Chiến lược nêu rõ, bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.
Đến 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm
Mục tiêu đầu tiên của Chiến lược là nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng. Cụ thể, đến năm 2015, 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý (bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các cấp; lãnh đạo các Sở chuyên ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm), 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh có dân số từ 2 triệu người trở lên có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025. Đến 2020, các tỉnh có dân số từ 1 triệu người trở lên có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025.
Giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính
Mục tiêu khác của Chiến lược nêu trên là cần cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Đến 2015, 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 80% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 100% siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm; 50% chợ được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát).
Bên cạnh đó, giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân, tỷ lệ này đến 2020 là 7 người/100.000 dân.
Tầm nhìn đến năm 2030, công tác an toàn thực phẩm được quản lý một cách chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo VGPNews