Chiều mưa làng cổ (tác giả Trần Nhân Quyền). |
Nói đến ảnh nghệ thuật, không ít người lúng túng trong sự phán quyết của hai từ "nghệ thuật" trước những bức ảnh phản ánh cái bộn bề của đời sống, của nhịp điệu công nghiệp của thời đại ngày nay... Becton Bailơ, nhà lý luận nhiếp ảnh nổi tiếng người Đức nói: "Bản chất của nghệ thuật là việc thơ hóa cuộc sống một cách có thẩm mỹ, là sự bổ sung thêm một nội dung có trí tuệ...". Lâu nay chúng ta đã quá quen với cách nghĩ, cách nhìn "thơ hóa" đối với các tác phẩm ảnh, điều này trở nên bình thường trong đời sống nhiếp ảnh. Cái bình thường ấy ngự trị trong các cuộc thi ảnh, ngự trị trong suy nghĩ của đa số quần chúng đã ghi lại cảm tưởng của mình trong nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật.
Vậy, chất thơ trong ảnh nghệ thuật là gì? Có một ranh giới, chuẩn mực nào để phân định giá trị một bức ảnh là giàu chất thơ hay ít chất thơ...? Chất thơ có phải là giá trị trường tồn của nghệ thuật nhiếp ảnh...?
Từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống xã hội cho đến nay, có biết bao nhiêu định nghĩa, kiến giải về thơ. Thơ là cái vượt lên trên và lớn hơn những khuôn mẫu của câu chữ chứa đựng để nói về nó. Cho nên tìm đến cội nguồn của chất thơ chính là đi tìm một tư duy logic, khách quan trong nghệ thuật - mà ở đây là nghệ thuật nhiếp ảnh.
Người nghệ sĩ khi nâng máy thu vào khuôn hình cảnh sắc của thiên nhiên hay con người, đều có sự rung cảm với thị cảm thẩm mỹ của riêng mình. Bức ảnh là sản phẩm cụ thể của sự rung cảm được "nhào nặn" qua một quy trình kỹ thuật phức tạp và ngặt nghèo. Ai cũng biết kỹ thuật hiện đại đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiếp ảnh. Nhưng kỹ thuật dù hiện đại đến đâu cũng không thể và không bao giờ sản sinh hoặc thay thế được nghệ thuật. Mặt khác, quá trình thai nghén, ấp ủ những ý tưởng nhiều khi rất công phu, lâu dài; nhưng đôi khi chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc bấm máy mà nếu bỏ lỡ sẽ không bao giờ có lại được. Bức ảnh giàu cảm xúc, giàu trí tuệ, sâu sắc hay khô khan, nông cạn hay hời hợt, hoàn toàn phụ thuộc vào Cách Nhìn của mỗi người. Chất thơ trong ảnh do vậy không phải là sự ngẫu nhiên chộp bắt được bằng máy móc. Trước khi có dáng nét cụ thể và gợi cảm nó đã được manh nha trong tư duy người nghệ sĩ. Có thể thấy chất thơ trong ảnh chính là cách nhìn thiên nhiên và cuộc sống của người nghệ sĩ được biểu hiện thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Chất thơ trong tác phẩm là sự phản ánh trung thành, rõ nét nhất "cái tôi trữ tình" của người nghệ sĩ; qua đó thấy rõ phong cách của người cầm máy. Một bức ảnh có thể làm thức dậy trong tâm hồn con người những cảm xúc trong sáng, bay bổng hòa nhập với một trạng thái tình cảm nào đấy, và trở thành tiếng nói đồng điệu giữa nghệ sĩ với cuộc sống, đó chính là một bài thơ được "viết" thành công bằng ống kính nhiếp ảnh.
Song ảnh nghệ thuật nhất thiết phải có chất thơ không? Thực tế sáng tạọ của nhiếp ảnh đã ghi nhận nhiều bức ảnh có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc nhưng không chứa đựng chút ít chất thơ nào cả. Những tác phẩm như vậy có giá trị nhưng khó đi vào lòng người. Thế nhưng, mọi bức ảnh đều cố sao diễn đạt được cái "thơ hóa" thì sẽ trở nên nhàm chán và máy móc... Tuy nhiên, tại nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, hiển nhiên là những tác phẩm giàu chất thơ được người xem ưa thích hơn.
Sự trường tồn của mỗi tác phẩm ảnh, hay một nền nhiếp ảnh sẽ trải qua sự sàng lọc của thời gian để thẩm định và đánh giá. Một bức ảnh sẽ sống mãi khi nó "nói" được cái cốt lõi của cuộc sống, đó là sự nhân văn.
Cao Minh