📞

Châu Âu đang có rất nhiều tiền mặt, vì đâu khoảng cách với Mỹ vẫn xa?

Việt An 15:18 | 28/03/2024
Các chính trị gia châu Âu đang kỳ vọng, tiền tư nhân, đầu tư vào chứng khoán địa phương hoặc trái phiếu chính phủ, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tăng trưởng, năng suất với Mỹ và Trung Quốc.
Người dân châu Âu từ lâu đã tiết kiệm nhiều hơn người Mỹ và số tiền ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Hình ảnh người dân tại một chợ thực phẩm Tây Ban Nha. (Nguồn: Bloomberg)

Khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và châu Âu đang ngày càng trở nên rộng hơn khi tăng trưởng và lạm phát hai bên bờ Đại Tây Dương dịch chuyển theo chiều hướng khác nhau, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục gây áp lực lên triển vọng kinh tế châu Âu, còn nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững dưới sức ép của lãi suất cao.

Tuy nhiên, giới chính trị gia châu Âu cho rằng, họ có một "lá bài" bí mật. Đó là tiền tiết kiệm của người dân.

"Lá bài" bí mật

Từ việc Italy bán trái phiếu chính phủ cho các hộ gia đình, Pháp nói về sản phẩm tiết kiệm xuyên châu Âu cho đến việc Anh đưa ra đề nghị giảm thuế khi đầu tư vào cổ phiếu của Anh, chính phủ các nước châu Âu đang tìm cách huy động tài sản của những hộ gia đình.

Tất cả các kế hoạch trên đều dựa trên một nhận định chung: Châu Âu đang có rất nhiều tiền mặt có thể được sử dụng cho các mục tiêu của châu lục này, từ chuyển đổi xanh cho đến tăng cường năng lực quốc phòng.

Các chính trị gia châu Âu đang kỳ vọng tiền tư nhân, đầu tư vào chứng khoán địa phương hoặc trái phiếu chính phủ, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tăng trưởng và năng suất với Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia đang tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho các ngành công nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, những kế hoạch như trên có nguy cơ gây thất vọng cho những người tiết kiệm trong khi không giải quyết được những vấn đề trong mô hình kinh tế châu Âu.

Giáo sư Daniela Gabor tại Đại học West of England nhận định: "Các chính trị gia đã đưa ra một giải pháp quá dễ dàng để giải quyết những vấn đề rất phức tạp".

Khái niệm tiền "ngủ"

Người dân châu Âu từ lâu đã tiết kiệm nhiều hơn người Mỹ và số tiền ngày càng tăng trong thời gian gần đây, có thể do những bất ổn chính trị như xung đột Nga-Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Pháp ông Bruno Le Maire đang để mắt tới lượng tiền gửi ngân hàng của người dân Khu vực đồng Euro với trị giá 8.400 tỷ Euro (tương đương 9.092 tỷ USD).

Ông Le Maire từng nói về việc tiền đang "ngủ" trong tài khoản thay vì đóng góp vào sự thịnh vượng chung. Do đó, ông muốn có một sản phẩm tiết kiệm toàn châu Âu.

Tại Anh, chính phủ nước này đã đề xuất một loại tài khoản mới cho phép người dân nước này đầu tư miễn thuế lên tới 5.000 Bảng (tương đương 6.301,50 USD) vào các công ty trong nước. Song, trong lịch sử trước đây, những kế hoạch như trên đã không phát huy tính hiệu quả.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Analysis cho thấy, những người dân Italy từng mua chứng chỉ quỹ của các tổ chức do chính phủ tài trợ để đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẽ thu về lợi nhuận thấp hơn 35% so với đầu tư vào chứng khoán toàn cầu khoảng trong 5 năm qua.

Ông Benjamin Braun, nhà kinh tế chính trị tại Viện Nghiên cứu Xã hội Max Planck nhận định, khái niệm về tiền “ngủ” trong tài khoản ngân hàng không hợp lý, bởi vì không có gì có thể ngăn cản ngân hàng cấp khoản vay mới khi có cơ hội.

Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các công ty châu Âu luôn coi thiếu vốn là vấn đề ít gặp nhất trong gần một thập kỷ và họ tạo ra đủ doanh thu để tài trợ cho các khoản đầu tư.

Thay vào đó, ông Braun và những chuyên gia khác tin rằng, mức đầu tư thấp ở châu Âu phản ánh triển vọng sinh lợi của thị trường này yếu hơn so với Mỹ khiến các tập đoàn đa quốc gia của châu Âu chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Khu vực đồng Euro thậm chí còn xuất khẩu vốn.

Nhiều tiền mặt là chưa đủ

Một số chính phủ đang vay trực tiếp từ người dân. Các hộ gia đình Italy là những người mua trái phiếu lớn nhất của nước này trong năm ngoái. Cùng với Bỉ và Hy Lạp, Anh đã công bố trái phiếu tiết kiệm mới.

Ưu điểm chính của việc khai thác các nhà đầu tư nhỏ lẻ là họ ít thay đổi hơn so với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có nhiều khả năng nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn.

Ông Braun cho rằng, trái phiếu chính phủ là một sản phẩm tiết kiệm phù hợp, cho phép nhà nước hướng định nguồn tiền vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo ông Braun và các nhà kinh tế khác, đầu tư vào trái phiếu chính phủ phải là một phần giải pháp cho những thách thức dài hạn đối với châu Âu như xây dựng nền kinh tế xanh hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các chính phủ đang phải gánh khoản thâm hụt ngân sách lớn kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, việc bán trái phiếu có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực kiểm soát chi tiêu công.

Nhà tư vấn đầu tư Massimo Famularo, có trụ sở tại Milan khẳng định, khi tập trung quá nhiều tài sản tại thị trường trong nước, các hộ gia đình cũng có thể mất đi cơ hội đa dạng hóa đầu tư.

Như vậy, có thể dễ dàng thấy, nhiều tiền mặt là chưa đủ để châu Âu thu hẹp khoảng cách với những nền kinh tế lớn khác.

(theo Reuters)