Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI 2022 - vinh danh 6 năm liền giữ vị trí quán quân. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.
Sự ổn định của Quảng Ninh và bước nhảy của Bắc Giang
Năm 2022 là năm thứ sáu Quảng Ninh giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI với số điểm 72,95 điểm trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Sự thành công của Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh), việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh là tỉnh giữ vị trí quán quân PCI nhiều năm liên tiếp. PCI có ý nghĩa quan trọng trong phát triển toàn diện ổn định, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt hơn 10%, đứng thứ tư trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.
Đây là lần đầu tiên Bắc Giang đoạt ngôi á quân, sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Trong PCI 2022, Bắc Giang đạt 72,80 điểm trên thang điểm 100. Các doanh nghiệp đã ghi điểm cho Bắc Giang nhờ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bắc Giang ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý. 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết, cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp.
Điểm đáng chú ý của PCI 2022 là việc tụt hạng của ba thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, Cần Thơ tụt 5 bậc xuống vị trí thứ 19. Hà Nội tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 20. Trong khi đó đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh tụt 13 bậc, xuống vị trí số 27.
Với Hà Nội, chỉ số gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai đều ở vị trí khá thấp (đều ở ví trí 59). Tính năng động của chính quyền tỉnh chỉ xếp hạng 53. TP. Hồ Chí Minh có chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 54, còn chỉ số chi phí không chính thức ở vị trí 60, tính năng động của chính quyền ở vị trí 62…
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen.
Khi nhiều doanh nghiệp vừa gắng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế - địa chính trị toàn cầu lại ập đến như xung đột, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính - ngân hàng, lạm phát tăng cao và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng hàng quý thấp thứ hai trong cả giai đoạn 2011-2023.
Tình hình phát triển doanh nghiệp trong quý I/2023 đáng lo ngại khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 60,2 nghìn, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn, chỉ ở mức 57 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng trong quý I/2023, khoảng 20,1 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường.
Tình hình kém lạc quan này được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Khảo sát PCI 2022. Kết quả cho thấy chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng hai năm tới.
Trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
“Từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, chúng tôi hy vọng rằng chính quyền các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp những bất ổn của thị trường thế giới", Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Lần đầu tiên công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh
Trong Báo cáo PCI 2022 được công bố năm nay, lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.
“Gần 20 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thành công của VCCI đã và đang góp phần thúc đẩy các đối thoại, thảo luận và các hành động hiệu quả về các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh. Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng dựa trên nền tảng thành công của PCI, và việc này là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế", Giám đốc quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs nhấn mạnh.
Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh cùng với Chỉ số PCI, VCCI và USAID mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
| PCI 2022: Chất lượng điều hành cấp tỉnh được cải thiện, Quảng Ninh giữ vững ngôi đầu Năm nay, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa–Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành ... |
| Bắc Ninh không ngừng nỗ lực cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương Ngày 30/8, tại Trung tâm văn hoá Kinh Bắc, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội thảo cải thiện các chỉ số điều hành, ... |
| Chuyển đổi số ở Cà Mau: Khẩn trương, quyết liệt và trọng tâm Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 số hóa toàn diện các lĩnh vực, đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh (chiếm ... |
| Du lịch Quảng Ninh 'chuyển mình' với chuyển đổi số, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế Ngành du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và ... |
| Kết nối du lịch văn hóa và trải nghiệm từ Hà Nội tới Bắc Giang và Mộc Châu (Sơn La) Tuyến du lịch văn hóa Hà Nội-Bắc Giang và tuyến du lịch trải nghiệm Hà Nội-Mộc Châu (Sơn La) là hai sản phẩm du lịch ... |