Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận đã chiếm giữ 36 trang web liên quan tới Iran với lý do vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington. (Ảnh chụp màn hình) |
Một số trang web có thể truy cập được lại vài giờ đồng hồ sau vụ việc trên bằng các địa chỉ tên miền mới.
Trong tuyên bố, Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ: "Theo lệnh của tòa án, Mỹ đã chiếm giữ 33 trang web được Liên minh phát thanh và truyền hình Hồi giáo Iran (IRTVU) sử dụng và 3 trang web do nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah (KH) điều hành, vì những trang web này đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ".
Trong số các trang bị chặn có Press TV - kênh truyền hình vệ tinh bằng tiếng Anh do nhà nước Iran quản lý - và kênh truyền hình Al-Alam bằng tiếng Arab.
Hai trang web này có thể truy cập được trở lại với địa chỉ tên miền Iran Alalam.ir và Presstv.ir.
Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, 33 tên miền được IRTVU sử dụng thuộc sở hữu của một công ty Mỹ và IRTVU trước đó không có giấy phép của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ để sử dụng tên miền. KH cũng không có giấy phép.
Trước đó cùng ngày, trên một số trang web liên quan tới Iran đã hiển thị thông báo "tên miền đã bị Chính phủ Mỹ kiểm soát", trích dẫn các điều luật trừng phạt của Mỹ, kèm theo con dấu Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Thương mại Mỹ.
Tập đoàn Phát thanh truyền hình Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIB), công ty mẹ của Al-Alam, đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trên của Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối bình luận về vấn đề này.
Hãng thông tấn Irna của Iran đưa tin, một quan chức của nước này tại Liên hợp quốc đã nói rằng, việc Washington chiếm giữ các trang web của Iran là bất hợp pháp và nhấn mạnh, Tehran sẽ phản ứng về vụ việc qua "các kênh hợp pháp".
Quan chức này phản đối "các biện pháp bắt nạt", đồng thời cáo buộc hành động này vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Mỹ hiện đang duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran liên quan chương trình hạt nhân và cáo buộc tài trợ khủng bố.
Giới quan sát nhận định, vụ việc trên có thể khiến quan hệ Mỹ-Iran thêm căng thẳng, trong bối cảnh các bên đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận.