📞

Cầu nối cho các doanh nhân nữ vươn ra thế giới

VÂN AN 13:45 | 24/05/2021
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) khẳng định, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, Hội đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch một cách hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN ngày 6/3/2015 tại Hà Nội (bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đứng hàng đầu thứ ba từ trái sang).

Một trong những phương châm hoạt động của Hội đồng là làm cầu nối cho các doanh nhân nữ Việt Nam vươn ra thế giới. Xin bà cho biết Hội đồng đã có những hoạt động chủ yếu nào để thực hiện phương châm này?

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã chủ động triển khai các hoạt động kết nối giao thương trong nước và quốc tế, cung cấp thông tin, tổ chức và tư vấn các doanh nghiệp hội viên tham gia các diễn đàn kết nối kinh doanh, hội chợ... để tìm kiếm bạn hàng.

Để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho hội viên một cách hiệu quả hơn, hỗ trợ các doanh nhân nữ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội doanh nhân nữ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số tổ chức quốc tế, tập đoàn như Coca-Cola, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tham gia Hội viên toàn cầu của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu nhiều năm nay và hằng năm đều tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự Hội nghị này tại các châu lục. Tại đây, Hội đồng đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và đối tác quốc tế tại nước đến tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp và kết nối doanh nghiệp của hai quốc gia theo hình thức B2B.

Qua những hoạt động trên, nhiều hợp đồng kinh tế giữa doanh nhân nữ Việt Nam với các doanh nhân quốc tế đã được ký kết và thực hiện như: Hợp đồng nhập khẩu lụa Hàn Quốc, dầu ô liu của Hy Lạp, xuất khẩu găng tay nilon sang Chile, xuất khẩu chè sang Pháp, nông sản sang Nhật, Anh…

Gần 20 năm tham dự, đoàn doanh nhân nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu và tôi đã vinh dự được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Việt Nam từ ngày 12/3/2019.

Tôi cũng vinh dự được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Ủy ban Phụ nữ ASEAN của Việt Nam) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ thành lập Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) - sáng kiến do Việt Nam khởi xướng tại Cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) tổ chức tháng 11/2007 tại Thái Lan.

Với kinh nghiệm và bài học từ các hội nghị mà tôi may mắn được tham gia như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, Hội nghị đối thoại công – tư, Hội nghị Phụ nữ và kinh tế ASEAN, Diễn đàn kinh tế APEC, phiên dành cho phụ nữ;… tôi đã lãnh đạo Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam triển khai các hoạt động cụ thể với sự ủng hộ, hỗ trợ của Ủy ban Phụ nữ ASEAN tại Việt Nam, VCCI, Ban thư ký ASEAN.

Ngày 22/4/2014, AWEN chính thức ra mắt. Tôi đã trở thành nhà Khởi nghiệp và là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của AWEN (2014-2016).

Trong nhiệm kỳ đầu tiên với vô vàn khó khăn, nhưng tôi đã lãnh đạo Hội đồng Doanh nhân nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thành lập, xây dựng cơ cấu tổ chức, ban hành quy chế, kêu gọi tài trợ từ đối tác, cộng đồng và vận hành AWEN, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức gần 30 diễn đàn, hội thảo, hội nghị, triển lãm, trưng bày… tại các quốc gia trong khu vực, đưa ra sáng kiến tổ chức thường niên Diễn đàn/Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN, Vinh danh Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu.

Với việc thành lập AWEN hoạt động theo nguyên tắc: Tự chủ - Tự quản – Tự chịu trách nhiệm – Tự cân đối tài chính và kết quả vận hành AWEN xuất sắc trong nhiệm kỳ khó khăn nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước, Bằng khen và Kỷ niệm chương của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, tôi cũng tiếp tục đưa ra sáng kiến, đề xuất và được phép tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN, vào tháng 11/2020 tại Hà Nội (theo hình thức kết hợp trực tiếp với trực tuyến), bên lề tuần lễ Hội nghị Cấp cao ASEAN.

Bên cạnh các hoạt động của AWEN, trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam 2017, tôi đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC và đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo VCCI, các bộ, ngành, tổ chức và đối tác.

Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC với chủ đề “Phụ nữ là Doanh nhân” được Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của VCCI và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao phối hợp với các đối tác đã thành công tốt đẹp vào ngày 28/9/2017 tại thành phố Huế. Đây là Diễn đàn doanh nhân nữ đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của APEC.

Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nhân nữ đã tham gia vào quá trình này như thế nào?

Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam là tham mưu cho Ban chấp hành VCCI để kiến nghị với Đảng, Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách có liên quan; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nhân nữ trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế.

Trong quá trình Việt Nam đàm phán các FTA, Hội đồng đã thực hiện vai trò tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên, tham mưu với VCCI đóng góp ý kiến cho các nội dung của đoàn đàm phán.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nhân nữ APEC với chủ đề Phụ nữ là doanh nhân tại thành phố Huế, ngày 28/9/2017.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA thế hệ mới, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã phối hợp với các đối tác tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin cho các nữ doanh nhân, nhận định về thách thức và cơ hội, định vị doanh nghiệp và xác định thứ tự ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình khi các FTA có hiệu lực; phối hợp với các cơ quan liên quan và mời các chuyên gia giới thiệu về các FTA, các lợi thế và thách thức, gợi mở cách tiếp cận các lợi thế cũng như chuẩn bị tâm thế ứng phó với các thách thức từ các FTA cho các doanh nghiệp nữ…

Trong quá trình hoạt động của Hội đồng, bà nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ Bộ Ngoại giao?

Hoạt động của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI không chỉ ở trong nước, việc hỗ trợ hội viên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như xúc tiến thương mại là hoạt động mang tính quốc tế cao.

VCCI được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài.

Với hoạt động kinh tế đặc thù mang tính chất vừa là ngoại giao chính trị kết hợp với ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI luôn thận trọng, tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, sự phân công của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, VCCI và Đại sứ quán Việt Nam tại nước đến, đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các thành viên trong đoàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi vẫn coi Bộ Ngoại giao như cơ quan chủ quản thứ hai của mình trong các hoạt động đối ngoại.

Trong 20 năm qua, Hội đồng Doanh nhân nữ đã tổ chức gần 20 đoàn doanh nghiệp tháp tùng các Phó Chủ tịch nước: cô Nguyễn Thị Bình, chị Trương Thị Mỹ Hoa, chị Nguyễn Thị Doan, chị Đặng Thị Ngọc Thịnh đi các nước Ai Cập, Canada, Cuba, Hàn Quốc, Ấn Độ, Urugoay, Chile, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Đức, Hy Lạp, Malaysia, Pháp, Brazil, Ba Lan, Mông Cổ, Nhật Bản, Australia… và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Phó Chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn đánh giá cao.

"Chúng tôi vẫn coi Bộ Ngoại giao như cơ quan chủ quản thứ hai của mình trong các hoạt động đối ngoại".

Chủ tịch VWEC - Nguyễn Thị Tuyết Minh

Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI cũng đưa ra nhiều sáng kiến trình Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế, khu vực tại Việt Nam như Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2008 tại Hà Nội; Diễn đàn doanh nhân nữ ASEAN 2015, 2016 tại Hà Nội; Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC năm 2017 tại Huế.

Trong tất cả các sự kiện này, vai trò chỉ đạo của VCCI và Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và xã hội rất rõ nét. Người có vai trò khích lệ, tư vấn, dẵn dắt từng hoạt động cụ thể của tôi trong các hoạt động này là Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký APEC/ASEAN Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga.

Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, chị đã gắn kết hoạt động của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam với các nữ Đại sứ và phu nhân Đại sứ của các nước ASEAN và đối tác.

Thông qua các hoạt động giao lưu trên, chúng ta có thể giới thiệu về văn hóa, con người và sản phẩm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch thông qua hoạt động ngoại giao. Đây là cách làm thông minh, mang lợi ích về cho đất nước, cho cộng đồng mà chúng tôi đã học tập được trong quá trình được đồng hành cùng Bộ Ngoại giao.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)