Chile đã đưa ra nhiều biện pháp tức thì nhằm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế, xã hội do tác động của đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Pinera cho hay, chính phủ Chile sẽ hỗ trợ 50% lương (với mức cao nhất vào khoảng 317 USD) cho người mới đi làm tại các doanh nghiệp tư nhân trong 6 tháng tới.
Các doanh nghiệp thuê người lao động thuộc 3 nhóm người khó khăn nhất do không có việc làm gồm phụ nữ, giới trẻ và người khuyết tật có thể được chính phủ hỗ trợ 60% lương trong những tháng tới.
Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ lên đến 200 USD tiền lương cho nhân viên trở lại làm việc sau thời gian nghỉ do dịch bệnh. Gói cứu trợ này dự kiến sẽ tạo ra 1 triệu việc làm mới, là giải pháp mới nhất nhằm vực dậy nền kinh tế Chile.
Trước đó, Chile cũng đã đưa ra các biện pháp tức thì nhằm ứng phó với đại dịch như thanh toán nhanh, cung cấp các khoản vay ưu đãi, vay thế chấp...
Lệnh phong tỏa do đại dịch bùng phát đã khiến các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch Chile kiệt quệ, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên 12%, mức cao nhất trong một thập niên qua. Ngân hàng trung ương Chile dự báo kinh tế nước này giảm khoảng 4,5 - 5,5% trong năm 2020.
Tương tự Chile, thị trường việc làm của Nhật Bản cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Ông Hakubun Shimomura, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, vừa đề xuất thực hiện thêm các biện pháp kinh tế bổ sung nhằm hỗ trợ cho thị trường việc làm đang xấu đi vì dịch Covid-19.
Phát biểu trên một chương trình truyền hình ngày 27/9, ông Shimomura nói: “Trong bối cảnh ngày càng nhiều người mất việc làm, việc loại bỏ lo lắng thông qua thực hiện các biện pháp kinh tế bổ sung là nhiệm vụ quan trọng nhất”.
Theo quan chức này, một biện pháp khả thi là mở rộng chương trình hỗ trợ đối với những doanh nghiệp nhỏ và tiểu thương. Đây là biện pháp đặc biệt theo chương trình trợ cấp thay đổi việc làm và chương trình hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Shimomura cũng đề cập khả năng chính phủ sẽ soạn thảo ngân sách bổ sung thứ 3 trong tài khóa 2020 nếu số tiền hiện có trong quỹ dự phòng không đủ.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến ngày 26/9, Hội Thống đốc Quốc gia (NGA) Nhật Bản đã kêu gọi chính phủ tiếp tục chương trình tài trợ cho các chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong và sau tài khóa 2021.
Bên cạnh đó, NGA cũng đề nghị thiết lập một cơ quan trong tổ chức này để xem xét các đề xuất chính sách đối với Chính phủ để thúc đẩy việc số hóa các thủ tục hành chính.