📞

Châu Âu - cái nôi của Cách mạng công nghiệp 'giật mình' trước tham vọng của Mỹ và Trung Quốc

Chu Văn 07:32 | 26/04/2023
Khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19 đã đưa chủ đề "chủ quyền công nghiệp" của châu Âu trở lại vị trí hàng đầu, sau nhiều thập kỷ bị bỏ quên. Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị hiện nay đang khiến châu Âu lo lắng, đặc biệt lo ngại trước tham vọng của Mỹ và Trung Quốc.
Châu Âu - cái nôi của Cách mạng công nghiệp 'giật mình' trước tham vọng của Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Wikipedia)

Dù được nhận định rằng, một "cuộc cách mạng" hiện đang diễn ra ở châu Âu sau bốn thập kỷ phi công nghiệp hóa, chính sách công nghiệp hiện đang được châu Âu theo đuổi vẫn gây nhiều tranh cãi.

Không kể Mỹ - từ lâu đã luôn tự khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp thế giới. Trong đường hướng phát triển đã được vạch rõ tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2022), Bắc Kinh cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình biến nước này thành cường quốc công nghiệp hàng đầu, phát triển chất lượng cao, với những lĩnh vực mũi nhọn từ công nghiệp chế tạo, du hành vũ trụ, giao thông vận tải, công nghệ mạng, phát triển kỹ thuật số... Để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây, tiến tới tự chủ về công nghệ then chốt.

Khó ngay từ bước then chốt

Không giống như Trung Quốc, quốc gia đang theo đuổi chính sách công nghiệp tập trung vào dài hạn, hay Mỹ, quốc gia đã phản ứng khẩn cấp hơn nhưng theo cách ồ ạt và mang tính bảo hộ, châu Âu đang gặp khó khăn vì chưa thể thống nhất đầy đủ các lợi ích chính trị của mình.

Khi những tham vọng từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) ảnh hưởng đến châu Âu bắt đầu "phát tác", chuyên gia Anaïs Voy-Gillis cho rằng, châu Âu rõ ràng thiếu tầm nhìn.

Châu Âu vốn có những cường quốc công nghiệp, những trường đại học hàng đầu và khả năng đổi mới lớn, nhưng chính sách công nghiệp của họ đi ngược lại với xu thế cạnh tranh và điều này tạo ra một vấn đề lớn về tính nhất quán trong nội bộ khu vực. Lý do cơ bản nằm ở chỗ lợi ích của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không đồng nhất và do đó các quốc gia này đôi khi cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác với nhau.

Mặt khác, không giống như Trung Quốc hay Mỹ, EU không hành động như một quốc gia. Theo Phó Giám đốc Công ty tư vấn June Partners Anaïs Voy-Gillis, kết quả của một quá trình phát triển lịch sử lâu dài đã dẫn đến những tầm nhìn nếu không nói là khác biệt, thì ít nhất là không hội tụ đầy đủ, về quản trị kinh tế.

Chẳng hạn, sự đối lập giữa Pháp và Đức hiện đang rất rõ ràng. Sự khác biệt về quan điểm giữa một số thành viên EU khác cũng không khó để nhận ra. Trong đó, một số muốn có thêm viện trợ của chính phủ để hỗ trợ ngành, những quốc gia khác vẫn duy trì tầm nhìn chủ yếu dựa trên cạnh tranh, giá cả và bảo vệ người tiêu dùng. Sự tổng hợp đa ý kiến này dẫn đến một chính sách công nghiệp châu Âu thiếu tham vọng, dù cũng đã có những biến chuyển và phát triển hơn so với những năm trước.

Trên thực tế, chính sách công nghiệp không phải là thẩm quyền độc quyền của EU, không ngăn cản việc thiết lập khuôn khổ và khẳng định tầm nhìn của họ. Nhưng trình độ và nhu cầu phát triển của từng thành viên lại là điểm trừ lớn. Chẳng hạn, hiện nay, những dự án khổng lồ để sản xuất pin là khoản đầu tư tích cực, nhưng chính các quốc gia có ưu thế hơn, lại cạnh tranh với nhau để thu hút các nhà đầu tư.

Hay về viện trợ của chính phủ, nếu Ủy ban châu Âu (EC) muốn tạo một cơ chế linh hoạt hơn, đồng nghĩa với nguy cơ tạo ra sự bất đối xứng giữa các quốc gia, thậm chí là phân chia, khi quốc gia này dồi dào ngân sách, nhưng lại có những thành viên khác còn đang là "chúa chổm".

Thực tế được minh chứng trong chính cuộc khủng hoảng năng lượng - một trong những yếu tố then chốt để tái công nghiệp hóa châu Âu. "Anh cả" Đức tỏ rõ tiềm năng vượt trội so với các thành viên khác trong việc triển khai các nguồn lực chính để hỗ trợ ngành công nghiệp của mình. Trong khi, ở cấp độ này, EU để lộ nhiều sự khác biệt hơn là hội tụ giữa các quốc gia thành viên - điều được minh họa rõ ràng bằng chính sự thỏa hiệp về trần giá khí đốt - ở mức cao đến nỗi không bao giờ có thể áp dụng được.

Chuyên gia Anaïs Voy-Gillis nhận định, để có một ngành công nghiệp cạnh tranh, cần có nguồn năng lượng vững chắc, ít carbon với mức giá dễ tiếp cận, thậm chí được kiểm soát bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, về mặt năng lượng, tầm nhìn của các quốc gia thường đối lập nhau.

Một vấn đề khác liên quan thách thức tiếp cận nguyên liệu thô. Vấn đề tưởng không quan trọng mà lại rất quan trọng. Theo chuyên gia Anaïs Voy-Gillis, đây một lĩnh vực mà Trung Quốc đã đi trước một bước, trong khi châu Âu mới bắt đầu có những thỏa thuận sẽ được đàm phán để đảm bảo nguồn cung của châu Âu.

Cuối cùng, vấn đề về việc khai thác các nguyên liệu thô hiện có ở châu Âu, chuyên gia Anaïs Voy-Gillis đề cập quy mô của hiện tượng "Nimby" (Not In My Backyard - thuật ngữ nói về sự phản đối của người dân đối với những dự án phát triển mới nào đó vì địa điểm thực hiện dự án quá gần với nơi sinh sống của họ). Bà cho rằng, vấn đề môi trường và xã hội luôn đặc biệt khó khăn.

Tất cả những điều trên cho thấy, khả năng tái công nghiệp hóa thực sự của châu Âu sẽ rất phức tạp, lâu dài và thậm chí tốn kém. Hy vọng cuối cùng là nhận thức thực sự từ các chủ thể công và tư về tầm quan trọng của vấn đề này.

Châu Âu hết tham vọng với công nghiệp?

Vốn bị coi là "bước lùi" trong vài thập kỷ, chính sách công nghiệp gần đây của châu Âu đã xuất hiện trở lại trong chương trình nghị sự chính trị, về cơ bản thông qua lăng kính “chủ quyền”.

Lên tiếng chỉ trích Chính sách công nghiệp hiện đang được theo đuổi ở "lục địa già", chuyên gia Anaïs Voy-Gillis, thẳng thắn đưa ra nhận định, "Chính sách công nghiệp của châu Âu rất thiếu tham vọng".

Chuyên gia Anaïs Voy-Gillis cho rằng, có hai yếu tố đóng góp vào thay đổi này. Yếu tố thứ nhất do đại dịch Covid-19 đã phơi bày rõ ràng sự phụ thuộc của châu Âu vào các chuỗi cung ứng bị lung lay do các đợt phong tỏa. “Chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi không còn phương tiện để sản xuất đủ hàng hóa cơ bản, như khẩu trang, việc sản xuất các loại hàng hóa khác còn phức tạp hơn nhiều cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung một số linh kiện, trong đó, phải kể đến là thiết bị điện tử, từ Trung Quốc, hay nói chung là từ châu Á”.

Một yếu tố khác giúp đưa vấn đề "chủ quyền công nghiệp" lên hàng đầu là cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra sau xung đột quân sự ở Ukraine. Dù không phải tất cả các nước châu Âu đều phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng đặc biệt là ở Đức, giá khí đốt gia tăng chóng mặt đã cho thấy rõ sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu.

Đề cập lý do đã thúc đẩy châu Âu phi công nghiệp hóa một cách ồ ạt, theo chuyên gia Anaïs Voy-Gillis, một logic được áp đặt trong vài thập kỷ qua đã giả định rằng, một nền kinh tế có thể bằng lòng với việc tạo ra giá trị gia tăng ở thượng nguồn (trong thiết kế) và hạ nguồn (trong bán hàng). Theo đó, chính logic này đã "ủng hộ" việc di dời sản xuất đến các quốc gia mới nổi, giúp giảm đáng kể chi phí. Kết quả là, tiến trình này đã đưa một số quốc gia trở thành "mắt xích" quan trọng đặc biệt, thậm chí không thể thiếu trong chuỗi sản xuất một số sản phẩm hoặc linh kiện.

Bởi vậy, chuyên gia của June Partners nhấn mạnh, việc cơ cấu lại quá trình toàn cầu hóa sẽ vô cùng khó khăn bởi tiến trình thương mại thế giới sẽ không dừng lại. Châu Âu phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới về nguồn cung cấp nguyên liệu thô, trong khi các doanh nghiệp của họ cần tiếp tục xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Vì thế, không chỉ những hạn chế về môi trường và khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cách châu Âu suy nghĩ lại một cách sâu sắc về cả sản xuất và tiêu dùng trong những năm tới. Ngoài ra, việc cấu hình lại này cũng rất có thể sẽ dẫn đến những rắc rối khác tầm khu vực, trong đó không loại trừ cả các rủi ro địa chính trị.

(theo Lesoir)