TIN LIÊN QUAN | |
Thủy triều đỏ làm chết hàng tấn ngao ở Chile |
Hôm nay (6/5), Tổng thống Chile Michelle Bachelet cam kết sẽ hỗ trợ các ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thủy triều đỏ.
Trước thực trạng hàng nghìn người dân Chile phản đối chính phủ thiếu hành động hiệu quả cũng như hỗ trợ không thỏa đáng cho các ngư dân sau đợt thủy triều đỏ hoành hành mạnh tại vùng Los Lagos, miền Trung Nam Chile, khiến một lượng lớn cá voi, cá hồi và cá mòi chết trong thời gian gần đây. Tổng thống Bachelet khẳng định chính phủ sẽ không bỏ rơi các ngư dân sinh sống trên quần đảo Chiloe - khu vực bị thiệt hại nhiều nhất bởi hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Quần đảo này cũng đã được ban bố “tình trạng khẩn cấp” về thiên tai do thủy triểu đỏ gây nên khiến khối lượng lớn hải sản bị chết.
Hiện tượng thủy triều đỏ đã khiến cho nhiều loài sinh vật sống dưới biển chết hàng loạt. (Nguồn: Wall Street Otc) |
Cho tới nay, Chính phủ Chile đã cấp tạm ứng cho mỗi gia đình ở vùng bị ảnh hưởng 250 USD sau khi ra lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này do lo ngại người tiêu dùng bị ngộ độc hải sản, nguy hại đến tính mạng. Đánh bắt cá hồi là nguồn thu chính của đa số người dân sinh sống tại Chiloe, cách thủ đô Santiago 1.100km về phía Nam.
Bộ trưởng Kinh tế Chile Luis Felipe Céspedes cũng đã làm việc với các nhà chức trách địa phương để bàn biện pháp hỗ trợ ngư dân, những người bị thất thu tới hàng triệu USD mỗi ngày do không được ra biển.
Chile, quốc gia sản xuất cá hồi lớn thứ hai thế giới sau Na Uy, sản xuất mỗi năm khoảng 800.000 tấn và đem về nguồn thu 3,5 tỷ USD. 2/3 các nhà máy chế biến cá hồi Chile được đặt tại Chiloe. Cá hồi Chile được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội sản xuất cá hồi Chile Felipe Sandoval bày tỏ lo ngại tình hình hiện nay sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu năm nay bởi thủy triều đỏ kéo dài suốt 1.000km bờ biển Thái Bình Dương của Chile.
Ước tính từ đầu năm, đã có khoảng 40.000 tấn cá hồi chết tại khu vực Los Lagos, tương đương khoảng 5% sản lượng cá hồi hàng năm của Chile. Tính riêng trong khoảng thời gian này, khoảng 8.000 tấn cá mòi chết trôi dạt vào sông Queule, hàng ngàn tấn ngao chết xuất hiện ở Chiloé. Trong khi đó, tại đảo Santa Maria, số lượng mực chết dạt vào bờ biển cũng lên đến hàng nghìn.
Trong một tuyên bố gửi tới báo giới, Viện Ngư nghiệp Chile IFOP nhận định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các khu vực nuôi thả và ngoài khơi bờ biển Chile là tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino làm tăng nhiệt độ nước biển. Nước biển ấm lên đã thúc đẩy hiện tượng thủy triều đỏ và theo các nhà khoa học, thủy triều đỏ là một hiện tượng phổ biến ở khu vực bờ biển miền Nam Chile, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như hiện tại là chưa từng có trong lịch sử.
Hồi tháng 12/2015, hơn 300 xác cá voi cũng đã bị sóng đánh trôi vào bờ biển một vịnh nhỏ hẻo lánh ở Patagonia ở miền Nam Chile. Đây là hiện tượng cá voi chết hàng loạt lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Theo các nhà khoa học, những con cá voi này đều không bị thương, do đó giả thuyết lớn nhất là chúng đã chết vì một loại virus hoặc do sự bùng nổ của thủy triều đỏ. Cũng có ý kiến cho rằng tình trạng nóng lên của các đại dương đang đe dọa đến nguồn thức ăn và thay đổi lịch trình di trú lâu đời của cá voi.
Trước đó, vào ngày 27/4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Chile cho biết, thủy triều đỏ đã làm hàng ngàn tấn ngao chết tại vùng biển Grande de Cucao thuộc quần đảo Chiloé, cách thủ đô Santiago 1.100km về phía Nam.
Thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên, còn được biết đến với tên gọi "tảo nở hoa", thường xảy ra từ tháng Ba đến tháng Chín hàng năm ở nhiều vùng biển. Khi gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, môi trường, hướng gió... một số loại tảo độc có sẵn trong nước biển sẽ phát triển rất nhanh, dẫn đến sự hình thành thủy triều đỏ. Tùy từng loại tảo mà khi "nở hoa" sẽ làm biến đổi màu nước sang đỏ hoặc vàng xám. Hiện tượng này còn khiến nhiều loài sinh vật sống dưới nước chết hàng loạt, theo con sóng vào bờ gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Hơn nữa, nước biển lại có mùi hôi tanh, khó chịu. Con người tiếp xúc với nước biển có thể bị ngứa và dị ứng. |