TIN LIÊN QUAN | |
Nga đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2030 | |
Trung - Ấn chạy đua chinh phục Mặt Trăng |
Thiết bị thăm dò tự hành Thỏ Ngọc 2 di chuyển trên bề mặt của Mặt Trăng. (Nguồn: CNSA) |
Chang’e 4 đáp xuống khu vực chưa từng được khám phá trên Mặt Trăng lúc 10 giờ 26 phút (giờ Bắc Kinh), ngày 3/1/2019. Khi tin tức này xuất hiện trên báo chí, truyền thông Trung Quốc, có chuyên gia đã bình luận, “nhiều khả năng cuộc gọi tiếp theo từ Mặt Trăng về Trái Đất sẽ được thực hiện bằng tiếng Trung”.
Bứt phá ngoạn mục
Theo National Geographic, trong lịch sử thám hiểm không gian của loài người, rất nhiều nỗ lực khám phá nửa không nhìn thấy của Mặt Trăng, hay còn gọi là nửa tối, đã được hai cường quốc vũ trụ là Mỹ và Liên Xô thực hiện. Tháng 10/1959, tàu thăm dò không gian Luna 3 của Liên Xô đã gửi những hình ảnh đầu tiên cho thấy nửa tối có địa hình đồi núi, vô số miệng núi lửa, rất khác so với nửa quan sát được của Mặt Trăng. Năm 1960, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thậm chí còn xuất bản bản đồ đầu tiên về nửa tối này.
Công cuộc chinh phục nửa tối diễn ra đúng lúc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô ở giai đoạn gay cấn nhất. Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy đã yêu cầu giới khoa học, thiên văn học thực hiện sứ mệnh đổ bộ cũng như khám phá phần bí mật còn lại của Mặt Trăng. Liên tiếp trong hai năm 1964 và 1965, các tàu thăm dò Ranger 7, Ranger 8, Ranger 9 của Mỹ đã quan sát thành công nửa tối. Đặc biệt, năm 1968, các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 8 trở thành những người đầu tiên quan sát trực tiếp nửa tối khi họ bay quanh Mặt Trăng. Tuy nhiên, việc đưa thiết bị thăm dò lên nửa tối chưa từng được thực hiện cho đến khi Chang’e-4 đáp xuống khu vực Cực Nam - lòng chảo Aitken.
Dù xuất phát muộn hơn so với các cường quốc không gian khác - đưa phi hành gia đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 2003 - khoảng bốn thập kỷ sau khi Mỹ và Nga bắt đầu cuộc đua vũ trụ - nhưng giờ đây, Trung Quốc đã thực hiện thành công điều mà cả hai cường quốc vũ trụ chưa làm được. Có thể, Washington và Moscow dành ưu tiên cho các chương trình vũ trụ khác của họ như chuyến bay có người lái, sự sống sót của con người trong không gian và niềm đam mê với các hành tinh xa xôi, trước hết là Sao Hỏa. Song rõ ràng, với việc đáp xuống phần tối của Mặt Trăng, Bắc Kinh đã cho thấy họ có những tiến bộ khoa học vượt bậc. Bởi theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), Chang’e 4 hạ cánh ở một trong những khu vực nguy hiểm nhất Hệ Mặt Trời với hơn 90% bề mặt rất gồ ghề cùng những ngọn núi cao khoảng gấp đôi đỉnh Everest. Liên lạc cũng là một thử thách và Bắc Kinh đã giải quyết bài toán khó này bằng một vệ tinh chuyển tiếp có tên Queqiao - được phóng lên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 455.000 km hồi tháng 5/2018.
Giấc mơ không gian
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD cho chương trình thám hiểm vũ trụ và Mặt Trăng như lập trạm không gian, phát triển hệ thống định vị Baidu (Bắc Đẩu) riêng. Kể từ chuyến bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên năm 2003, nước này đã đưa sáu phi hành đoàn lên quỹ đạo Trái Đất. Năm 2013, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đưa thiết bị lên Mặt Trăng. Năm ngoái, nước này phóng 38 tên lửa vào vũ trụ, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, kể cả siêu cường Mỹ.
Chang’e 4 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang, tháng 12/2018. (Nguồn: Reuters) |
Theo Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia, chính trị đã định hình quyết định đẩy mạnh các hoạt động của Bắc Kinh trong không gian. Ông Davis cho rằng, vai trò trong không gian là một phần quan trọng trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn khẳng định vị thế siêu cường, không chỉ trên bình diện kinh tế, quân sự mà cả không gian. Chính Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng khẳng định, “giấc mơ không gian là một phần của giấc mơ làm cho Trung Quốc lớn mạnh hơn”, tại cuộc gặp với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Shenzhou 10 (Thần Châu 10) năm 2013. Wu Weiren, Kỹ sư trưởng của Chương trình khám phá Mặt Trăng Trung Quốc cũng cho biết: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu chúng tôi khám phá không gian rộng lớn, xây dựng đất nước thành cường quốc vũ trụ và làm việc không ngừng nghỉ cho giấc mơ không gian của chúng tôi”.
Thực tế, Trung Quốc đã có nhiều kế hoạch táo bạo hơn trong tương lai. Nước này dự định phóng tàu vũ trụ Chang’e 5 vào năm 2020 trong giai đoạn 3 và 4 của Chương trình Khám phá Mặt Trăng. Với khả năng trở về Trái Đất, Chang’e 5 có nhiệm vụ điều tra bề mặt Mặt Trăng và thu thập mẫu vật. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba mang được mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất và là quốc gia thứ hai làm được như vậy với robot. Bắc Kinh cũng đang đầu tư mạnh cho chương trình trạm không gian Tiangong (Thiên Cung). Khi ISS - sản phẩm hợp tác giữa Mỹ, Nga, Canada, châu Âu và Nhật Bản ngừng hoạt động vào năm 2024, Tiangong sẽ là trạm không gian duy nhất trên quỹ đạo Trái Đất.
Cuộc đua gay cấn
Giới chuyên gia cho rằng, kỳ tích lịch sử của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang đậm ý nghĩa chính trị và chiến lược. The New York Times nhận định, Chang’e 4 là minh chứng rõ nhất cho thấy tham vọng tham gia, thậm chí là dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ của Bắc Kinh. CBSNews thì bình luận, cuộc đổ bộ lên nửa tối Mặt Trăng của Trung Quốc tạo tiền đề cho một cuộc đua không gian mới, đặc biệt là giữa nước này với Mỹ. Ông Isaac Stone Fish, nhà báo, học giả kỳ cựu của Trung tâm Xã hội châu Á (ASC) có chung quan điểm: “Chúng ta đang tiến đến kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ - Trung, cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác… Cuộc đua không gian chắc chắn là một phần của tương lai này”. Theo một số nhà phân tích, cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên đường đến Mặt Trăng sẽ rất khác so với cuộc đua Mỹ - Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Nếu cuộc đua trước đó phần lớn được thúc đẩy bởi chính trị, cuộc đua này sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi những lợi ích từ Mặt Trăng và các cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Đáng chú ý, cuộc đua mới được dự báo sẽ gay cấn hơn khi có sự tham gia của nhiều nước, trong đó có những cái tên quen thuộc như Nga và Ấn Độ. Tháng 9/2018, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho biết các chuyên gia của nước này đang nghiên cứu dự án xây dựng trạm khoa học trên Mặt Trăng. Trước đó, đầu năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình đưa người lên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong những năm tới. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua khoản ngân sách 1,43 tỷ USD cho dự án đưa người lên vũ trụ vào năm 2022. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ tư trên thế giới (sau Nga, Mỹ và Trung Quốc) có thể thực hiện sứ mệnh đưa người lên khoảng không vũ trụ. Theo Times Now, New Delhi dự kiến thực hiện 32 sứ mệnh không gian trong năm nay, bao gồm sứ mệnh Chandrayaan-2 đưa tàu tự hành xuống Mặt Trăng.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã công bố kế hoạch đưa tàu không gian đầu tiên thuộc thế giới Arab lên thám hiểm Sao Hỏa vào năm 2021, và dự án xây dựng thành phố đầu tiên trên hành tinh đỏ trong vòng 100 năm tới. Saudi Arabia đầu tư 1 tỉ USD vào các công ty hàng không vũ trụ thuộc Tập đoàn Virgin của tỷ phú Anh Richard Branson. Tổ chức phi lợi nhuận của Israel SpaceIL, chủ trì dự án chinh phục Mặt Trăng lần đầu tiên tại nước này, thông báo phóng tàu đổ bộ lên vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất vào năm 2019. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang nỗ lực phát triển các robot tự hành với phầm mềm tiên tiến có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp từ Trái Đất…
Có thể thấy, nửa thế kỷ sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên của con người lên Mặt Trăng, nhiều quốc gia cùng các công ty vũ trụ tư nhân đều dành sự quan tâm ngày càng lớn tới sứ mệnh chinh phục vệ tinh đã quay quanh Trái Đất hơn 4,5 tỷ năm qua. Và với sự kiện Chang’e 4 gây xôn xao những ngày đầu năm, 2019 được dự báo sẽ là một năm đầy thú vị cho cuộc đua vươn tới các vì sao.
“Vùng tối của Mặt trăng” không hề tối Nhà thiên văn học Harvard Avi Loeb khẳng định, “Vùng tối của Mặt trăng” không phải lúc nào cũng tối, nhưng nó ở rất xa. |
Người Trung Quốc đã chạm vào “phần tối”' của Mặt trăng Tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc là tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại hạ cánh xuống "phần tối" của Mặt trăng, được ... |
Khó quan sát mưa sao băng đẹp nhất năm vào rạng sáng 13-14/12 Dù Mặt trăng sẽ không ảnh hưởng cho việc quan sát mưa sao băng đẹp nhất năm Geminids, nhưng với tình hình thời tiết những ... |