Chuyện máy bay bị bắn rơi tại Iran đã lấn át chính cả chuyện đối địch giữa Mỹ - Iran trên chính trường và dư luận thế giới. Minh họa của The New Yorker |
Việc chiếc máy bay chở khách của Ukraine bị tên lửa phòng không Iran bắn rơi tại Iran là một thảm hoạ và bi kịch. Những hệ luỵ về pháp lý của vụ việc đang được Iran và các quốc gia liên quan cùng nhau giải quyết. Cách giải quyết vụ việc này của Iran khác biệt cơ bản cách Mỹ giải quyết việc hải quân Mỹ bắn rơi máy bay chở khách của Iran năm 1988. Và cuộc đối địch giữa Mỹ - Iran ở khu vực này có lối rẽ bất ngờ mới.
Sốc quá lớn, tác động quá mạnh
Kể từ sau khi phía Iran chính thức xác nhận là tên lửa phòng không của Iran đã bắn rơi chiếc máy bay chở khách nói trên, chuyện máy bay bị bắn rơi này đã lấn át cả chuyện đối địch giữa Mỹ - Iran trên chính trường và dư luận thế giới. Cú sốc quá lớn và tác động của vụ việc quá mạnh mẽ.
Tác động của vụ việc này vô cùng tai hại trên mọi phương diện đối với Iran. Nó bộc lộ những điểm yếu, khiếm khuyết và bất cập của Iran về quốc phòng và quân sự.
Hệ luỵ không thể tránh khỏi đối với Iran là bên ngoài sẽ nhìn nhận khác về thực lực quân sự của Iran, về khả năng phòng thủ của Iran và về thực trạng tâm lý của quân đội Iran trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh.
Hệ luỵ không thể tránh khỏi là lòng tin của dân chúng vào quân đội và trong chừng mực nhất định cả vào ban lãnh đạo đất nước bị suy giảm. Cuộc đối địch giữa Mỹ và Iran giờ chuyển trọng tâm sang thành chuyện bên trong Iran.
Những đối thủ của Iran sẽ chưa chịu hài lòng với sự công khai nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường của Iran mà còn tận dụng vụ việc này để gia tăng áp lực đối với Iran khiến cho nước này thêm khó khăn và khó xử cả về đối ngoại lẫn đối nội, gây phân hoá giữa người dân và ban lãnh đạo đất nước cũng như chĩa rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo này.
Bạn có thể quan tâm: |
Mỹ đã nhận ra rằng tận dụng vụ việc máy bay bị bắn rơi này còn công hiệu hơn nhiều so với leo thang mức độ đối địch quân sự trực tiếp với Iran. Giao tranh quân sự với Iran bây giờ, cho dù ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Iran, sẽ chẳng khác gì giúp ban lãnh đạo Iran đoàn kết thống nhất nội bộ và sẽ làm lu mờ chuyện chiếc máy bay bị bắn rơi, sẽ giúp ban lãnh đạo Iran bớt đi chứ không phải làm cho thêm khó khăn và khó xử. Cho nên có thể dự liệu được là ít nhất thì cũng trong thời gian tới Mỹ sẽ không có hoạt động quân sự nào nữa nhằm trực diện vào Iran trừ khi bị Iran tấn công trực diện gây tổn thất về người.
Iran điều chỉnh ra sao?
Việc bắn rơi chiếc máy bay này buộc Iran phải điều chỉnh đối sách với Mỹ. Ưu tiên chính sách hàng đầu của Iran bây giờ chỉ có thể là xử lý nhanh chóng, dứt điểm và ổn thoả chuyện này. Cho nên Iran sẽ tránh sa vào vòng xoáy ăn miếng trả miếng quân sự trực tiếp với Mỹ và kéo dài tình trạng tạm hoà dịu hiện tại như có thể được.
Hơn nữa, một khi những điểm yếu, khiếm khuyết và bất cập về quốc phòng bị bộc lộ như vậy, Iran không thể không có những chấn chỉnh, bổ sung và tăng cường cần thiết về tiền của, công sức, thời gian và sự yên ổn nội bộ để thực hiện những điều chỉnh chiến lược cũng như sách lược.
Chừng nào chưa làm xong những việc ấy, chừng đó Iran sẽ còn phải tránh như có thể được đụng độ quân sự trực tiếp với Mỹ và chừng đó phải tăng cường đối phó Mỹ bằng những phương cách và với những con chủ bài khác.
Vụ việc chiếc máy bay bị bắn rơi này cho thấy bất hoà giữa hai quốc gia gây tổn hại không chỉ cho chính hai quốc gia ấy mà còn cho cả các nước khác. Một khi thần hồn nát thần tính, một khi kỹ thuật và công nghệ không làm việc theo chủ ý và sự kiểm soát của con người, một khi tình cảm lấn át lý trí thì có thể gây ra thảm hoạ như thế nào cho con người ở các bên đối địch nhau và con người ở thế giới bên ngoài.
Rõ ràng, tuy trước hết là Iran nhưng cả Mỹ nữa cũng phải rút ra những bài học cần thiết cho họ từ vụ việc này. Và các quốc gia khác cùng mọi người trên thế giới cũng có trách nhiệm làm cho các bên giảm thiểu xung khắc với nhau chấm dứt.