TIN LIÊN QUAN | |
Tái thiết Iraq thời hậu chiến: Cần hàng trăm tỷ USD | |
Chính phủ Syria dành 138 triệu USD cho Aleppo |
Nỗ lực ngăn chặn “IS 2.0”
Để tránh lặp lại những gì từng diễn ra sau năm 2011, khi Mỹ hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Iraq và vô hình trung tạo khoảng trống để IS nhanh chóng mở các cuộc tấn công đánh chiếm một vùng lớn lãnh thổ, liên minh này bắt đầu tập trung vào các nỗ lực để ngăn chặn sự trỗi dậy của những phần tử thánh chiến.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trao đổi với báo giới rằng nhiệm vụ hiện nay của liên minh là đảm bảo ổn định và ngăn “IS phiên bản 2.0” xuất hiện. Trước đó Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ duy trì quân đội Mỹ tại Syria “tới chừng nào cần thiết”.
Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh: “Công cuộc tái thiết dài hạn sau những thiệt hại mà IS gây ra cần rất nhiều nỗ lực và sẽ phải mất rất nhiều thời gian, bởi chúng đã giữ chân người dân trong các vùng chiến sự, khiến các khu vực dân cư và công cộng đều bị tàn phá nặng nề”. Theo người đứng đầu các lực lượng vũ trang Mỹ, yêu cầu cấp bách nhất lúc này là rà phá số bom mìn còn sót lại tại các thành phố và nhiều vùng đất sau chiến sự.
Thành phố Mosul, Iraq chìm trong đống đổ nát. (Nguồn: Reuters) |
Liên minh này hiện có sự tham gia của khoảng 70 quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế như NATO và Interpol. Mặc dù một số thành viên liên minh thực chất chỉ có tên trên danh nghĩa song các nước lớn như Anh, Pháp, Canada và Australia đã và đang có những đóng góp lớn trong các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ.
Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao nói rằng một số thành viên liên minh có thể đóng vai trò ngày càng lớn sau khi chiến dịch chính (là chống IS) kết thúc, có thể là trong các dự án tuyên truyền, huấn luyện lực lượng an ninh hoặc hỗ trợ ngân sách.
Nhà nghiên cứu Nicholas Heras, hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng đây là một kế hoạch lý tưởng, bởi “sẽ có nhiều đối tác đảm nhận những khía cạnh khác nhau của nhiệm vụ tái thiết và ổn định, những hoạt động mà họ làm tốt”.
Tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ
Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 quân tại Syria và hơn 5.000 quân tại Iraq, cùng lực lượng liên minh chủ yếu đóng vai trò huấn luyện hoặc dưới dạng các đơn vị đặc công.
Tuy nhiên, trong khi Iraq đang từng bước xây dựng một đội quân đủ năng lực và có những ổn định tương đối về mặt chính trị thì Syria vẫn chìm trong nội chiến và Tổng thống Bashar al-Assad đang phối hợp với Nga và các tay súng Iran để duy trì quyền kiểm soát những vùng đất mà IS hoặc quân nổi dậy từng chiếm đóng. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải duy trì sự hiện diện tại Syria để bảo đảm an toàn cho các tay súng thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS.
Cựu binh Steve Warren, từng là người phát ngôn của liên minh giai đoạn 2015-2016, nhấn mạnh: “Trừ phi chúng ta muốn để phía Đông Syria thuộc về Iran, (liên minh) cần phải hiện diện tại đây. Không chỉ có Mỹ, tất cả các đối tác khác tham gia trong cuộc chiến này, bao gồm tất cả các nước châu Âu, cũng cần phải đảm bảo điều này”. Ông nhắc tới thực tế là cuộc khủng hoảng di cư khiến châu Âu chao đảo cũng có một phần nguyên nhân từ Syria.
Trẻ em Syria chơi trong khi một cơn bão cát đổ bộ vào khu phố Karm al-Jabal phía bắc Aleppo vào ngày 10/3. (Nguồn: Getty Images) |
Hơn thế nữa, việc các nhóm cực đoan trên thế giới đang tự tập hợp dưới ngọn cờ đen IS đồng nghĩa với việc liên minh giờ đây còn có một vai trò to lớn hơn nhiệm vụ tại Trung Đông, nhất là ở cả các nước châu Phi. Năm ngoái, có 4 nước châu Phi tuyên bố gia nhập liên minh là Djibouti, Niger, Cameroon và Chad.
Quét sạch tàn dư của tư tưởng bạo tàn
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh cuộc chiến chống IS vẫn chưa chấm dứt, đồng thời cảnh báo rằng các phần tử thánh chiến tại Iraq và Syria đang tìm cách kích động một cuộc nổi dậy theo cách truyền thống hơn. Chỉ huy liên minh Trung tướng Paul Funk nói: “Tư tưởng tàn bạo của chúng vẫn còn. Bối cảnh hiện nay có thể tạo ra những điều kiện để IS quay trở lại, và chỉ có các nỗ lực của liên minh và quốc tế mới đảm bảo rằng chúng sẽ bị đánh bại vĩnh viễn”.
Trong bối cảnh này, một tín hiệu cho thấy Iraq đang từng bước củng cố đất nước và ổn định về mặt chính trị là các diễn biến trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra tháng 5 tới. Ngày 14/1, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử này và thành lập “Liên minh Chiến thắng” để cạnh tranh với khối “State of Law” của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, Chủ tịch đảng Hồi giáo Dawa.
Theo Tân Hoa xã, “Liên minh Chiến thắng” (al-Naser Alliance) và “Liên minh al-Fatah” do Hadi Al-Ameri, Chủ tịch đảng Tổ chức Badr, đã ký thỏa thuận bầu cử vào sáng 14/1. Thủ tướng Abadi có công trong việc tái thiết quân đội Iraq và đánh bại IS trong khi Ameri có lực lượng ủng hộ đông đảo trong cộng đồng Shi’ite tại Iraq. Lực lượng vũ trang của Badr cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Abadi còn thành công trong việc thuyết phục lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi, chủ yếu là người Shi’ite từng giúp quân đội chính quyền chiến đấu chống IS, tham gia liên minh của mình, một liên minh mà ông miêu tả là “gồm các phe phái khác nhau”. Hashed al-Shaabi đang tìm kiếm một vai trò chính trị nhất định tại Iraq sau khi thể hiện rằng mình là một lực lượng đáng tin và đủ ảnh hưởng trên chiến trường chống lại IS.
Các thành viên của đội White Helmets đang nỗ lực cứu một người đàn ông bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau cuộc không kích ở Saqba, khu vực Đông Ghouta, gần Damascus, Syria vào ngày 9/1. (Nguồn: Getty Images) |
Từng là một người không mấy tiếng tăm khi trở thành thủ tướng cách đây 3 năm, ông Abadi đã tái thiết lực lượng vũ trang Iraq, giành lại các vùng đất tranh chấp ở phía Bắc với người Kurd, và ngăn chặn tham vọng độc lập của cộng đồng này. Thủ tướng Abadi, một trong những chính trị gia có được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân thường tại quốc gia có phần đông là người Sunni, ngày 13/1 tuyên bố liên minh của ông có mục tiêu là giải quyết những rạn nứt trong xã hội Iraq.
Iraq có tổng cộng 18 tỉnh thành và cơ quan lập pháp 328 ghế. Các nghị sỹ có nhiệm kỳ 4 năm và được bầu chọn dựa trên nguyên tắc đại diện theo tỷ lệ. Theo cơ chế chia sẻ quyền lực tại quốc gia này, vị trí thủ tướng thường thuộc về một chính trị gia người Shi’ite, tổng thống là người Kurd trong khi chủ tịch quốc hội thường sẽ là một nghị sỹ người Sunni. Tân Hoa xã cho biết, đảng Dawa đã ra tuyên bố kêu gọi các cử tri tự do chọn lựa giữa liên minh của ông Abadi hay Maliki.
WB tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính cho dự án tái thiết Iraq Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tài chính bổ sung trị giá 400 triệu USD hỗ trợ Iraq khôi phục lại các ... |
EU công bố kế hoạch hỗ trợ tái thiết Syria Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/3 công bố một kế hoạch tham vọng nhằm hỗ trợ quá trình tái thiết Syria, gọi đó là ... |
Đức giúp Iraq tái thiết cơ sở hạ tầng sau cuộc chiến chống IS Việc Đức tích cực hỗ trợ Iraq góp phần ngăn chặn từ gốc dòng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong hai ... |