Chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhận định, phòng chống Covid-19 là cuộc chiến lâu dài, tốn nhiều sức lực nên phải tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp. Đặc biệt, không chủ quan nhưng cũng không nên hoảng sợ với dịch bệnh. |
Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Xử lý Khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions - BCS) xung quanh câu chuyện chiến lược chống dịch Covid-19.
Là một chuyên gia nghiên cứu về quản trị khủng hoảng, theo ông, bức tranh về Covid-19 có thể được “vẽ” như thế nào?
Theo tôi, để chống dịch hiệu quả cần hình dung rõ bức tranh về dịch bệnh, chấp nhận các thực tế mới mà loài người đang phải trải qua. Quan sát thực tiễn từ lúc dịch bùng nổ cho đến nay, tôi có thể chia việc chống dịch Covid-19 ra làm 3 giai đoạn, đó là: Tiền vaccine, tiêm vaccine và hậu vaccine.
Mỗi giai đoạn là một bước ngoặt của việc chống dịch. Ở giai đoạn đầu, thế giới khá hoảng hốt và thiệt hại lớn về nhân mạng, dường như chỉ cầm cự và loay hoay tìm cách chống dịch hiệu quả, cho đến khi tìm ra vaccine.
Giai đoạn 2 là khi nhiều nước lớn như Mỹ, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc tìm ra vaccine và tiến hành tiêm chủng hàng loạt.
Giai đoạn 3 là xử lý các các vấn đề đặt ra sau khi tiêm chủng. Việt Nam chúng ta đang ở thời điểm giao thoa giữa giai đoạn 1 và 2.
Như ông nhận xét, thế giới này đã khác kể từ khi có dịch Covid-19, và chúng ta cần thích nghi thực tế mới đó?
Thực ra, hiện nay chưa có một lộ trình nào rõ ràng để nói bình thường trở lại cả, nói đúng hơn là sẽ không thể trở lại được như xưa. Thế giới mà chúng ta đang sống khác hoàn toàn với thế giới trước tháng 12/2019.
Do đó, phải thừa nhận rằng, thế giới đã và đang thay đổi, bây giờ chỉ có thể thiết lập các điều kiện cần thiết để chấp nhận và thích nghi với trạng thái bình thường mới, đồng thời loài người sẽ phải tìm cách để sống chung với dịch bệnh này.
Qua quan sát có thể thấy, dường như con người đang phải chấp nhận sự tồn tại của loại virus này. Chúng ta đang dùng vaccine để loại trừ, phòng ngừa nó.
Bài toán vaccine là nước đi mà các quốc gia tiên tiến đang áp dụng. Cho đến thời điểm này, đó là phương án hữu hiệu nhất, quan trọng nhất. Nói đúng hơn, để chống lại dịch bệnh Covid-19 thì tầm nhìn lâu dài phải là vaccine.
Mỗi quốc gia cần phải có một lộ trình cụ thể để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Nhưng theo ông, tồn tại những thách thức gì trong lộ trình ấy?
Thách thức lớn nhất của việc đưa một quốc gia vào trạng thái bình thường mới đó là việc chúng ta chấp nhận từ bỏ trạng thái bình thường cũ (không có dịch bệnh, không có gì cấm cản do dịch bệnh mới gây ra…).
Trước hết, chúng ta phải chấp nhận thói quen như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Có thể nói, khó khăn của mỗi quốc gia nằm ở chỗ thay đổi hành vi, thái độ chấp nhận sự tồn tại của dịch bệnh này.
Thứ hai, bài toán phòng ngừa hữu hiệu là vacicne. Thực tế, không phải quốc gia nào cũng sản xuất được vaccine Covid-19, năng lực sản xuất cũng giới hạn.
Do vậy, không phải quốc gia nào cũng tiếp cận được ngay, cũng không phải chỉ cần 1 liều vaccine là dành cho suốt cuộc đời mà phải được tiêm nhắc lại. Đó là bài toán khó với mỗi quốc gia hiện nay.
Ngoài ra là thách thức về kinh tế. Khi các quốc gia bị Covid-19 “tấn công” sẽ gây ra tình trạng kinh tế bị đình đốn, không sản xuất được, không lưu thông hàng hóa được, kéo theo sự suy thoái kinh tế. Đây được coi là một thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nghèo, thu nhập trung bình.
Tiếp sau bài toán kinh tế là an sinh xã hội, về quyền con người, sự công bằng xã hội… cũng đều là những khó khăn, thách thức không nhỏ mà mỗi nước phải đối mặt do Covid-19 gây ra.
Dù không có một mô hình chung cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc đảm bảo thành công việc sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, có gợi ý kinh nghiệm gì cho Việt Nam từ nước Đức - nơi ông đang sống?
Không có mô hình chung nào nhưng hiện tại cũng có các mô hình tiếp cận mang tính hiệu quả lâu dài như Đức và các nước châu Âu đang tiến hành. Tôi nghĩ, Đức và nhiều nước tiếp cận Covid-19 bằng tư duy quản trị lý tính, bởi Covid-19 là một kẻ thù vô hình, vô dạng và sự nguy hiểm của nó không lường hết được.
Đặc biệt, Covid-19 biến báo liên tục, từ thể loại này đến thể loại khác nên phải bằng tư duy quản trị, kỹ trị để tránh chủ quan, khinh địch. Nhưng cách thức mấu chốt cuối cùng vẫn là tiêm vaccine cho toàn dân, có như thế mới đưa cuộc sống trở về bình thường được.
Theo ông, để đạt được những thành công trong việc thực hành các chính sách cho thời kỳ này, cần có điều kiện cần và đủ nào? Làm sao để chính quyền, người dân có thể tự tin sống chủ động, đạt mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế?
Câu hỏi này hay nhưng không dễ để trả lời. Theo tôi, việc sống chung với dịch là một tư duy nên được áp dụng. Người Việt cũng đã có quan điểm "sống chung với lũ" khi phải đối mặt với các rủi ro, khủng hoảng.
Tôi nghĩ, chúng ta nên phát huy truyền thống đó là “sống chung với dịch”. Hãy tâm niệm, dịch là một thực tế không ai mong muốn nhưng phải đối mặt và vượt qua.
Thế nên, việc chạy theo dịch, chạy đuổi theo dịch, tôi tin đến một cái ngưỡng nào đó chúng ta sẽ đuối sức. Vậy nên, thay vì chạy theo dịch, ta chủ động phòng chống dịch. Có nghĩa, chúng ta sẽ chủ động về mặt vaccine, tuyên truyền để cộng đồng thay đổi những thói quen, nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 cũng như ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến cam go này.
Vậy những bài học nào từ làn sóng dịch bệnh cần rút ra để đối phó thành công, hiệu quả và đẩy lùi Covid-19 cũng như cảnh báo dịch bệnh từ sớm?
Thực ra, Covid-19 quá khủng khiếp, quá nhanh về tốc độ nên ban đầu quản trị về dịch bệnh hầu như nước nào cũng có những sai lầm nhất định.
Yếu tố quan trọng của quản lý dịch bệnh với mỗi quốc gia là cần có một đội ngũ kỹ trị, có thể sáng tạo ra các giải pháp phù hợp. Dù không có một mô hình cụ thể nào để áp dụng, không thể dùng công thức của nước này áp dụng cho nước khác nhưng với đội ngũ kỹ trị tốt, họ có thể sáng tạo trong việc áp dụng các biện pháp ở từng thời điểm, hoàn cảnh nhất định một cách linh hoạt, hiệu quả.
Tất nhiên, nghệ thuật lãnh đạo phải dựa trên thông tin khoa học, dựa trên những chứng cứ khoa học, làm thế nào để hạn chế được sự lây lan, nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, hài hòa trong các mục tiêu, để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh cũng như khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Tôi nghĩ, không có mô hình chuẩn nào để áp dụng 100% một cách máy móc. Cho nên đừng hy vọng ở đâu đấy sẽ mang đến cho mình một phương thuốc thần kỳ, cũng không nên so sánh cách phòng chống giữa nước này với nước khác, mọi thứ phải linh hoạt, dựa vào tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về câu chuyện cách ly tại nhà ở nước Đức?
Ở nước Đức quản lý F1, thậm chí F0 ở nhà. Nếu F0 không nặng thì không phải đến bệnh viện, ưu tiên các giường bệnh cho những bệnh nhân nặng, để không làm quá tải hệ thống y tế.
Tôi thấy quản lý F1 tại nhà là việc hay. Tất nhiên, khi quản lý F0 hay F1 tại nhà phải đáp ứng được các điều kiện như gia đình đó phải có phòng riêng, phải tuân thủ kỷ luật của việc cách ly...
Hằng ngày, sẽ có 2 đến 3 lần bác sĩ gọi video đến để tư vấn cho bệnh nhân nhưng đồng thời cũng là cách kiểm tra, giám sát. Nếu bệnh nhân có triệu trứng gì đặc biệt hoặc cần giúp đỡ sẽ được bác sĩ tư vấn, nếu bị nặng sẽ có phương án đưa vào bệnh viện để theo dõi.
Việc này làm giảm tải cho hệ thống y tế, giảm tải cho hệ thống hành chính nói chung, bởi không thể nào một bộ máy hành chính có thể lo cho hàng nghìn, thậm chí hàng triệu ca F0, F1 được.
Trong khi chúng ta xác định phòng chống Covid-19 là cuộc chiến lâu dài, tốn nhiều sức lực nên phải tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp. Đặc biệt, không chủ quan nhưng cũng không nên hoảng sợ trước dịch bệnh.
Vô tình lẫn hữu ý, tôi vẫn phải tiếp xúc nhiều người bị nhiễm Covid-19 ở Đức. Quan trọng là mình phải chủ động có biện pháp bảo vệ như khẩu trang, đeo găng tay...
Chúng tôi không bắt tay mà bằng cùi trỏ, đá chân với nhau là những hình thức mới trong giao tiếp. Dù rất khó khăn nhưng trong những tình huống dịch bệnh, mỗi người vẫn phải chấp nhận những hình thức mới ấy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
| GS. TSKH. Ngô Việt Trung: 'Cơ chế tự chủ không có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ' GS. TSKH. Ngô Việt Trung (Nguyên Viện trưởng Viện Toán học) nêu quan điểm với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh Quy chế ... |
| GS. Phan Văn Trường: Chúng ta phải thay đổi nếp sống toàn cầu vì dịch Covid-19 'Cuộc chiến chống Covid-19 sẽ chỉ có thể đem lại những kết quả tốt nhất nếu có sự chung tay, thể hiện trách nhiệm xã ... |
| GS. Nguyễn Thanh Liêm: 'Phải coi sản xuất vaccine Covid-19 là một nhiệm vụ cấp bách của quốc gia' Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, Nhà khoa học. GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, do tình hình khan hiếm vaccine Covid-19 nên ... |