Các nhà phát triển năng lượng tái tạo đã công bố các dự án điện gió và điện Mặt trời ở Tây Balkan nhằm xuất khẩu sang các khu vực khác của châu Âu. (Nguồn: Getty) |
Kế hoạch khả thi?
Hai năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine (tháng 2/2022), an ninh năng lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ở Tây Balkan. Khu vực này bao gồm các nước và vùng lãnh thổ Albania, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Montenegro, Kosovo và Serbia.
Trong khi đó, các quốc gia ở khu vực Nam Âu đã đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga và tăng cường triển khai năng lượng tái tạo.
Giờ đây, một tham vọng táo bạo khác đã xuất hiện trong giới hoạch định chính sách và đầu tư trong khu vực: xuất khẩu năng lượng xanh dư thừa sang châu Âu.
Một số nhà phát triển ở Tây Balkan đang đặt cược rằng họ có thể xuất khẩu điện giá rẻ được tạo ra từ các dự án năng lượng mặt trời và gió sang các khu vực khác của châu Âu, nơi có giá điện cao hơn.
Ngày 26/2, tại một sự kiện được tổ chức ở Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (London - Anh), ông Dimitar Enchev, Giám đốc điều hành CWP Global - nhà phát triển các dự án năng lượng tái tạo toàn cầu có trụ sở ở Sofia (Serbia), nhận định: “Châu Âu đang trở thành một thị trường lớn”.
Vào tháng 10/2023, CWP Global đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ Euro cùng với công ty năng lượng gió GE Vernova của General Electric vào một dự án năng lượng mặt trời và gió lai ở Albania. Dự án được cho là có tiềm năng đưa Albania trở thành quốc gia xuất khẩu điện ròng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn đang phải chờ các giấy phép xây dựng và kết luận đánh giá môi trường cần thiết.
Ông Enchev cho biết: “Các nước Tây Balkan đã hội nhập rất tốt và họ ngày càng hội nhập tốt hơn với châu Âu. Việc xuất khẩu năng lượng xanh vào lục địa già là cần thiết và hoàn toàn khả thi đối với các nước Balkan, bởi nếu không, châu lục này không đạt các mục tiêu khử cacbon”.
Đường dây điện cao thế 1,2 gigawatt giữa Italy và Montenegro - nơi 53% điện năng được sản xuất từ thủy điện, 38% từ than và phần còn lại từ gió - đang được coi là bằng chứng về tiềm năng này.
Thủ tướng Montenegro Milojko Spajić cho biết, mối liên kết xuất khẩu giữa Montenegro và Italy là “một trong những cách tốt nhất để kinh doanh chênh lệch giá điện ở châu Âu”, đồng thời nói thêm rằng, miền Nam Italy là một trong những nơi có giá điện cao nhất lục địa.
Cùng quan điểm với các nước Bắc Phi như Morocco, Montenegro cho rằng, sự khác biệt về giá điện ở vùng Balkan so với các nơi khác là một cơ hội lớn.
Daniel Calderon, Giám đốc điều hành của Alcazar Electrical, công ty gần đây đã mua lại cổ phần trong dự án trang trại gió 118 megawatt tại Montenegro, cho biết: “Chi phí điện trung bình ở châu Âu ngày nay cao hơn đáng kể so với chi phí mà chúng tôi bỏ ra để sản xuất điện ở Tây Balkan như Montenegro”.
Thị trường béo bở?
Gần đây, các nhà phát triển năng lượng tái tạo đã đổ xô vào khu vực Tây Balkan thông qua hợp đồng đấu giá (CfD) khác nhau được tổ chức tại các quốc gia như Serbia và Albania.
CfD, lần đầu tiên được triển khai ở Anh vào năm 2014, là một cách để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng cách đảm bảo một mức giá gọi là “giá thực hiện” tại các quốc gia mua điện. Khi mức “giá thực hiện” đã thỏa thuận này thấp hơn giá thị trường, chính phủ sẽ trả cho nhà phát triển khoản chênh lệch và ngược lại.
Theo fDi Markets, năm 2023, đã có 22 dự án năng lượng tái tạo đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được công bố trên khắp Tây Balkan. Trong khi đó, con số này năm 2022 là 13 dự án và năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19, là 7 dự án.
Mặc dù có rất nhiều dự án năng lượng xanh đang được công bố trên toàn khu vực nhưng phần lớn có thể sẽ tập trung vào việc “xanh hóa” các tổ hợp năng lượng địa phương. Ngoài Albania, nơi sản xuất toàn bộ điện từ thủy điện, hầu hết các nước Tây Balkan đều dựa vào các nhà máy điện than lỗi thời.
Ngay từ trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, các nhà hoạch định chính sách ở các nước như Bosnia và Herzegovina đã giảm một nửa cơ sở hạ tầng mới sử dụng khí đốt. Nhưng cách tiếp cận này đã lộ rõ nhược điểm trong cú sốc đối với thị trường năng lượng do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga gây ra.
Giờ đây, các quốc gia khác trong khu vực đang ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và khử cacbon hơn là xuất khẩu năng lượng xanh sang các nước châu Âu khác.
Ông Dubravka Djedovic Handanovic, Bộ trưởng Khai thác mỏ và năng lượng Serbia cho biết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho chúng tôi thấy rằng, việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu có thể mang lại rủi ro tài chính rất lớn”.
Quan chức này nói thêm: “Trước hết, chúng ta cần đảm bảo làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu trong nước. Và sau đó - với kế hoạch đầy đủ - hãy nói tới những gì có thể có để xuất khẩu. Chúng ta cần tích hợp nhiều năng lực phân phối xuyên biên giới hơn để hiện thực hóa việc này”.
Trong khi đó, các nhà phát triển khác nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng nhanh công suất năng lượng Mặt trời ở Tây Balkan để có thể xuất khẩu sang các nước khác.
Ông Sébastien Clerc, Giám đốc điều hành của nhà phát triển năng lượng tái tạo Voltalia có trụ sở tại Pháp, cho biết, bất kỳ lợi thế về giá nào của điện được tạo ra ở Tây Balkan cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu đã có các trang trại năng lượng mặt trời đang hoạt động ở Đức. Tham vọng của một số nhà hoạch định chính sách và nhà phát triển để bán năng lượng xanh cho châu Âu dường như là giấc mơ viển vông hơn là thực tế.