📞

Câu chuyện xúc động về cuộc phỏng vấn 30 phút của nhà báo Romania với thiên tài quân sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hà Phương 08:00 | 25/08/2021
Bà Dona Tudor là một nhà báo, nhà văn, giáo sư đại học về báo chí nổi tiếng tại Romania. Bà đã sang Việt Nam năm 1995 và có một cuộc phỏng vấn đáng nhớ trong cuộc đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo Dona Tudor phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995. (Ảnh: NVCC)

26 năm sau, vào một ngày tháng 8/2021, phóng viên TG&VN có dịp trò chuyện với bà Dona Tudor, cùng ôn lại kỷ niệm đẹp của bà trong lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa.

Quá trình chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995 diễn ra như thế nào, thưa bà?

Năm 1995, tôi là Tổng Thư ký của Ban Thông tấn Đối ngoại thuộc Ban Thời sự, Đài Truyền hình Quốc gia Romania.

Cùng với Tổng Biên tập Nicolae Melinescu, tôi theo dõi diễn biến các sự kiện đối ngoại. Thời điểm này, các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế tập trung khai thác sự kiện 20 năm Việt Nam thống nhất đất nước (1975-1995).

Là nhà báo, cả hai chúng tôi đều mong muốn được trải nghiệm trực tiếp cuộc sống thời điểm đó ở Việt Nam.

Trong những năm 1970, Tổng Biên tập Nicolae Melinescu là phóng viên chiến trường tại Hà Nội. Tôi cũng muốn thực hiện các cuộc phỏng vấn với những nhân vật nổi tiếng và đưa tin từ các nước sau khi trải qua chiến tranh.

Tôi, Nicolae Melinescu và một số thành viên kỹ thuật đã rời Bucharest để đến Hà Nội. Chúng tôi được gặp Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni cùng phu nhân.

Trong thời gian chúng tôi ở Hà Nội, Đại sứ và phu nhân đã hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp, trong vai trò phiên dịch, cố vấn, đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho chúng tôi trong quá trình thực hiện các thước phim tư liệu ở Hà Nội.

Nhờ đó, chúng tôi biết nên quay địa điểm này vào buổi sáng, địa điểm khác vào buổi chiều, đảm bảo ánh sáng và âm thanh...

Đại sứ Valeriu Arteni và phu nhân đều thông thạo tiếng Việt, có kiến thức sâu rộng về sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như văn hóa của Việt Nam.

Câu chuyện của họ cũng có thể tạo cảm hứng cho một kịch bản phim. Họ gặp nhau ở Việt Nam trong thời gian học đại học, kết hôn và có một người con trai cũng nói được tiếng Việt.

Sau này, năm 2019, Đại sứ Valeriu Arteni trở thành công dân nước ngoài đầu tiên được nhận danh hiệu Công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi đã vô cùng vui mừng, cảm giác lâng lâng như chạm tới được trời xanh khi biết yêu cầu phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng tôi đã được Việt Nam chấp thuận.

Vào đêm trước khi ghi hình cuộc phỏng vấn, tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng tài liệu và xem qua tất cả các nghiên cứu mà tôi đã chuẩn bị trước đó về các chủ đề tôi muốn hỏi Đại tướng.

Khi học báo chí, tôi đã được dạy rằng, một người phóng viên cần biết ít nhất một nửa câu trả lời trước khi đặt câu hỏi phỏng vấn.

Tôi rất háo hức khi sắp được gặp Đại tướng - một thiên tài quân sự. Những chiến lược, chiến thuật quân sự của ông đã được nghiên cứu ở hầu hết các học viện quân sự cao cấp trên thế giới.

Với nhà báo Dona Tudor, "thật hạnh phúc khi chiến lược gia quân sự, một huyền thoại sống động đang đứng trước mặt và mỉm cười với tôi". (Ảnh: NVCC)

Cảm nhận của bà về Đại tướng thời điểm đó, điều bà ấn tượng nhất về Đại tướng là gì?

20 năm sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, dưới góc nhìn của một nhà báo, tôi thấy rất rõ ở người dân một tinh thần độc lập dân tộc, có lẽ được truyền cảm hứng từ Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đối với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “vị thần” khác trên Trái đất. Tạp chí Time của Mỹ đã ví Tướng Giáp là "Napoleon của Việt Nam". Chắc chắn, không ai có thể quên chiến dịch Điện Biên phủ huyền thoại và cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, từng tạo ra một “cơn bão” trong xã hội Mỹ.

Nhớ lại khi ấy, tôi thật hạnh phúc khi chiến lược gia quân sự, một huyền thoại sống động đang đứng trước mặt và mỉm cười với tôi.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã rất ngạc nhiên bởi Đại tướng rất giống với mô tả của nhà văn người Romania Stefan cel Mare là “một người tầm thước”. Tuy nhiên, không có thời gian để tôi miên man trong những dòng hồi tưởng ấy, một cái bắt tay mạnh mẽ, một ánh nhìn ấm áp của Đại tướng đã thu phục tôi.

Tôi nói: “Bonjour, mon General”… và cuộc gặp của chúng tôi tiếp tục bằng tiếng Pháp. Tôi tặng ông một tập thơ mới xuất bản và ông tặng tôi một cuốn hồi ký.

Trước mắt tôi là một người lớn tuổi (83 tuổi) với đôi mắt sáng, thu hút. Những câu chuyện ông chia sẻ cho thấy một trí nhớ hoàn hảo, kiến thức uyên thâm và kết nối linh hoạt với thế giới đang thay đổi từng ngày.

Với tôi, cho tới tận ngày nay, câu nói năm xưa của Đại tướng vẫn còn nguyên giá trị: “Ý chí của một dân tộc thì trường tồn”...

Khi tôi nói với Đại tướng rằng chiến tranh truyền thống có lẽ sẽ không diễn ra, thay vào đó có thể xuất hiện các loại hình chiến tranh mới.

Đại tướng đã đáp lại tôi một câu rất đáng nể phục: “Có thể, nhưng ý chí của một dân tộc thì trường tồn”. Thời điểm đó tôi đang làm luận án Tiến sĩ, đào sâu các khái niệm và định nghĩa về chiến tranh hỗn hợp.

Trong suốt cuộc trò chuyện, cách Đại tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ mục tiêu của bất kỳ hành động nào, tính hiệu quả của bất kỳ kế hoạch nào khiến tôi cảm thấy ông rất ngưỡng mộ nhà lãnh đạo quân sự Pháp Napoleon và là một người “sành” về Binh pháp Tôn Tử.

Trước mặt tôi không chỉ có một nhà yêu nước vĩ đại với tầm nhìn xa trông rộng, mà còn là một con người của nhân dân, với trí tuệ uyên bác.

Đại tướng nói rằng tôi nên tới Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh hay gặp trực tiếp những chiến sĩ, phi công bắn hạ máy bay B52 của Mỹ.

Thế nhưng, thật tiếc tôi đã không có cơ hội thực hiện.

Nhà báo Dona Tudor vẫn luôn nhớ về đất nước và con người Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Chuyến thăm Việt Nam và cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa như thế nào với sự nghiệp báo chí của bà sau này?

Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ chuyến đi Việt Nam đầu tiên và có lẽ là cuối cùng của tôi; được gặp một trong những chiến lược gia quân sự hàng đầu của thế giới.

Trong chuyến đi ấy, là một nhà báo, tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người Việt làm việc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Họ là một phần của cộng đồng hơn 4.000 sinh viên Việt Nam từng học tại các trường đại học danh tiếng của Romania trong những năm 1970 và 1980 và rất thông thạo tiếng Romania.

Tôi vẫn luôn nhớ về một đất nước Việt Nam với những con người tuyệt vời, tách trà thơm và lòng hiếu khách. Tôi được chào đón ở mọi nơi tôi đến. Dân tộc Việt Nam đã hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh, luôn thể hiện ý chí kiên cường, độc lập dân tộc giữa những ảnh hưởng lợi ích của các cường quốc.

Romania đã giúp đỡ Việt Nam trong những năm tháng đầy biến cố của lịch sử, quan hệ Romania-Việt Nam, vì vậy, luôn thắm tình hữu nghị truyền thống.

Đối với tôi, cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà tư tưởng lớn của thời đại là một kỷ niệm không bao giờ quên.

Sau chuyến thăm Việt Nam, tôi tiếp tục làm phóng viên chiến trường tại các khu vực xung đột như Angola, Bosnia, Albania, Iran, Iraq và Afghanistan.

Với tôi, cho tới tận ngày nay, câu nói năm xưa của Đại tướng vẫn còn nguyên giá trị: “Ý chí của một dân tộc thì trường tồn”.

Sau khi trở về Romania, cuộc phỏng vấn dài 30 phút với Đại tướng đã được phát sóng vào tháng 4/1995 trên Kênh 1 của Đài Truyền hình Quốc gia Romania, với tiêu đề: “Việt Nam - Con Rồng đang lên”. Tiêu đề này vẫn đúng cho đến nay khi nói về đất nước này.

Trong suốt 50 năm sự nghiệp báo chí của mình, bà Dona Tudor đã công tác ở nhiều cơ quan với các loại hình báo chí khác nhau và thực hiện hàng nghìn phóng sự tài liệu, thực hiện phỏng vấn với nhiều nhân vật nổi tiếng của thế giới đương đại. Trước khi nghỉ hưu, bà Dona Tudor tập trung viết về sự phát triển ở các khu vực xung đột, nơi bà đã có nhiều trải nghiệm thực tế.

Bà Dona Tudor đã xuất bản nhiều bài thơ, văn xuôi, nghiên cứu khoa học và đã được trao tặng một số danh hiệu, huy chương. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà là cuốn sách “Sự thao túng dư luận trong các cuộc xung đột quân sự”, Nhà xuất bản Dacia, Cluj-Napoca, 2000.

Dona Tudor là nữ nhà báo Romania đầu tiên có bằng tiến sĩ về khoa học quân sự với luận án nghiên cứu có tiêu đề: “Sự xâm lược của thông tin và mạng lưới truyền thông đại chúng”.