📞

Câu chuyện về bức tượng đặc biệt tại Nhà tù Côn Đảo thập niên 40 thế kỷ XX

16:35 | 25/02/2020
TGVN. Bức tượng đã được các tù nhân bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp, đem theo ra Nhà tù Côn Đảo. Sau thời gian rất dài, bức tượng đã được gia đình Giám ngục Paul Atoine Miniconi (người Pháp) trao lại cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một kỷ vật quý giá của các chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo cho ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” diễn ra ngày 25/2 tại Hà Nội, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một kỷ vật quý giá của các chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo, từ tay Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phía sau bức tượng là một câu chuyện vô cùng xúc động về tình cảm, niềm tin của các chiến sỹ cộng sản kiên trung nơi Nhà tù Côn Đảo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Câu chuyện về bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sỹ cộng sản lưu giữ tại nhà tù Côn Đảo thập niên 40 của thế kỷ XX là sự ngạc nhiên, thán phục của viên giám ngục người Pháp Paul Atoine Minicini về tình cảm, sự kính trọng và niềm tin tưởng tuyệt đối của những người tù cộng sản ở Côn Đảo đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giám ngục Paul Atoine Miniconi sinh ngày 7/12/1897 tại Bocognano, thuộc đảo Corse, Cộng hòa Pháp. Ông được cử sang Việt Nam làm việc tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 đến 1952 với vai trò giám ngục. Ông được giao giữ chìa khóa các khám, banh, canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của Nhà tù Côn Đảo.

Trong thời gian làm việc tại đây, nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ những người tù, khi cho kiểm tra một phòng giam trong hệ thống trại giam, ông đã phát hiện các chiến sỹ cộng sản dường như đang cố cất giấu một vật mà ông nghi có thể là vũ khí.

Từ nghi ngờ đó, ông cho tổ chức khám xét và thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng và tôn thờ. Bức tượng đã được họ bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp, đem theo ra Côn Đảo.

Tận mắt chứng kiến tinh thần quả cảm của các chiến sỹ cộng sản, ông Paul Atoine Miniconi hiểu được tình cảm, lòng trung thành của những chiến sỹ cộng sản đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo.

Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được gia đình Giám ngục Paul Atoine Miniconi (người Pháp) trao lại cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau khi hết thời gian công tác tại Việt Nam, năm 1952 ông trở về sinh sống và làm việc tại Đảo Corse, Cộng hòa Pháp. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho người con trai Paul Miniconi, người đã từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.

Ngày 1/12/2019, ông Paul Miniconi cùng với Nhà sử học Pháp Frank Senateur đã xúc động trao bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, Nguyễn Thiệp để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ và phát huy giá trị bức tượng này.

Một điều hết sức thú vị, Đại sứ Nguyễn Thiệp, người tiếp nhận bức tượng từ ông Paul Miniconi lại chính là con trai của người tù cộng sản từng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục tại đây. Với ông Paul Miniconi, việc trao lại bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha thân yêu trước lúc qua đời.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà khẳng định, đây là bức tượng quý, có nhiều giá trị lịch sử, được gia đình ông Paul Atoine Miniconi trân trọng gìn giữ trong nhiều năm. Với tất cả trách nhiệm và lòng kính yêu đối với Đảng và Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ bảo quản và phát huy tốt hiện vật được trao tặng là các trưng bày trong năm 2020 - kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Khu Di tích nhà tù Côn Đảo là một trong những di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Trong suốt 113 năm (1862 -1975), thực dân Pháp sau đó là đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “Địa ngục trần gian”, giam cầm, đầy đọa hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Nhưng cũng chính nơi đây, những người chiến sỹ cách mạng đã kiên cường đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng. Cội nguồn của niềm tin và sức mạnh vô song đó được bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng, tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chốn ngục tù, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với những chiến sỹ cách mạng đấu tranh giữ vững khí tiết người cộng sản. Để có tấm hình của Người khi bí mật chào cờ, kết nạp Đảng, các chiến sỹ tù Côn Đảo đã vẽ, thêu hình Chủ tịch Hồ Chí Minh theo trí tưởng tượng của mình và tìm mọi cách cất giữ trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù. Họ coi đó tài sản vô giá, bởi lẽ hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí của họ là Tổ quốc, là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.