📞

Chiến lược TPP trong quan hệ Canada - Mexico

11:21 | 04/04/2016
Không chỉ là các đối tác thương mại quan trọng, cả Canada và Mexico đều hướng tới cơ hội lớn hơn khi cùng là thành viên TPP.
TPP mang đến cơ hội để các thành viên cùng đi xã hơn nữa trong các mối quan hệ cũ. (Nguồn: Brlatina) 

Canada và Mexico đã là đối tác Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong hơn 20 năm qua và mối quan hệ ngoại giao song phương của họ cũng đã trải qua 70 năm. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang đến cho cả hai quốc gia một cơ hội mới để tăng cường hợp tác và cùng đi xa hơn nữa trong hội nhập các chuỗi giá trị khu vực, tối đa hóa lợi ích kinh tế - xã hội của hai nước. 

Cơ hội cộng hưởng tiềm năng

Canada và Mexico là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của nhau. Canada đứng vị trí thứ tư về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Mexico và có khoảng 3.600 công ty đang hoạt động tại đây. Ở Canada, Mexico là nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn thứ hai và có vốn FDI năm 2014 vào khoảng 884 triệu USD dưới dạng đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, cũng như nâng cao năng lực của cả hai bên. TPP được đánh giá là cơ hội tốt để hai nước khai thác tiềm năng, tận dụng cơ hội khi cả hai đều đang có chung một mong muốn tăng cường hợp tác, cũng như theo đuổi các sáng kiến song phương đã đặt ra trước đây. TPP là một môi trường lý tưởng để áp dụng vào thực tế những tiến bộ và kinh nghiệm mà cả Canada và Mexico đã chung sức xây dựng như Quan hệ Đối tác Canada- Mexico, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ, Kế hoạch Cạnh tranh Bắc Mỹ (NACW) và cả NAFTA. 

TPP đại diện cho một thị trường tiềm năng với hơn 800 triệu người, 40% GDP thế giới và 25% tổng thương mại toàn cầu. Không chỉ có thế, TPP còn giúp bảo vệ các đặc quyền trong NAFTA của cả Canada và Mexico. Cụ thể, ngành công nghiệp đường Mexico nhờ tham gia đàm phán TPP mà đã đánh bại được Australia trong vấn đề tiếp cận thị trường đường Mỹ. Mexico đã đảm bảo được quyền xuất khẩu đường sang Mỹ thông qua một hệ thống hạn ngạch phân bổ khoảng 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, các nhà đàm phán của Mexico đã thành công trong việc hạn chế hạn ngạch của Australia xuống còn 65.000 tấn mỗi năm. Đồng thời, TPP mang lại cho cả Mexico và Canada một chỗ đứng tiềm năng ở châu Á trong khi nền thương mại của khu vực này còn đang được xây dựng. 

Hiệp định thương mại “siêu khu vực”

TPP được cho là một hiệp định thương mại “siêu khu vực”, có khả năng tác động tới thương mại toàn cầu và thay đổi các quy tắc thương mại quốc tế. Trong văn bản cuối cùng, các nước đối tác TPP đã thống nhất được một mục tiêu chung là loại bỏ các rào cản thương mại và giảm khoảng 18.000 dòng thuế xuống gần như bằng không. Bên cạnh đó, các quốc gia đang là thành viên của TPP cũng đặt ra một số quy định mới chưa từng có trong bất cứ hiệp định thương mại tự do nào, bao gồm các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các doanh nghiệp nhà nước, lao động và môi trường. Tất cả đều có tiềm năng thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế và thịnh vượng.

TPP sẽ mở ra sáu thị trường mới cho Mexico là Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam, tương đương 155 triệu người. Mặc dù đây không phải là những nền kinh tế lớn, nhưng sự năng động của mỗi một quốc gia lại góp thêm một giá trị nhất định cho hiệp định. Chẳng hạn, Việt Nam là quốc gia TPP duy nhất xếp vào loại thu nhập trung bình thấp, tuy nhiên, sự tham gia của Việt Nam là hợp lý không chỉ bởi quy mô dân số, mà còn bởi sự tăng trưởng kinh tế của nước này, trung bình 7,1% mỗi năm từ năm 2001 đến 2011.

Đối với Canada, TPP cũng mở ra sáu thị trường tương tự, thêm vào đó là thị trường Nhật Bản với 125 triệu người, là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP trị giá 4.601 tỷ USD vào năm 2014. Đặc biệt là mối quan hệ mới và mối tiếp cận ưu tiên mà cả Canada và Mexico sẽ đạt được với Nhật Bản. 

Với Canada, đây sẽ là mối quan hệ thương mại đã được mong chờ từ lâu. Chính phủ mới của Thủ tướng Justin Trudeau đã từng tuyên bố về sự quan tâm đặc biệt trong việc tăng cường quan hệ thương mại với Nhật Bản và xác định Nhật Bản là một thị trường ưu tiên thông qua Kế hoạch Hành động Thị trường toàn cầu mới.

Trong khi đó, với Mexico, tiếp cận Nhật Bản thông qua TPP là cơ hội để củng cố mối quan hệ đã được phát triển đều đặn suốt các năm qua. Xuất khẩu Mexico sang Nhật Bản trong 10 năm qua đã tăng gần gấp đôi, trong khi nhập khẩu tăng 34%.

Canada và Mexico nên tập trung hơn nữa và đánh giá cao hơn mối quan hệ thương mại sâu, rộng sẽ đạt được trong TPP. Một số lĩnh vực có thể có lợi cho Canada và Mexico là thông tin và truyền thông, hàng không, nông nghiệp, thực phẩm chế biến, ô tô, giáo dục, khoa học đời sống, hải sản, lâm sản, gỗ và khai thác mỏ.

ST.