Đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng bất bình đẳng trên thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng trầm trọng hơn. (Nguồn: The Economist) |
Sau hai năm vật hộn với đại dịch, thế giới đang học cách chung sống với Covid-19, hướng tới cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ do ngân sách quốc gia đang chịu sức ép từ chi tiêu công kỷ lục để đối phó với đại dịch, mà còn nhiều vấn đề khác về cơ cấu kinh tế.
Châu Á-Thái Bình Dương thường được coi là khu vực có nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chiếm tới một nửa số người nghèo trên toàn cầu. Không sai nếu nói rằng Covid-19 đã phơi bày một “đại dịch” bất bình đẳng ở khu vực này. Tại châu Á-Thái Bình Dương, 10% dân số chiếm tới gần một nửa tổng thu nhập, trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ nhận vỏn vẹn 0,2%.
Thống kê còn cho thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn 820 triệu lao động phi chính thức không có thu nhập ổn định và 70 triệu trẻ em ở các hộ nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ với nền giáo dục. Thực trạng trên sẽ để lại hệ quả nghiêm trọng, gây tổn hại sâu sắc đến tương lai của cấu phần này nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, giới hoạch định chính sách tại khu vực cần đảm bảo rằng lợi ích của phục hồi và phát triển lan tỏa tới mọi tầng lớp xã hội. Các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể tận dụng cơ hội từ đại dịch để giảm bất bình đẳng, tạo nền tảng cho một nền kinh tế khu vực bao trùm theo ba định hướng sau.
Chính sách tài khoá thông minh
Đầu tiên, các nước nên tránh áp dụng các chính sách tài khóa mang tính cắt giảm để không làm đảo ngược thành quả phát triển. Cùng với củng cố tài khoá, các nước đang phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương cần duy trì chi tiêu công cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo trợ xã hội, tránh làm bất bình đẳng trầm trọng thêm.
Thay vào đó, áp dụng các chính sách tài khóa “thông minh” có thể làm tăng hiệu quả của chi tiêu công và phạm vi thu ngân sách. Chi tiêu công cần được ưu tiên cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, phổ cập giáo dục cơ bản và toàn diện hoá chương trình giáo dục đại học, đi cùng mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội cho lao động phi chính thức.
Đồng thời, chính phủ có thể tìm ra các nguồn thu mới, chẳng hạn như đưa nền kinh tế kỹ thuật số vào mạng lưới thuế. Đại dịch Covid-19 cho thấy công nghệ kỹ thuật số đã góp phần cải thiện cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội.
Chính sách của ngân hàng trung ương
Ngoài ra, trong bối cảnh mức độ bất bình đẳng cao và kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ, đã đến lúc các ngân hàng trung ương, trụ cột chính sách thứ hai, vượt ra khỏi vai trò truyền thống và thúc đẩy kinh tế. Chỉ một nửa số ngân hàng trung ương trong khu vực đặt khả năng tiếp cận tài chính, hiểu biết về tài chính hoặc bảo vệ người tiêu dùng vào mục tiêu và chiến lược. Đây là một cơ hội đang bị bỏ lỡ.
Sửa đổi trong luật ngân hàng trung ương và chiến lược đầu tư có thể giúp giải ngân 9,100 tỷ USD dự trữ nhằm triển khai các công cụ tài chính định hướng xã hội.
Một đồng tiền kỹ thuật số được thiết kế kỹ lưỡng, với cơ sở hạ tầng và hiểu biết về tài chính phù hợp, sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó bao gồm tăng cường tính hòa nhập tài chính.
Các ngân hàng trung ương cũng nên thúc đẩy sử dụng một số loại trái phiếu phục vụ tăng trưởng bền vững và phát triển xã hội.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, giới hoạch định chính sách tại khu vực cần đảm bảo rằng lợi ích của phục hồi và phát triển có thể lan tỏa tới mọi tầng lớp xã hội. |
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Đây là trụ cột chính sách thứ ba trong giải quyết tận gốc bất bình đẳng.
Cơ cấu kinh tế quyết định hình thái của bất bình đẳng, cũng như con đường để “tăng trưởng đi đôi với công bằng”. Các nước đang phát triển có thể học hỏi kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển trong khu vực để chủ động định hướng, định hình và quản lý quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới sự phát triển toàn diện hơn.
Hiện cuộc cách mạng kỹ thuật số - robot - AI đang ảnh hưởng ngày một sâu sắc, song cũng không kém phần khó đoán, đến quá trình chuyển đổi kinh tế toàn diện. Trong bối cảnh đó, chính phủ cần tìm kiếm sự ủng hộ của người dân để phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, xây dựng nền giáo dục chất lượng và bao trùm, đào tạo lại kỹ năng, tăng cường khả năng thương lượng lao động và bảo trợ xã hội.
Đại dịch Covid-19 là một bước lùi lớn trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cơ hội để mở rộng đầu tư vào con người và môi trường, đẩy nhanh tăng trưởng khu vực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Đây là cơ hội châu Á-Thái Bình Dương không nên bỏ lỡ.