Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết xây dựng năng lực tập thể để kiềm chế Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Ngày 11/2, bản chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ đã được công bố ngay giữa lúc Ngoại trưởng Antony Blinken đang có mặt tại khu vực Thái Bình Dương để gặp gỡ các nhà ngoại giao của Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc đảo Thái Bình Dương và một số chính phủ khác, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi mà Thế vận hội Mùa Đông đang diễn ra tại Bắc Kinh.
Trong bản chiến lược dài 12 trang này, chính quyền của Tổng thống Biden đã cam kết sẽ củng cố vai trò an ninh và kinh tế của Mỹ để thúc đẩy một khu vực tự do và rộng mở, đồng thời xây dựng một “năng lực tập thể” với các đồng minh để chống lại một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.
Chiến lược mới của Mỹ với khu vực này nhấn mạnh, Washington sẽ không một mình đối phó với những tham vọng và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, mà sẽ nỗ lực tăng cường sự hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Không ép buộc "chọn bên"
Reuters dẫn nguồn bản chiến lược, nêu rõ: “Trung Quốc đang tập hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và kỹ thuật của mình để gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Những nỗ lực tập thể của chúng ta trong thập kỷ tới đây sẽ xác định liệu Trung Quốc có thể thành công trong việc thay đổi các điều lệ và chuẩn mực vốn đang đem lại lợi ích cho khu vực này và toàn thế giới hay không”.
Dựa theo kế hoạch hành động cho 12-24 tháng tới đây, tài liệu này cho biết, Washington sẽ “mở rộng đáng kể” sự hiện diện ngoại giao tại Đông Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ tái tập trung vào sự hỗ trợ an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm việc xây dựng năng lực hàng hải và nhận thức trong lĩnh vực hàng hải", văn bản có đoạn.
Theo AP, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, Washington không ép buộc các nước châu Á và Thái Bình Dương phải chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một quan chức giấu tên giải thích chủ trương đằng sau chiến lược mới này của Mỹ: “Mục tiêu của Mỹ trong khu vực không phải là thay đổi Trung Quốc mà là định hình môi trường chiến lược mà Bắc Kinh đang hành động trong đó. Mỹ kêu gọi xây dựng một cán cân ảnh hưởng có lợi cho Mỹ và các đồng minh và đối tác, đồng thời xử lý cuộc cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm”.
Nhận định về bản chiến lược mới, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho rằng, việc công bố văn bản mới này là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thể hiện rằng, họ vẫn luôn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù phần lớn sự chú ý hiện nay đang hướng về những căng thẳng tại châu Âu, nơi chứng kiến nguy cơ gia tăng của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhân tố có vai trò "then chốt"
Giới chuyên gia nhận định, rõ ràng để đi xa thì Mỹ không thể đi một mình. Do đó, tuyên bố về việc thắt chặt với các liên minh là điều dể hiểu. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho đồng minh đóng vai trò "then chốt" là Ấn Độ.
Tài liệu nêu trên khẳng định: "Mỹ tiếp tục hỗ trợ sự trỗi dậy của Ấn Độ và vai trò dẫn dắt khu vực của New Delhi. Ấn Độ là đối tác cùng chí hướng và động lực trong nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Với New Delhi, Washington đã xác định đây là nhân tố vừa thúc đẩy sức mạnh cứng vừa tăng sức mạnh mềm. Việc Quad hỗ trợ Ấn Độ trong sản xuất vaccine Covid-19 và trợ giúp các nước về vaccine phản ánh mục tiêu tăng tầm ảnh hưởng, xoa dịu các đối tác khác vốn lo ngại Quad là một tập hợp đối trọng Trung Quốc.
Tờ Politico cho rằng, việc đưa New Delhi trở thành lá cờ đầu cho thấy Washington đang thúc đẩy tiềm lực của ba nước còn lại trong Quad thay vì chỉ một mình gánh vác như trước đây.
Nhật Bản đã tăng cường hiện diện và phối hợp nhịp nhàng với Mỹ từ thời chính quyền tiền nhiệm. Australia cũng vừa thiết lập cơ chế an ninh AUKUS với Mỹ và Anh, mở đường cho tàu ngầm hạt nhân tới khu vực.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bị siết chặt
Theo SCMP, chiến lược mới của Mỹ bao gồm khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó bao quát mọi lĩnh vực từ thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, đến tạo thuận lợi thương mại và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Khuôn khổ kinh tế mới có khả năng loại trừ Trung Quốc và Mỹ có thể tìm cách xây dựng một “môi trường chiến lược” có thể gây khó khăn đối với Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Có thể thấy, trọng tâm của Mỹ dường như cũng tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, vốn đã gia tăng trong thập niên qua.
Động thái mới này diễn ra trong bối cảnh cam kết của Mỹ đối với khu vực thời gian qua bị hoài nghi, đặc biệt khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm 2017 quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).