cụ thể, khu vực được tăng cường kiểm soát dịch bệnh là huyện biên giới Kosong thuộc tỉnh Kangwon.

* Tại Nam Mỹ, ngoài Brazil, Argentina cũng là điểm nóng của dịch bệnh khi ghi nhận 24.086 ca mắc mới và 399 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lần lượt là 3.095.582 ca và 66.263 ca.

Theo Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti, đến tháng 5, nước này sẽ nhận được hơn 19 triệu liều vaccine AstraZeneca theo cơ chế COVAX.

Tính đến nay, Argentina đã phân bổ 11.0301.574 liều vaccine trên khắp cả nước trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 21/5 tới.

* Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Phi có xu hướng xấu đi do tiến độ tiêm chủng chậm. Cùng ngày, Văn phòng khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch mới do sự chậm trễ ngày càng tăng trong việc tiêm chủng tại châu Phi so với phần còn lại của thế giới.

Cơ quan trên cảnh báo với việc hoãn cung cấp các liều vaccine Covid-19 do Viện huyết thanh của Ấn Độ sản xuất dành cho châu Phi, cũng như việc triển khai tiêm chủng vaccine chậm và sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới vẫn ở mức cao ở châu Phi.

Theo tuyên bố trên, mặc dù một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong việc triển khai vaccine, song tính đến thời điểm hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 1% số liều vaccine được sử dụng trên thế giới, so với 2% cách đây vài tuần. Chỉ có khoảng một nửa trong số 37 triệu liều vaccine mà châu Phi nhận được đã được sử dụng cho đến nay.

* Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố nước này sẽ cho phép tiêm chủng vaccine của hãng dược AstraZeneca cho tất cả người trưởng thành thuộc mọi lứa tuổi, đảo ngược một quyết định trước đó hạn chế tiêm loại vaccine này cho nhóm người trên 60 tuổi. Bộ trưởng Spahn cũng cho biết Đức dự kiến cung cấp vaccine cho nhóm người thuộc độ tuổi 12-18 vào trước cuối tháng 8, nếu các cơ quan quản lý cấp phép cho sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech đối với nhóm tuổi đó.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhiều nước đã ủng hộ sáng kiến miễn trừ bản quyền sáng chế đối với chế phẩm này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng nếu thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì sẽ đến năm 2024, việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới không thể hoàn tất.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cho biết nước này sẽ tham gia các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để xem xét việc từ bỏ các quy tắc được áp dụng trên quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ bí mật thương mại đối với vaccine phòng Covid-19.

Bà Mary Ng nhấn mạnh Canada sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán để hướng tới miễn trừ bản quyền sáng chế đối với vaccine phòng Covid-19 trong khuôn khổ của hiệp định TRIPS của WTO.

Ngày 6/5, Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế của Anh (MHRA) cho biết có một số bằng chứng cho thấy tình trạng xuất hiện huyết khối, phản ứng phụ hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, song tỷ lệ khác biệt rất nhỏ.

Giới chức Anh trước đó nói rằng việc xuất hiện huyết khối chỉ liên quan đến tuổi tác, không phải giới tính, và số phụ nữ đi tiêm phòng nhiều hơn so với nam giới. Trong báo cáo cập nhật hằng tuần về tình trạng huyết khối, MHRA cho biết: "Hiện có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ xuất hiện huyết khối ở phụ nữ cao hơn so với ở nam giới dù điều này không thể hiện ở tất cả các nhóm tuổi, và sự khác biệt vẫn nhỏ".

(tổng hợp)