Mọi nước theo sát diễn biến tình hình, có những dự báo có tính khẳng định nhưng cũng có suy nghĩ đầy băn khoăn: Mỹ - Trung đã bắt đầu thật sự cuộc chiến tranh thương mại? Đây là sự tiếp nối những cọ xát buôn bán nhiều năm qua, hay là sự mở đầu những gì đó rất khác? Là biểu hiện cạnh tranh ở tầng chiến lược hay chỉ là sự tranh chấp mang tính chiến thuật?...
Đã biết, kể từ 2005, kim ngạch buôn bán của các nước Đông Á với Trung Quốc đã nhiều hơn kim ngạch của họ với Mỹ. Nhưng giới quân sự Mỹ đã từng cảnh báo rằng việc Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, ở Afghanistan, Iraq từ sau vụ 11/9/2001… là cơ hội cho Trung Quốc “trỗi dậy hoà bình”. Hơn thế nữa, việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc vào WTO từ cuối 2001 đã tạo thời cơ thuận lợi để Trung Quốc tận dụng toàn cầu hoá. Kết cục là từ 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, và từ đó đến nay càng rút ngắn nhanh chóng khoảng cách với Mỹ.
Nhiều chuyên gia đánh giá sự phát triển đó của Trung Quốc là sự thần kỳ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Cùng với đó sức mạnh cứng cũng như sức mạnh mềm của Trung Quốc đều tăng cao. Về phía Mỹ, suốt cả giai đoạn từ nhiệm kỳ II của Tổng thống G.W. Bush (2005) và 8 năm cầm quyền tiếp theo của Tổng thống Obama, đã không vượt qua được khó khăn, mất dần thế “thượng phong đơn cực” có được từ sau Liên Xô sụp đổ. Và họ đang tự nói về các “sai lầm chiến lược” của mình!
Cờ vua hay cờ tướng?
Với Tổng thống Trump, con đại bàng Mỹ đang như sực tỉnh và phản ứng bất thần. Quan hệ Mỹ - Trung trở thành tiêu điểm chứa đầy mâu thuẫn, thấy cả sự nóng vội xen lẫn sự kiềm chế, đổi chác. Chiến tranh trên lời nói có lúc tưởng sẽ bùng nổ (như trong quan hệ Mỹ - Triều) nhưng không mấy ai nghĩ sẽ có xung đột quân sự giữa hai nước.
Nhiều người lo ngại sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung lần này báo hiệu mở đầu một thời kỳ phức tạp mới chứ không là một giai đoạn ngắn. Năm 1949, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời là đồng minh của Liên Xô thời “Chiến tranh Lạnh”; từ cuối những năm 60 đầu 70, đi với Mỹ để “Bốn hiện đại hóa”; từ đầu thế kỷ XXI, thành một trung tâm lớn độc lập trong trật tự đa trung tâm khi thế giới đã trở nên rất tùy thuộc. Thật khó dự báo xác suất nào cho cuộc đọ sức giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc, trong những năm tới. Nhưng chắc chắn là “ngày mai sẽ khác hôm nay”! Bàn cờ cặp đôi Tập Cận Bình/Donald Trump - một bên chơi cờ Tướng, một bên chơi cờ Vua sẽ rất nhiều tình huống gay cấn. Lại nhớ hồi ông Gorbachev lên, có người đã nhận định rằng “ông không phải là lãnh tụ mới của Liên Xô mà là lãnh tụ của một nước Nga mới”.
Chưa bao giờ như hiện nay, vị trí của các quốc gia trong hệ thống các quan hệ quốc tế có thể hình dung như hình thái một “Mạng nhện”. Sự chuyển động của các con nhện to, nhỏ đều làm rung động toàn mạng ở các mức độ khác nhau. Dù các cường quốc vẫn có trọng lượng chi phối nhưng các mối quan hệ quốc tế không còn là một chiều. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho “vạn vật kết nối” thay vì Internet chỉ “kết nối mọi con người”, sẽ càng làm sâu sắc sự tuỳ thuộc giữa các quốc gia về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa…
Và cũng chưa bao giờ, dù là những nước lớn nhất, nếu họ cứ hành động đơn phương chỉ để giành lợi ích riêng cho mình, mà lại không bị chống trả và thiệt hại. Cũng chưa bao giờ trong điều kiện thời bình, các quốc gia trung bình và nhỏ trong khi vừa chịu các tác động mạnh mẽ và trực tiếp của những thay đổi về kinh tế chính trị thế giới như hiện nay, lại vừa có thêm các cơ hội lớn để củng cố độc lập và phát triển của mình vì có nhiều dư địa hơn trước. Đại đa số các nước đang đa dạng hoá, đa phương hoá tối đa có thể mọi mối quan hệ với bên ngoài dù cho các điểm nóng và chính trị cường quyền đang ngăn cản và làm biến dạng tiến trình đó.
Đông Á sẽ ra sao?
Ở Đông Á, bên cạnh diễn biến kịch tính rất khó hiểu được nếu theo lối tư duy cũ về vấn đề Triều Tiên, thì tình hình Biển Đông và sự thay đổi chính sách của các trung tâm quyền lực và ảnh hưởng là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ, Australia đã dẫn đến một trạng thái mới cả trên thực địa cả về đấu tranh chính trị ngoại giao. Hiện tại các quốc gia Đông Nam Á phải suy ngẫm nhiều nhất về địa chính trị, địa kinh tế để thích ứng với một trật tự quốc tế mới đang định hình. Thời nay thiết nghĩ ranh giới giữa cái hợp lý và không hợp lý, giữa thuận lợi và thách thức, giữa độc lập và biệt lập, giữa đối nội và đối ngoại... thật mỏng manh.
Ở Singapore, một quốc gia nhạy cảm nhất trước những thay đổi môi trường chiến lược, đã có cuộc tranh luận gay gắt về lựa chọn chính sách nào với các nước lớn; Tổng thống Philippines Duterte, đang bị thách thức về phương cách quan hệ nào là tốt nhất cho lợi ích của đất nước sau bước điều chỉnh xích gần lại với Trung Quốc vừa qua; Có nước khác hành động quá thực dụng và “nhất biên đảo” như thời chiến tranh Lạnh. Nhưng đa số các nước ASEAN đang rất thận trọng chăm chú nhìn tứ phía để có chính sách phù hợp lợi ích của mình.
Và Việt Nam...
Dư luận bàn nhiều về Việt Nam. Những chủ đề như về “quan hệ chiến lược với Mỹ”; “chính sách cân bằng với các nước lớn, giới hạn và dư địa mới”, về “ASEAN đã là điểm tựa?”, “Hợp tác về Vành đai Con đường”, về “Thoát Trung”, về “Vòng cung Kim cương”… đã được đề cập. Có bàn luận thật giàu lý trí, nhưng cũng có những câu chuyện nặng nhiều cảm xúc.
Thiết nghĩ dù còn nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ Việt Nam có được các điều kiện khả quan như hiện nay để củng cố hơn nữa vị thế là một chủ thể độc lập trong Mạng quan hệ quốc tế. Và câu hỏi thường tình lại đặt ra về cái gì là cần thiết và quyết định nhất cho thành công, câu trả lời cũng là thường tình. Đó là ở tầm nhìn, bản lĩnh và năng lực của con người Việt Nam ta.
Riêng trong ngoại giao, đó là “ứng vạn biến” của Ngoại giao Hồ Chí Minh trong điều kiện mới chưa bao giờ có -Thế giới Mạng-Đa trung tâm với nhiều điểm nóng và thế lực tham vọng đang cản trở.
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến
(Tiêu đề do TG&VN đặt)