📞

Châu Phi vẫn cần tăng trưởng hơn nữa để xóa đói giảm nghèo

15:07 | 28/10/2018
Các nền kinh tế châu Phi vẫn cần duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện để đưa phần lớn người dân thoát khỏi tình trạng dễ bị tổn thương, bất chấp những thành tựu tăng trưởng nhanh chóng mà các nền kinh tế châu lục này đạt được trong hai thập kỷ gần đây.   

Đó là nhận định trong Báo cáo Xu hướng và Triển vọng thường niên giai đoạn 2017-2018 (ATOR), được công bố trong khuôn khổ hội nghị xuyên lục địa tổ chức tại trụ sở chính của Liên minh châu Phi (AU) gần đây ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia. 

Báo cáo này cũng cho rằng mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm ở châu Phi, nhưng số lượng người sống trong cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương còn cao, đồng thời nhấn mạnh rằng, trước sự thiếu hụt của những công việc mang lại kế sinh nhai trong những năm qua, các nền kinh tế châu Phi cần duy trì đà tăng trưởng liên tục để giảm thiểu sự dễ bị tổn thương của phần lớn người dân châu lục.

Người dân Somalia xếp hàng nhận lương thực cứu trợ. (Nguồn: AFP

Báo cáo cũng tiết lộ các quốc gia châu Phi có thể chứng kiến nhu cầu gia tăng về bảo trợ xã hội trong tương lai gần, từ đó tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với  chính phủ trong việc phải đáp ứng sự gắn kết và ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình bảo trợ xã hội ở châu Phi là rất cần thiết. Theo nhận định được đưa ra, tăng trưởng đơn lẻ là không đủ để giúp cả châu lục đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo đầy tham vọng, bao gồm Chương trình nghị sự 50 năm đến năm 2063.

Eyasu Abraha, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Ethiopia, cũng cho rằng việc giải quyết các nhu cầu của người dân thông qua các chương trình bảo vệ xã hội - chẳng hạn như: Chương trình An toàn Sản phẩm của Ethiopia (PSNP), là cần thiết. PSNP là một trong những chính sách quan trọng nhất của Chính phủ Ethiopia nhằm kích thích quá trình xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng mất an ninh lương thực một cách nhanh chóng, đi kèm tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng", Thứ trưởng Abraha nói.

"Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng khi được thiết kế và thực hiện một cách chính xác dựa trên nền tảng đánh giá liên tục, các chương trình bảo trợ xã hội có thể mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội châu Phi", ông Abraha nói thêm.

Bản báo cáo được giới thiệu trong hội nghị của AU, bên cạnh những tài liệu khác, mang lại một cái nhìn sâu sắc về vai trò hiện tại và tương lai của việc bảo trợ xã hội giữa các nước châu Phi. Tài liệu này cũng cung cấp các nghiên cứu và phân tích bổ sung về cách thức giúp các quốc gia kết hợp chương trình bảo trợ xã hội với các chương trình phát triển liên quan khác nhằm tạo ra một tác động tổng thể lớn hơn.

Josefa Sacko, Ủy viên AU, cho biết: “Khi châu Phi bắt tay vào việc thực hiện cam kết Tuyên bố Malabo và Chương trình nghị sự đến năm 2063, chúng tôi tin rằng báo cáo này sẽ có đóng góp to lớn trong việc hướng tới nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chương trình bảo trợ xã hội quốc gia”. 

(theo Tân Hoa xã)