📞

Châu Âu lại lao đao vì Covid-19

Minh Vương 08:17 | 23/11/2021
Lệnh phong tỏa toàn quốc ba tuần tại Áo chỉ là khởi đầu cho các biện pháp mạnh tay hơn của châu Âu nhằm ngăn chặn sự trở lại của đại dịch Covid-19.

Trước làn sóng Covid-19 chực chờ nhấn chìm châu Âu thêm một lần nữa, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch, giảm tải cho các bệnh viện.

Áo trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải cuối cùng, đưa ra biện pháp cứng rắn để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan trở lại.

Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần nhằm ngăn cản tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Vậy Vienna đã làm gì?

Giống như láng giềng Đức, tuần trước Áo ban hành lệnh cấm người chưa tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm mới ở nước này vẫn tiếp tục tăng cao, vượt đỉnh cách đây 1 năm, khiến các giường bệnh chăm sóc đặc biệt luôn ở trong tình trạng thiếu hụt.

Thực trạng này đòi hỏi Vienna phải có các biện pháp mạnh tay hơn. Ngày 22/11, Áo bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài ba tuần. Trong thời gian này, người dân không được rời khỏi nhà, ngoại trừ lý do nhất định như đi làm hoặc mua đồ thiết yếu và mỗi lần ra ngoài chỉ được phép gặp một người từ hộ gia đình khác.

Hầu hết các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán café, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc không được mở cửa trong 10 ngày đầu phong tỏa, thậm chí là 20 ngày.

Các chợ Giáng sinh, điểm thu hút lượng lớn khách du lịch, chỉ vừa mở cửa song đã phải dừng hoạt động.

Giới chức Vienna cho phép thang máy đưa khách lên đỉnh trượt tuyết được mở cửa cho người đã tiêm, song khách sạn sẽ không phục vụ khách du lịch không lưu trú khi lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực.

Áo cũng là nền kinh tế phát triển đầu tiên yêu cầu công dân tiêm chủng bắt buộc kể từ tháng 2/2022.

Thực trạng báo động

Song Vienna nhiều khả năng sẽ không đơn độc với các biện pháp cứng rắn mới nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại nhiều nơi ở châu Âu đang diễn biến phức tạp.

Theo giới chuyên gia, số lượng ca mắc Covid-19 tăng vọt vào mùa Thu là “khó tránh” tại châu Âu, phần vì sự xuất hiện của biến thể Delta, phần vì thời tiết lạnh khiến hoạt động tập trung đông người chuyển vào trong nhà, tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Song sự bùng nổ đột ngột các ca mắc vẫn khiến giới chức châu Âu bất ngờ, với số trường hợp phải nhập viện và tử vong tăng vọt. Tỷ lệ tử vong tại Slovakia giờ đây đã cao gấp 4 lần Anh. Áo, quốc gia có số giường bệnh chăm sóc đặc biệt nhiều thứ hai ở châu Âu sau Đức, đứng trước nguy cơ bị quá tải. Các bệnh viện một số vùng có số ca lây nhiễm kỷ lục tại Đức cũng đang căng mình trước áp lực nặng nề.

Nhiều nơi tại châu Âu đang phải trả giá đắt vì độ phủ vaccine Covid-19 thấp. Phần lớn những ca nguy kịch sau khi mắc Covid-19 đều chưa tiêm chủng và đại dịch đang tấn công vào bộ phận này, đặc biệt là tại Trung Âu. Chỉ có 43% người trưởng thành ở Romania đã tiêm đủ chủng đầy đủ. Ở Bulgaria, con số vỏn vẹn là 29%.

Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang áp đặt lại một số biện pháp giãn cách xã hội. Hà Lan đã buộc nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sớm. Bỉ bắt buộc người dân làm việc tại nhà ít nhất 4 ngày trong tuần. Sở dĩ các quốc gia này không phải triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, ít nhất tính đến thời điểm hiện tại, bởi họ có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở mức cao, lần lượt là 81 và 87%.

Tương tự, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng ở trong tình trạng tương đối khả quan, khi cả hai triển khai chiến dịch vận động tiêm chủng hiệu quả tới phần lớn dân số.

Khung cảnh vắng lặng tại khu chợ Giáng sinh ở Munich, Đức sau khi các gian hàng phải đóng cửa do diễn biến dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, một số quốc gia khác lại theo đuổi cách tiếp cận “vừa đấm vừa xoa”.

Pháp và Italy bắt buộc người đến nơi công cộng như nhà hàng, khu giải trí hay các chuyến tàu đường dài phải đáp ứng yêu cầu về âm tính với Covid-19. Rome thậm chí còn đặt ra yêu cầu này ở nơi làm việc.

Paris lại chấm dứt công nhận xét nghiệm Covid-19 là phương án thay thế cho chứng nhận tiêm chủng tại địa điểm công cộng.

Cách tiếp cận này khiến nhiều người do dự phải lựa chọn tiêm chủng, song chưa thể lay chuyển bộ phận “cứng đầu”, kiên định với lập trường chống vaccine Covid-19.

Với nước Áo, cũng như các khu vực nói tiếng Đức và một số nơi khác tại Trung Âu, bài toán đến từ lượng lớn những người thay vì tiêm chủng, lại tin vào thuyết âm mưu được phóng đại bởi đảng cực hữu. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg không ủng hộ tiêm chủng bắt buộc, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác khi đất nước có “vô vàn thế lực chính trị, những người hoài nghi vaccine hời hợt và nhiều kẻ lan truyền thông tin giả”.

Dù vậy, Vienna cũng đã triển khai các biện pháp cứng rắn, bởi “muộn còn hơn không”. Liệu phần còn lại của châu Âu sẽ theo chân Áo? Chỉ thời gian có thể trả lời.