📞

‘ChatGPT có thay thế giáo viên?’, Tiến sĩ không dám trả lời ‘không’

07:46 | 12/03/2023
Sử dụng 60% nội dung của ChatGPT cho bài tham luận, TS tâm lý Bùi Hồng Quân thẳng thắn: ‘Tôi chỉ nói chưa chứ không dám nói ChatGPT không thể thay thế giáo viên’.
Chat GPT được đánh giá giúp ích nhiều cho hoạt động dạy học . Ảnh minh họa. (Nguồn: Searchengine Journal)

Nhiều lo ngại, trăn trở được đặt ra tại tọa đàm "AI, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay" do Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

"Tôi không dám nói AI không thể thay thế giáo viên"

Nói về vai trò của trí tuệ nhân tạo đối với giáo viên, TS tâm lý Bùi Hồng Quân cho hay, AI, đặc biệt là ChatGPT giúp ích nhiều cho hoạt động dạy học. Việc dạy nhanh hơn, tiện dụng hơn, mở rộng không gian, giúp giáo viên nhiều việc như thiết kế tài liệu giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, quản lý lớp học...

Với ChatGPT, học sinh có thể tương tác để tìm kiếm thông tin và thực hiện các nhiệm vụ học tập bất cứ lúc nào. Học sinh được khuyến khích phải đưa ra câu hỏi và tìm kiếm thông tin một cách chủ động, điều này giúp các em trở nên linh hoạt, sáng tạo và tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của ChatGPT cũng kéo theo những lo ngại có thể gây ra sự lệ thuộc vào thiết bị công nghệ làm giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, hạn chế việc phát triển các kỹ năng sống cần thiết. Cùng với đó, cũng có thể làm cho giáo viên giảm bớt sự quan tâm và theo dõi sự phát triển phẩm chất, năng lực và nhu cầu của từng học sinh.

Ngoài ra, có thể phát sinh các vấn đề về đạo đức, AI và ChatGPT có thể cung cấp thông tin không chính xác hoặc thiên vị...

Kết luận "AI chỉ là công cụ, chưa thể thay thế giáo viên" nhưng TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh: "Tôi chỉ nói là "chưa", chứ không dám nói "không". Tôi không dám nói "AI không thể thay thế giáo viên".

Vị tiến sĩ tiết lộ bài tham luận của mình có đến 60% được soạn bởi ChatGPT được ông biên tập, sắp xếp lại.

Đáng chú ý, tham luận "Giáo dục thích ứng thế nào với ChatGPT" tại tọa đàm có ghi tên tác giả... ChatGPT đứng cùng hai tác giả Sầm Vĩnh Lộc và Huỳnh Văn Sơn.

Nhóm tác giả nhấn mạnh vai trò của người giáo viên trong kỷ nguyên công nghệ. Tuy nhiên nếu bản thân người giáo viên không thích ứng với sự phát triển của công nghệ, không thể làm chủ được AI thì việc giáo viên giảm dần "tầm ảnh hưởng", các "cạnh tranh không muốn" là điều khó tránh.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, người thầy cần xác định vai trò của mình, ChatGPT sẽ không bao giờ thay thế được người thầy ở các phẩm chất về sự đồng cảm, cảm nhận sâu sắc, trách nhiệm, sự hết lòng vì học trò.

Đồng tình với quan điểm này, TS tâm lý Đào Lê Hòa An đưa ra quan điểm, thiết bị nào cũng không thể thay thế người thầy về yếu tố cảm xúc, sự tận tâm, tận tụy, sự thấu hiểu đối với cá nhân học sinh. Thầy cô có thể trao các em động lực, giúp các em hoàn thiện các kỹ năng sống cũng như về mặt nhân cách, tâm hồn...

Giáo viên phải "chạy nhanh lên"

Ông Võ Hoàng Quân, khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho hay, họ đã thử và thấy ChatGPT có thể ra bộ đề cả tự luận, trắc nghiệm, ra được cả thang điểm. ChatGPT còn có thể cung cấp cả bộ đề, đáp án.

Giảng viên này cho rằng, AI tạo ra một tâm thế học tập mới. Nhiều học sinh trước đây không hiểu bài nhưng rất sợ thầy cô, giờ đây về nhà có thể hỏi ChatGPT.

ThS Sầm Vĩnh Lộc, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi cho người tham dự: "Ai có tài khoản ChatGPT?". Rất nhiều cánh tay giơ lên... Ông Lộc nói: "ChatGPT chưa cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng thầy cô đã có, đã sử dụng. Vậy, chúng ta có cấm được học sinh?".

ThS Lộc cho hay, Mỹ ban hành lệnh cấm ChatGPT tại các trường công lập tại New York kéo theo những tranh luận trái chiều. Trong tương lai, khả năng của ChatGPT sẽ càng được nâng cao, hoàn thiện. Tuy nhiên, dữ liệu để huấn luyện ChatGPT là từ Wikipedia, một nguồn tư liệu mở có độ xác thực khá kém. Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhưng nếu không kiểm tra lại ở bước cuối cùng thì nhận định, đánh giá có thể sai.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn bày tỏ, hiện là ChatGPT, còn 2-3 năm tới, chúng ta không biết sẽ xuất hiện ứng dụng AI nào nhưng các ứng dụng này là cách để hướng đến giáo dục thông minh, trường học thông minh.

Chính ChatGPT đưa ra yêu cầu đối với đội ngũ sư phạm phải "chạy nhanh lên" để theo tốc độ phát triển của công nghệ, nếu không giáo viên sẽ lùi lại phía sau. Người thầy phải là người trang bị cho học sinh năng lực, đạo đức, ý thức, kỹ năng tự học.

Ông Bùi Quốc Anh, Giám đốc trung tâm dữ liệu ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện ChatGPT đang còn nhiều hạn chế, việc nâng cấp ChatGPT từ phiên bản 3.5 hiện nay lên 4.0 trong tương lai thì số lượng nơ-ron tăng lên 1.000 lần, đồng nghĩa với khả năng xử lý nâng lên rất nhiều lần.

Ngoài việc lo ngại một thông tin sai lệch có thể gây ra thảm họa, ông Quốc Anh cũng nêu ra vấn đề về đảm bảo an toàn và bảo mật. Giáo viên cần được đào tạo về các vấn đề an toàn và bảo mật liên quan đến ChatGPT, bao gồm việc bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh và đảm bảo rằng ChatGPT không được sử dụng sai mục đích.

(theo Dân trí)