Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nga, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được đề cập nhiều hơn thay vì quan hệ với Nga và EU. (Nguồn: The Interpreter) |
Ưu tiên quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ
Trên cơ sở phân tích các mối đe dọa an ninh bên ngoài và bên trong, đồng thời liệt kê các lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược trong chính sách đối nội và đối ngoại, Nga đã soạn thảo và thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới, tương tự như Chiến lược An ninh của Mỹ. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin có những điều chỉnh trong Chiến lược an ninh Quốc gia.
Phạm vi các thách thức đối với sự ổn định của Nga được đề cập trong NSS 2021 rất rộng, từ an ninh truyền thống đến an ninh sinh học.
Điểm đáng chú ý là các điều khoản chi tiết về quan hệ hợp tác của Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn biến mất trong NSS 2021, thay vào đó, đề cập nhiều đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong chiến lược mới, quan hệ đối tác với Bắc Kinh và New Delhi được xác định là cần thiết để Moscow tạo ra các cơ chế đáng tin cậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo ổn định và an ninh khu vực. Nga đánh giá mối quan hệ với hai cường quốc lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên lập trường thực dụng hơn và được coi là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga.
Tam giác RIC (Nga-Ấn-Trung) được nhìn nhận qua lăng kính khu vực chứ không phải toàn cầu. Cách tiếp cận có sắc thái và chọn lọc hơn của Nga đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung đã được ông Putin thể hiện từ lâu, tại Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Câu lạc bộ quốc tế Valdai năm 2019.
Nếu so với các phiên bản trước đây thì Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nga dường như có một sự thay đổi mang tính đột phá. Việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với giới tinh hoa chính trị Nga.
Điểm nổi bật trong chiến lược mới là nỗ lực tránh phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh, và điều đó sẽ quyết định cách thức quan hệ với Trung Quốc. Dù vẫn mô tả quan hệ Trung-Nga là "đối tác chiến lược", song hợp tác với Trung Quốc không còn được coi là “yếu tố then chốt trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu và khu vực”.
Moscow sẽ cân bằng mối quan hệ Trung-Nga với việc phát triển mối quan hệ với các trung tâm quyền lực khác ngoài phương Tây. Bất chấp mối quan hệ hiện tại ngày càng khó khăn với phương Tây, Nga cũng sẽ cố gắng không can dự vào cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ, nguồn gốc chính gây chia rẽ trên cục diện toàn cầu.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga thiếu dự báo chi tiết về diễn biến an ninh ở châu Á, nhưng xác định các điểm nóng căng thẳng chính trong khu vực có thể ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. Lần đầu tiên (ngoài Bán đảo Triều Tiên), Afghanistan xuất hiện trong danh sách điểm nóng ở châu Á, điều này nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của Nga về tình hình Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Đề cao ổn định dựa trên luật lệ
Theo lăng kính của Moscow, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi, xuất hiện các trung tâm phát triển chính trị và kinh tế mới của thế giới, kéo theo đó là sự thay đổi cấu trúc, hình thành các quy tắc và nguyên tắc mới của trật tự thế giới.
Nga cũng nhận định rằng, các quốc gia không thân thiện lợi dụng các vấn đề kinh tế-xã hội ở Nga để phá hủy sự đoàn kết nội bộ, kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các thế lực thù địch và chia rẽ xã hội, tạo sự bất ổn lâu dài bên trong. Bên cạnh đó, sự bất ổn, chủ nghĩa cực đoan ngày càng tăng.
Một số nước sử dụng các công cụ cạnh tranh không lành mạnh, các biện pháp bảo hộ và các biện pháp trừng phạt, cả trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Các lực lượng NATO đang ngày càng tiến gần biên giới của Nga, đe dọa an ninh quốc gia Nga.
Liên quan đến hợp tác quốc tế, Nga nhấn mạnh về sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc an ninh phổ quát, bình đẳng và không thể chia cắt, đề cao hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.
Nga cũng cam kết sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết xung đột, áp dụng “các biện pháp đối xứng và bất đối xứng” đáp trả những động thái không thân thiện.
Ở trong nước, nếu như trước đây, vấn đề tăng trưởng kinh tế được coi là một phần thiết lập nên nền tảng cho an ninh quốc gia của Nga thì giờ đây, NSS 2021 miêu tả vấn đề tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà Nga cần đạt được.
Một điểm đáng chú ý về vấn đề an ninh kinh tế quốc gia là NSS 2021 đề xuất việc giảm thiểu sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế, giải thích rằng điều này sẽ thúc đẩy và tăng cường an ninh kinh tế của Nga.