TIN LIÊN QUAN | |
Đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi | |
Sắp diễn ra hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” |
Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam (giữa) và ông Trương Công Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp (bên phải) trao đổi tại tọa đàm. |
Trung Đông - châu Phi có dân số 1,6 tỷ người, diện tích trên 36 triệu km2, là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, thị trường rộng lớn. Năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Đông đạt 2,3%, vượt xa mức 0,9% vào năm 2017, kinh tế châu Phi tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng 3,4%. Xu hướng liên kết khu vực được đẩy mạnh. 49/50 quốc gia châu Phi đã thỏa thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (ACFTA), tiến tới lập Thị trường chung châu Phi vào năm 2030.
Thời gian qua, Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Nhiều quốc gia trong khu vực luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn Liên hợp quốc. Về kinh tế, quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai bên thời gian qua tăng trưởng mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 17,5 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2010. Đầu tư của khu vực tại Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, đầu tư của Việt Nam tại khu vực đạt 2,6 tỷ USD. Hợp tác viễn thông, lao động, khai thác khoáng sản, nông nghiệp... cũng có những bước phát triển đáng khích lệ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả hợp tác kinh tế còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai phía.
Tại tọa đàm trực tuyến, các khách mời là các nhà quản lý đại diện lãnh đạo Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao), Đại sứ các nước Trung Đông - Châu Phi tại Việt Nam và đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi về tiềm năng, thế mạnh hợp tác giao thương giữa hai bên, đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khu vực Trung Đông - Châu Phi, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên.
Mở đầu tọa đàm trực tuyến, ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ, tuy Việt Nam và Israel là hai đất nước ở hai khu vực hoàn toàn khác nhau, một ở Đông Nam Á và một ở Trung Đông, nhưng tình bạn và sự kết hợp về mặt kinh tế sẽ mang lại những thành tựu, hợp tác tốt đẹp. Việt Nam đang là đất nước với tốc độ phát triển nhanh và Đại sứ mong rằng Israel sẽ là người bạn cùng sát cánh với Việt Nam trên con đường phát triển đó.
Đánh giá về quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết ông rất hài lòng với tốc độ tăng trưởng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Israel. Hiện hai bên đang đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và có thể tiến tới ký kết vào đầu năm sau nếu tiến triển thuận lợi. Ông cũng lưu ý điều đặc biệt rằng mỗi khi Israel ký kết FTA với một quốc gia, kim ngạch thương mại song phương thường tăng tới 50% ngay năm đầu tiên sau khi ký kết, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Đại sứ cũng nhận định rằng Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau, thay vì cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến lương thực thực phẩm. Ngoài ra, Israel đang đẩy mạnh hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Israel học tập, đặc biệt là chuyên ngành Công nghệ cao.
Trao đổi tại chương trình tọa đàm trực tuyến, ông Trương Công Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất cà phê sạch tại Kon Tum cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu tập trung tại Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á và một số nước tại khu vực châu Phi. Nhu cầu về cà phê trên thị trường ngày càng lớn, đặc biệt là cà phê sạch, cà phê hữu cơ chất lượng cao. Đó cũng chính là hướng kinh doanh của công ty.
Theo Giám đốc Trương Công Hiệp, công ty được thành lập năm 2014, sản xuất kinh doanh cà phê theo chuỗi sạch và bền vững. Công ty đã liên kết với hơn 500 hộ dân trên địa bàn với diện tích 1.500ha, sản lượng 6.500 tấn/năm và tất cả được sản xuất theo quy trình hữu cơ, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Được biết, công ty Bốn Hiệp cũng đã đầu tư công nghệ, quy trình trồng trọt và chế biến mới nhất, tiên tiến, thông minh, loại bỏ những hạt cà phê không đảm bảo tiêu chuẩn.
Các khách mời trao đổi tại chương trình trực tuyến. |
Tại chương trình trực tuyến, chia sẻ về mục đích ý nghĩa của Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức , ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao khẳng định. Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông châu Phi là một quá trình lâu dài. Theo ông Kiên, từ năm 2010, Việt Nam đã tổ chức các diễn đàn giữa Bộ Ngoại giao và các nước Trung Đông - châu Phi. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.
"Sự kiện “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019” lần này là một trong những sự kiện nhằm thực hiện đề án đó. Mục tiêu của nó là nhằm thúc đẩy các hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với các quốc gia ở Trung Đông - châu Phi" - ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, thứ nhất, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi xa cách về mặt địa lý, thứ hai, các nước Trung Đông – châu Phi có hệ thống pháp luật, cùng tình hình chính trị - xã hội rất khác biệt so với Việt Nam. Đó là chưa kể tới những cản trở về ngôn ngữ, văn hoá, tập quán, đi kèm với bất ổn chính trị ở một số quốc gia.
Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi của Bộ Ngoại giao, muốn thành công tại châu Phi, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình kiến thức về tình hình quốc gia sở tại, nắm rõ hệ thống pháp luật, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh, đặc biệt là các biến động chính trị trong khu vực kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Trung Quốc, châu Âu đã có nhiều năm kinh doanh tại quốc gia sở tại.
Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hiểu rõ những khó khăn trong phát triển hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông - châu Phi và do đó, trong nhiều năm nay, đã cố gắng, bằng nhiều biện pháp, khắc phục. Trước tiên, Chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong tạo một bộ khung pháp lý trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi, thúc đẩy, đàm phán và ký kết các hiệp định bảo hộ cho các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Đông - châu Phi; giảm bớt các rào cản về thuế, thủ tục; cung cấp các thông tin về thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối với các đầu mối bạn hàng ở Trung Đông – châu Phi; hỗ trợ doanh nghiệp bằng các cơ quan đại diện ngoại giao, văn phòng đại diện thương mại, cố gắng đồng hành với các doanh nghiệp, không chỉ trong quá trình tìm hiểu đối tác, kết nối làm ăn, kinh doanh, mà còn giải quyết những khúc mắc của doanh nghiệp, từ lô hàng bị mắc ở kho, cảng tới việc doanh nghiệp bị lừa, mất tiền.
"Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới có 8 cơ quan đại diện tại các nước Trung Đông - châu Phi, song không phải cơ quan nào cũng có đại diện thương vụ. Do đó, sự vươn xa của Việt Nam tại châu Phi là chưa nhiều, khiến các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại đây còn khó khăn. Những buổi toạ đàm như hôm nay, với sự góp mặt của Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, ngồi lại cùng đại diện Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp để tìm kiếm đối sách, mở rộng hợp tác kinh tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn đến Trung Đông - châu Phi" - ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định.
Cũng trong phiên tọa đàm này, Lương y Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển y học cổ truyền Việt Thanh chia sẻ, đến với Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi, mong muốn lớn nhất của bà cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác là có những thuận lợi nhất định để đẩy mạnh sản xuất, đưa được thật nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy xuất khẩu thật nhiều sang thị trường Trung Đông - châu Phi đầy tiềm năng này.
Ngoài ra, bà Việt Thanh cho rằng, nhờ có những chính sách tạo điều kiện cho y học cổ truyền Việt Nam phát triển ngày một vững vàng và mạnh mẽ của Chính phủ, những người yêu y học cổ truyền như bà đã có cơ hội theo đuổi tình yêu nghề nghiệp, tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển những sản phẩm y học cổ truyền tốt nhất để tới tay người tiêu dùng.
Tại chương trình, bà Việt Thanh cũng mong muốn giảm tải những hành lang pháp lý giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi để sản phẩm của Trung tâm phát triển Y học cổ truyền Việt Thanh có thể tiếp cận được thị trường này, cũng như để nước bạn biết được rằng sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam có nguồn gốc từ thiên nhiên, không gây độc hại tới sức khoẻ người dùng, cực kỳ an toàn và có giá cả rất hợp lý.
Tại phiên tọa đàm tiếp theo, chia sẻ về quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Zambia, ông Walubita Imakando - Đại sứ Zambia tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam chia sẻ, hai bên có quan hệ song phương tốt đẹp trên nhiều mặt và đang phát triển nồng ấm. Tuy nhiên, hai bên đều mong muốn có thể làm được nhiều hơn nữa. Đầu tiên, trước hết cả Việt Nam và Zambia đều hướng tới đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương để nhân dân hai nước đều được hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả đó.
Nhận định gì về tiềm năng phát triển thương mại đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, tại chương trình, Đại sứ Walubita Imakando cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện việc Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ở khu vực Trung Đông - châu Phi. Bản thân Đại sứ Imakando cũng đã trao đổi với các Đại sứ khác trong khu vực và họ khẳng định sẵn sàng đáp lại tin tưởng và đồng hành của Việt Nam.
"Ngoài ra, tọa đàm lần này đã tạo ra tiền đề để hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương không chỉ Zambia và Việt Nam, mà còn quan hệ song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác tại Trung Đông - châu Phi", Đại sứ Walubita Imakando nhận định.
Cũng tại chương trình, Đại sứ Imakando cho biết, riêng về phía Zambia, Đại sứ đã có buổi trao đổi riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển nông nghiệp bởi đối với Zambia, nông nghiệp cũng là một trong những thị trường cần được đẩy mạnh. Ông cũng thể hiện mong quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này, thể hiện qua các hành động, chính sách cụ thể như gỡ bỏ rào cản, xây dựng khung pháp lý cần thiết.
Cùng trong phiên tọa đàm, bà Trần Thị Diễm Hương, Giám đốc Trung tâm Hương Anh Fitness – Yoga thuộc Tập đoàn Hương Anh cho biết, Tập đoàn Hương Anh được thành lập cách đây 20 năm, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính như: Buôn bán thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, Tổ chức Tour, lữ hành quốc tế và Đoàn xe du lịch lữ hành, Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Fitness, Yoga.. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực có thương hiệu mạnh tại Việt Nam và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Nhận định về kế hoạch phát triển mở rộng kinh doanh, đặc biệt tại thị trường Trung Đông - châu Phi, bà Diễm Hương cho rằng, đây là thị trường rất tiềm năng nhưng do khó khăn về vị trí địa lý và nhiều yếu tố khác nên doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc, hạn chế khi tếp xúc thị và phát triển giao thương. Bà Hương cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất mong muốn các đơn vị chức năng tổ chức những hội nghị thiết thực như thế này như này để tìm hiêu thông tin, thị trường để tăng cường hợp tác giao thương.
Trong phiên tọa đàm tiếp theo, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái có rất nhiều tiềm năng để có thể hợp tác đầu tư với các nước trên thế giới nói chung và khu vực Trung Đông - châu Phi nói riêng. Đầu tiên phải khẳng định rằng, Yên Bái là trung điểm của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trung điểm của tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thứ hai, Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Thứ ba, theo ông Đỗ Đức Duy, những năm gần đây, Yên Bái có hệ thống hạ tầng khá phát triển, tạo điều kiện để tỉnh giao thương với các tỉnh khác được thuận lợi hơn. Thứ tư, Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, với trên 60% dân số trong độ tuổi lao động, trong đó 58% lao động đã được qua đào tạo. Thứ năm, Yên Bái là địa phương có điều kiện khí hậu, tài nguyên, thiên nhiên phong phú, chất lượng môi trường rất tốt để thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Cuối cùng, qua quá trình phát triển kinh tế xã hội, Yên Bái đã phát triển được nhóm 10 sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực, cùng hàng loạt sản phẩm công nghiệp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó bao gồm cả thị trường Trung Đông – châu Phi như các sản phẩm đá trắng và các chế phẩm về đá, các sản phẩm nông nghiệp và chè, chè đen, chè chất lượng cao, tinh dầu quế…” - ông Đỗ Đức Duy cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ngoài việc phục vụ nhu cầu trong nước, sản phẩm của tỉnh còn đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và đã được thị trường thế giới biết đến. Tuy rằng con số tuyệt đối chưa lớn, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 130 triệu USD, song trong đó, gần 50% được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi. Thực tế này nói lên cơ hội, tiềm năng rất lớn của Yên Bái trong việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, Yên Bái hiện cũng là điểm đến được các các nhà đầu tư, trong số đó cũng có các nhà đầu tư đến từ Trung Đông – châu Phi, như các doanh nhân đến từ Qatar. Ngoài ra, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu thụ vốn FDI, ODA là rất lớn và Yên Bái cũng là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc thu hút được nguồn vốn từ Saudi Arabia để phát triển hạ tầng giao thông.
“Tựu chung lại, với điều kiện phát triển kinh tế, với nỗ lực của Yên Bái trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hoá chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị, quan tâm phát triển thị trường lao động, đào tạo cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu, tỉnh có nhiều tiềm năng và cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới nói chung, với Trung Đông – châu Phi được xác định là một trong những thị trường tiềm năng trước mắt và lâu dài” – ông Đỗ Đức Duy khẳng định.
Chia sẻ về kỳ vọng khi tham dự Hội nghị gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi, ông Đỗ Đức Duy bày tỏ, trước hết, chúng tôi xin bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi, đồng thời cảm ơn Bộ Ngoại giao đã có sáng kiến mời các Đại sứ và Đại biện các nước Trung Đông - châu Phi. Đây là cơ hội rất tốt cho địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư bởi đây Trung Đông - châu Phi là thị trường rất tiềm năng đối với Yên Bái nói riêng và các địa phương khác nói chung. Tuy nhiên, bấy lâu nay, chúng ta thiếu thông tin về thị trường, các doanh nghiệp; sự kết nối, chia sẻ, hỗ trợ giữa các địa phương và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thực hiện giải pháp về thanh toán. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa cung cấp nhiều thông tin để các doanh nghiệp Trung Đông - châu Phi, vốn có tiềm năng về vốn và công nghệ, đầu tư vào Việt Nam, một thị trường dồi dào nhân lực.
"Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, với sự tăng cường kết nối giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại thị trường Trung Đông - châu Phi cùng Đại sứ, Đại biện, chắc chắn các doanh nghiệp, các địa phương của Việt Nam, trong đó có Yên Bái, sẽ có nhiều cơ hội hơn để gia tăng hợp tác kinh tế trong quan hệ đối ngoại, đưa sản phẩm Việt Nam vào thị trường này, thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong nước nói chung và Yên Bái nói riêng" - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhận định.
Cùng trong phiên tọa đàm này, bà Nguyễn Thị Phấn - Giám đốc Công ty XNK Tổng hợp & Dịch vụ Fataco Bến Tre cho biết, sau 30 năm hoạt động, công ty Fataco với đội ngũ giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ giàu kiến thức và kinh nghiệm đã nghiên cứu và phát triển thành công Thuốc cai nghiện ma tuý Bông Sen. Hiện nay, thuốc Bông Sen đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Thuỵ Sỹ, Lào, Campuchia và đặc biệt được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để sử dụng tại thị trường này.
Riêng tại Trung Đông - châu Phi, Bộ Y tế Nigeria đã cấp phép và nhập khẩu thuốc Bông Sen cho và Nigeria cũng đã độc quyền phân phối sản phẩm này cho cả thị trường châu Phi.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Phấn, Bông Sen thực sự là một niềm tự hào của ngành y học Việt Nam khi bài thuốc này được người Việt Nam nghiên cứu và phát triển thành công. Chỉ cần dùng thuốc 1 tuần mà những người nghiện lâu năm cũng dễ dàng cắt được cơn nghiện, tâm thế, thể chất hoàn toàn khoẻ mạnh.
Tham gia Hội nghị này, bà Phấn cũng mong muốn các doanh nghiệp nói chung và Fataco nói riêng có thể tìm kiếm được các cơ hội để đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi, nhân rộng bài thuốc Bông Sen tới nhiều nơi hơn nữa, góp phần vào gây dựng sự bình an của nhân loại, giúp các gia đình có được sự bình yên và hạnh phúc.
Hội nghị gặp gỡ Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019 tập trung thảo luận một số nội dung chính về chính trị - ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và viễn thông, cụ thể như: Tình hình kinh tế - xã hội, một số định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, nhất là những ưu tiên của Việt Nam khi ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi, bao gồm cả hợp tác giữa các Bộ, ngành Việt Nam với các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia khu vực, thời gian qua và phương hướng thời gian tới.
Hội nghị cũng là cơ hội để các bên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất hợp tác từ các quốc gia Trung Đông - châu Phi; Thông tin về thị trường khu vực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của ta vào khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá một số mô hình phát triển nông nghiệp, trao đổi khả năng tìm kiếm phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa Việt Nam với khu vực bổ trợ cho mô hình hợp tác ba bên truyền thống hiện đang gặp khó khăn; Giới thiệu sự phát triển của công nghiệp viễn thông Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác viễn thông với khu vực trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng sẽ có những buổi thảo luận và tham quan thực địa ý nghĩa tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - doanh nghiệp đang góp phần tạo ra những sự phát triển đầy ấn tượng về viễn thông tại một số quốc gia châu Phi.
Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi có nhiều lợi thế để bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Những thông tin về chính sách hướng Đông của các quốc gia Trung Đông – châu Phi cũng như những tác động của nó đối ... |
Ngoại giao gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - châu Phi Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, với một trong những nhiệm vụ quan ... |
Hội nghị thúc đẩy quan hệ Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong thập kỷ qua và ... |