Từ trước đến nay, khi nói đến khu Greenwich hải dương được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến Đài quan sát Thiên văn Hoàng gia với đường kinh tuyến gốc nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, từ ngày 23/3 sắp tới, khách du lịch khi đến thăm quần thể di sản Greenwich, một trong những công viên lâu nhất nước Anh, sẽ có cơ hội tham quan kiệt tác “Phòng Bích họa”.
Nằm trong khuôn viên trường Đại học Hải quân Hoàng gia (cũ) và do chính Christopher Wren (1632-1732) – người được cho là vĩ đại nhất trong lịch sử kiến trúc Anh –– thiết kế năm 1696, “Phòng Bích họa” được xem là kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc và hội họa mang phong cách baroque của Vương quốc Anh, cũng như châu Âu.
Kiệt tác “Phòng Bích họa” của Vương quốc Anh. (Nguồn: Time Out) |
Toàn bộ diện tích gần 4.000 m2 bên trong căn phòng, gồm tường, trần và mái vòm, được vẽ thành những bức bích họa khổng lồ với chủ đề tôn vinh sức mạnh Hải quân Anh và sự giàu có mà thương mại hàng hải mang đến cho đảo quốc này. Những bức bích họa lộng lẫy nhiều màu sắc là nơi góp mặt của hàng trăm nhân vật từ thần thoại đến lịch sử, trong đó phải nhắc đến những vị vua và hoàng hậu trị vì trong giai đoạn nước Anh bắt đầu trở thành cường quốc hải quân và thương mại, như vua William III, George I, các hoàng hậu Mary II và Anne…
Ngoài ra, những bức tranh trong “Phòng Bích họa” còn thể hiện khát vọng hòa bình, ổn định và thịnh vượng từ thương mại hàng hải, vốn là điều rất cần trong giai đoạn cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, thời kỳ đánh dấu những biến động lớn tại châu Âu với sự cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa các liên minh thay nhau ra đời nhằm ngăn chặn bất kỳ nước nào nuôi dưỡng tham vọng kiểm soát toàn bộ châu lục.
Tác giả của các kiệt tác bích họa là họa sĩ người Anh James Thornhill (1675-1734). James và các cộng sự của ông đã mất 19 năm làm việc và sáng tạo mới hoàn thành toàn bộ công trình này vào năm 1726. Từ một người gần như hoàn toàn vô danh khi được tin tưởng giao phó nhiệm vụ trang trí cho căn phòng mới hoàn thành, James Thornhill đã trở thành họa sĩ Anh đầu tiên trong lịch sử được phong tước Hiệp sĩ, như một phần thưởng xứng đáng cho tài năng của ông với những tác phẩm được các nhà phê bình thời đó và cả sau này nhận xét là “phi thường và thiên tài”.
Qua gần 300 năm lịch sử, “Phòng Bích họa” đã trải qua nhiều lần trùng tu, phục dựng, với dự án gần đây nhất kéo dài 2 năm tiêu tốn kinh phí hơn 10 triệu USD. Trong quá trình đó, trong khu vực tầng hầm của “Phòng Bích họa”, các nhà bảo tồn đã phát hiện ra 2 căn phòng thuộc Cung điện Greenwich đã mất dấu tích từ lâu.
Cung điện Greenwich từng là nơi ở yêu thích nhất của vua Henry VIII. Đây cũng là nơi chào đời của hai nàng công chúa của vị vua nổi tiếng nhiều vợ này mà về sau đều trở thành Nữ hoàng Anh. Đó chính là Nữ hoàng Mary I và Elizabeth I.