Châu Âu: Nhiều nước áp thuế lợi nhuận bất thường với các công ty dầu mỏ và khí đốt. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 18/11, Bộ Tài chính Áo cho biết, nước này muốn áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận bất thường của các công ty dầu mỏ và khí đốt ở mức 40% trong vòng hai năm. Chính phủ Áo ước tính số tiền thu được từ 2 tỷ đến 4 tỷ Euro sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính Áo nêu rõ, mức thuế 40% áp dụng đối với lợi nhuận bất thường của các công ty dầu khí trong năm nay và năm tới cao hơn 20% so với mức trung bình của 4 năm trước đó. Mức thuế có thể giảm xuống 33% nếu các công ty thực hiện đầu tư xanh. Biện pháp đánh thuế dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022 đến cuối năm 2023.
Đối với các nhà sản xuất điện, mức giá trần sẽ được áp ở mức 180 Euro mỗi megawatt giờ (MWh), nhưng nếu họ không đầu tư vào các nguồn tái tạo, mức giá trần chỉ là 140 Euro/MWh. Biện pháp sẽ được áp dụng từ đầu tháng 12 năm nay cho đến cuối năm sau.
Phó Thủ tướng Áo Werner Kogler khẳng định việc đánh thuế giúp “tiến một bước tới sự công bằng hơn”.
Theo thỏa thuận toàn Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên có thể áp thuế đối với lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng ít nhất 33%. Nước láng giềng của Áo là CH Czech cũng đã thúc đẩy việc áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng và ngân hàng ở mức 60% trong thời gian 3 năm. Chính phủ Czech cũng đã thông qua việc áp giá trần đối với điện và khí đốt.
Cũng tại châu Âu, ngày 17/11, Chính phủ Anh đã quyết định tăng thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng lớn từ 25% lên 35% và gia hạn biện pháp này đến năm 2028.