Ông Suga Yoshihide nhận được nhiều sự ủng hộ từ LDP, đặc biệt là ông Abe Shinzo. (Nguồn: AFP) |
Trong khảo sát mới nhất từ đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, tỷ lệ ủng hộ ông Suga Yoshihide là 38%, so với 25% của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và 5% của cựu Ngoại trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của LDP Fumio Kishida.
Đáng chú ý, bản thân Thủ tướng Abe Shinzo cũng công khai thể hiện sự ủng hộ dành cho ông Suga. Bởi lẽ, trong hai người còn lại, ông Ishiba thường xuyên có quan điểm đối lập với ông Abe, còn ông Kishida, người được ông Abe kỳ vọng kế nhiệm, lại chưa đủ ảnh hưởng. Song Chánh Văn phòng Nội các không chỉ đóng thế, khi ông Suga Yoshihide có đầy đủ phẩm chất để giành sự tín nhiệm của Thủ tướng Abe và LDP.
Xuất thân khác biệt
Khác với nhiều chính trị gia Nhật Bản, ông Suga Yoshihide xuất thân trong một gia đình nông dân trồng dâu tây ở Ogachi, nay là Yuzawa, Akita, vùng đất với nhiều núi và tuyết trắng. Ông từng nói: “Bất kể mùa đông khắc nghiệt như thế nào, mùa xuân sẽ đến và tuyết sẽ tan. Vùng quê ấy dạy tôi sự kiên trì trước khi tôi biết điều đó”.
Ông Suga đã làm việc ở một nhà máy sản xuất bìa cứng nhỏ tại thành phố để kiếm tiền trang trải học phí tại Đại học Hosei ở thủ đô Tokyo.
Trưởng thành trong gian khó khiến ông vững bước trên con đường chính trị, vốn chỉ là cơ duyên đầu đời với chàng trai nhiều hoài bão. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia trung tâm việc làm Hosei, kết nối với chủ tịch hội cựu sinh viên, trước khi liên tục vươn tới đỉnh cao mới như thư ký cho nghị sỹ Quốc hội, thành viên Hội đồng thành phố Yokohama, thư ký Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế, thành viên Quốc hội Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau đó là Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản năm 2012.
Phẩm chất người cầm lái
Quan trọng hơn, ông Suga có đầy đủ phẩm chất của một nhà lãnh đạo.
Đầu tiên, ông không ngại mạo hiểm. Sau năm 2007, nhiều người đã quay lưng lại với ông Abe Shinzo sau nhiệm kỳ Thủ tướng dang dở, song chính ông Suga đã thuyết phục ông Abe trở lại cuộc đua, dù nhận thức được sự nguy hiểm của canh bạc. Phần còn lại là lịch sử. Nghị sỹ Hachiro Okonogi của LDP từng đánh giá ông Suga là một “chiến lược gia”. Song rõ ràng ông Suga không chỉ có vậy.
Tại Nhật Bản, những người đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Nội các thường theo đuổi một trong hai phong cách: Thứ nhất là trợ lý kiêm cố vấn chính, phục vụ Thủ tướng đi đôi với rèn giũa kỹ năng cá nhân; cựu Thủ tướng Keizo Obuchi là người như vậy. Thứ hai là kiểu người quản lý sắc sảo, đại diện là ông Hiromu Nonaka, người nổi tiếng vì sự khéo léo trong vận hành quốc hội và chính trị.
Ông Suga Yoshihide là tổng hòa của cả hai tố chất ấy. Năm 2012, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Abe Shinzo đã muốn thúc đẩy việc thay đổi điều 9 Hiến pháp, song ông Suga đã thuyết phục ông Abe chuyển hướng xây dựng và triển khai chính sách kinh tế Abenomics, lấy đó làm cơ sở để theo đuổi nghị trình liên quan tới Hiến pháp.
Về mặt chính trị, ông Suga đã sử dụng quan hệ trong LDP, đảng đối tác liên minh Komeito và đảng đối lập bảo thủ Nippon Ishin no Kai để duy trì quyền lực cho chính quyền của ông Abe. Ưu thế trung dung về mặt chính trị này khiến ông Suga tách biệt so với hai ứng cử viên còn lại trong cuộc đua tới vị trí Chủ tịch LDP.
Bức ảnh khiến ông Suga Yoshihide được người dân Nhật Bản gọi với cái tên trìu mến: “Chú Lệnh Hòa”. (Nguồn: Reuters) |
Chính trị không là tất cả
Điều thú vị ở chỗ dù là Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, với sự nghiệp trước cơ hội sang trang mới, song với ông Suga Yoshihide, chính trị không hẳn là tất cả. Năm 2019, ông từng nói: “Tôi muốn dành ba tháng hoặc lâu hơn tại một trường ngôn ngữ ở Cebu, Philippines. Khi tôi có thể nói một chút tiếng Anh, tôi muốn dành một hoặc hai năm đi khắp thế giới”.
Đáng chú ý, ông Suga Yoshihide là chính trị gia có đời tư “sạch”, không vướng vào tham nhũng hay vụ việc gây mất hình ảnh như tranh cãi mới đây liên quan đến cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Người ta vẫn kể chuyện bắt gặp ông trên đường về ký túc cho các nhà lập pháp, hay cách ông nắm tin tức khi mở đầu buổi sáng bằng việc đọc tất cả tờ báo lớn tại Nhật Bản. Năm 2019, nhờ bức hình cầm thư pháp thông báo niên hiệu thời Lệnh Hòa, ông Suga Yoshihide đã nhận được sự chú ý trên mạng xã hội với biệt danh “Chú Lệnh Hòa”.
Cuối cùng, ông Suga là người rất chú trọng đến sức khỏe bản thân. Lắng nghe khuyến nghị của bác sỹ, mỗi sáng thức dậy, ông thường gập bụng 100 cái, đi dạo 40 phút và lặp lại 100 cái gập bụng buổi tối. Chu trình đều đặn này không chỉ khiến ông tràn đầy năng lượng trong lịch trình dày đặc, mà còn giúp ông tránh gặp vấn đề về sức khỏe, điều đã cản trở Thủ tướng Abe Shinzo hoàn thành nhiệm kỳ hiện nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review năm 2012 sau khi trở thành Chánh Văn phòng Nội các, ông Suga Yoshihide từng nói: “Tôi luôn muốn làm những điều mà cử tri, người dân Nhật Bản cho là đúng đắn. Tôi muốn chứng kiến và quyết định đâu là điều cần làm. Vì thế, tôi gặp nhiều người nhất có thể để lắng nghe những câu chuyện của họ”.
Trong 8 năm qua, ông hẳn đã nghe hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện. Giờ đây, đã đến lúc “Chú Lệnh Hòa” đích thân viết nốt cái kết đẹp cho những câu chuyện ấy.