Một cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với 8 tỉnh, thành phố phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN) |
Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và tiếp tục ghi nhận số lượng lớn các ca nhiễm mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó một số khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch, như các nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh...
Sự bùng phát kéo dài của đợt dịch thứ tư cùng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới với nhiều biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, tiếp tục đặt ra những thách thức trong thực hiện "mục tiêu kép".
Như người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Chúng ta chống dịch quyết liệt, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, như vậy mới có nguồn lực để chống dịch, bảo đảm đời sống, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Mặc dù vaccine là biện pháp căn cơ, hữu hiệu nhất để đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhưng trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm vaccine thì không còn cách nào khác là cùng với vaccine, chúng ta cần phải có những giải pháp bảo đảm an toàn trong tất cả các hoạt động kinh tế, đời sống, xã hội. Chung sống an toàn với dịch bệnh phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể, bởi có an toàn mới có thể phát triển được.
Trong đợt dịch lần này, nhiều biện pháp để tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh từng bước được thí điểm trước khi nhân rộng và cho thấy hiệu quả thực sự.
Nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. (Nguồn: BQN) |
Đối với cá nhân, ngoài việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trước thực tế diễn biến của đợt dịch vừa qua cho thấy, từng người cần tiếp tục tự điều chỉnh nếp sống, sinh hoạt để đáp ứng được yêu cầu mới trong phòng chống dịch, như thực hiện cách ly tại nhà khi là F1 hay tự lấy mẫu xét nghiệm.
Tại các bệnh viện, bên cạnh việc đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát các ca chỉ điểm, nhiều giải pháp đã được triển khai để quản lý người thăm, nuôi bệnh nhân bằng mã QR code, vòng đeo tay, nhận diện khuôn mặt… Các khoa, phòng được bố trí kíp nhân viên làm việc cố định, hạn chế di chuyển giữa các khu vực điều trị, khám bệnh.
Kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã giúp hình thành nên mô hình sản xuất an toàn khép kín từ bố trí chỗ ở an toàn cho công nhân theo hướng mỗi nhà trọ, khu trọ là ký túc xá của một doanh nghiệp, có xe đưa đón công nhân đi làm riêng từng nhà máy, phân xưởng, đến hạn chế công nhân tiếp xúc, giao lưu sau giờ làm.
Các doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm yêu cầu khai báo y tế tất cả công nhân, lập danh sách, bố trí ca, kíp sản xuất gắn với nơi ở của công nhân.
Với khả năng lây lan rất nhanh của biến thể Delta, hoạt động phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách liên tỉnh hết sức được chú trọng. Đến nay, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành đầy đủ hướng dẫn, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm bắt buộc đối với lái xe, phụ xe cũng như các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu, bảo đảm truy vết ngay lập tức cả chuyến xe nếu có ca nhiễm.
Đáng chú ý, dù diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo, các địa phương vẫn tích cực chuẩn bị và tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT với các phương án linh hoạt, như tổ chức nhiều đợt, mở rộng các điểm thi, có điểm thi dành cho học sinh là đối tượng F1, F2, đồng thời xét nghiệm toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đẩy mạnh các hình thức dạy, học trực tuyến, xây dựng kho học liệu điện tử.
Một vài ví dụ nêu trên cho thấy để kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân.
Đặc biệt, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi, điều chỉnh tích cực những thói quen không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại như chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng hay các lễ hội còn xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống…
Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực nhanh hơn theo hướng đúng đắn.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
| Covid-19 tại Việt Nam sáng 10/7: 598 ca mắc mới tại 14 tỉnh, thành phố; Hà Nội tăng cường giám sát người về từ TP. Hồ Chí Minh và vùng dịch Bản tin dịch Covid-19 sáng 10/7 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 598 ca mắc mới tại 14 tỉnh, thành phố; TP. Hồ ... |
| Tối 9/7, Việt Nam có thêm 591 ca Covid-19 mới, TP. Hồ Chí Minh chiếm đa số, tổng số mắc trong ngày hơn 1.600 Bản tin dịch Covid-19 tối 9/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 591 ca mắc Covid-19, TP. Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất ... |