TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam và Trung Đông - châu Phi còn nhiều tiềm năng trong hợp tác nông nghiệp | |
Doanh nghiệp cảm ơn Bộ Ngoại giao – ‘cây cầu’ vững chắc |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Có mặt từ rất sớm, ngay khi sự kiện vừa bắt đầu, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Giám đốc Công ty Co Coal (cung cấp mặt hàng than được sản xuất từ gáo dừa) luôn bận rộn khi giới thiệu sản phẩm tới hàng chục Đại sứ, doanh nghiệp Trung Đông - châu Phi quan tâm, tìm hiểu về sản phẩm than có nhiều điểm đặc biệt này.
Bà Cẩm Hằng cho biết, sản phẩm than của công ty có thể được sử dụng rộng rãi hơn ở các nước khu vực Trung Đông - châu Phi bởi khá phù hợp với văn hóa ở đây. Hiện tại, Co Coal chưa đến được với thị trường châu Phi nhưng đã xuất khẩu sang một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq, Kuwait, Lebanon…
Với chị Hằng và nhiều doanh nhân, chưa bao giờ họ nghĩ doanh nghiệp của mình có cơ hội được mở gian hàng ngay tại Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao và có thể tiếp cận được với Đại sứ các nước bạn một cách dễ dàng, thuận lợi đến như vậy.
“Thông qua cây cầu là Bộ Ngoại giao, tôi tự tin khi đưa thương hiệu Co Coal tới bạn bè quốc tế. Đây là kênh kết nối hữu hiệu mà doanh nghiệp như tôi trước nay chưa nghĩ tới và chưa có cơ hội tiếp cận nhưng mọi thứ đã thay đổi và qua Bộ Ngoại giao, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn”, bà Hằng chia sẻ.
Nền tảng vững chắc
Tanzania nằm trong số ít các quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đang tạo ra nhiều việc làm cho 3.000 người, trong đó có 1.000 lao động trực tiếp, mà còn góp phần mở rộng mạng lưới viễn thông ở đất nước chúng tôi Bên cạnh đầu tư, Việt Nam cũng đang là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm của Tanzania. Chúng tôi vui mừng khi nông dân Tanzania đang được hưởng lợi từ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ Tanzania Mbelwa Kairuki |
Đối với Việt Nam, thị trường Trung Đông - châu Phi là một trong những thị trường tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai phá. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh, đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông - châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Khởi nguồn từ khát vọng chung về độc lập, tự do từ những năm 50 của thế kỷ XX, mối quan hệ này không ngừng được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, quý báu mà Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông - châu Phi tiếp tục cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng cho rằng, đây chính là nền tảng và giá trị vững chắc đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau.
Thực tiễn cho thấy, tuy cách xa về mặt địa lý nhưng trong thời gian vừa qua, hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông - châu Phi đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đạt trên 5,5 tỷ USD. Việt Nam có nhu cầu lớn từ các nước khu vực Trung Đông - châu Phi như nguyên liệu khoáng sản, dầu, lương thực, gỗ. Đối với các quốc gia Trung Đông -châu Phi, Việt Nam xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, linh kiện điện tử, công cụ phục vụ cho nông nghiệp.
Các dự án đầu tư viễn thông từ Việt Nam sang châu Phi đã giúp người dân tiếp cận các dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu; hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và trao đổi chuyên gia cũng đang có bước tiến nổi bật.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường trao đổi với đại biểu. |
Tiềm năng nhưng nhiều cái “khó”
Những điểm sáng đó, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cũng cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn tồn tại không ít những thách thức. Tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng lớn gồm 70 quốc gia với 1.6 tỉ dân trải dài trên 36 triệu km hiện chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỉ USD xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong năm 2018.
“Con số này khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng cũng như quy mô kinh tế và dân số của cả hai bên, cho thấy chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường chỉ rõ.
Những thách thức, trở ngại đang “cản đường” sự hợp tác giữa hai bên cũng được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu bật tại Hội nghị lần này: Hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau; Xa cách về địa lý cũng là một trong những khó khăn chính dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và sự quan tâm chưa đúng mức của các Bộ, ngành doanh nghiệp hai bên; Mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú của mỗi bên còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương hiện còn chưa thực sự phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác kinh tế; Mặt khác, liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông - châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế. Mặc dù là một nền kinh tế mở với 16 FTA, nhưng đến nay, Việt Nam chưa ký kết FTA với nước nào trong khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 lần này là một trong những bước quan trọng để xác định những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, và hiện thực hóa những lợi thế, tiềm năng và tầm nhìn về sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.
Nhiều đại sứ tham dự Hội nghị cũng đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện lần này, cho rằng đây là một bước tiến góp phần tạo nên sự thay đổi về chất trong quan hệ giữa Trung Đông – châu Phi đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng hành cùng phát triển
Ai Cập có nhiều khu kinh tế, nơi chúng tôi đang cố gắng thu hút đầu tư từ Việt Nam. Việt Nam đang đạt được nhiều lợi ích từ nguồn đầu tư nước ngoài vào trong nước và đây là một lợi thế của các bạn. Đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới làm ăn tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác thương mại giữa Ai Cập và Việt Nam đã phát triển mạnh trong ba năm trở lại đây, kim ngạch thương mại đã tăng tới 100% chỉ trong ba năm qua và riêng năm ngoái tăng 25%. Do đó, tôi tin tưởng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đại sứ Ai Cập Nassan Nayel |
Đối với ưu tiên và định hướng chính sách đối ngoại giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi, tại Hội nghị, ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phải làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước láng giếng, các cường quốc và bạn bè truyền thống ở Trung Đông - châu Phi; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy ngoại giao quốc gia, đặc biệt là trong năm chủ nhà ASEAN 2020 và tại Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc trong giai đoạn 2020 - 2021 và đóng góp nhiều hơn để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã luôn đồng hành với các nước Trung Đông - châu Phi trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực. Những “người lính cụ Hồ” của Việt Nam đã có mặt tại những điểm nóng của Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi cũng đã tích cực phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế. Chính phủ các nước Trung Đông - châu Phi đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thể hiện sự tin tưởng của các nước Trung Đông - châu Phi đối với khả năng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
“Việt Nam tin tưởng có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông - châu Phi. Đặc biệt, khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác cùng quan tâm trong khuôn khổ ASEAN, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông - châu Phi”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Hội nghị.
| (Trực tuyến) Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019 TGVN. Chiều ngày 9/9, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019, phiên ... |
| Chương trình trực tuyến: Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019 TGVN. Sáng 9/9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi, Báo Thế giới & Việt ... |
| (Trực tuyến) Khai mạc Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 TGVN. Sáng ngày 9/9, Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 đã chính thức khai mạc tại ... |