Chính phủ sẽ tập trung tạo thêm việc làm; cải cách tiền lương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng. |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Đặc biệt quan tâm tới an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 5 năm 2023 và tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.
Báo cáo về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả và đã đạt được những thành tựu quan trọng, được Nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề.
Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, đã có 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc. Bên cạnh đó, việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần cũng gia tăng...
Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng
Để khắc phục những vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động. Theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Đẩy mạnh đào tạo và đào lại, chú trọng các chính sách tạo việc làm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động.
Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và hội nhập; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích và hỗ trợ người lao động ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội.
Giám sát hiệu quả các ngành nghề, đơn vị thuê lao động phi chính thức trong việc bảo đảm an toàn lao động và các điều kiện làm việc tối thiểu.
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, "kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Nâng cao "sức khỏe" doanh nghiệp để cải thiện việc làm cho người lao động
Trả lời chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) về định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề lao động mất việc làm, Phó Thủ tướng cho biết, những tháng đầu năm 2023 đã xảy ra hiện tượng người lao động tại những thành phố lớn, khu công nghiệp bị mất việc, giảm việc.
Như báo cáo giải trình của Chính phủ đã đề cập: Số lao động bị ảnh hưởng khoảng 510.000 người, trong đó mất việc, thôi việc khoảng 279.000 người và số lao động giảm giờ làm là khoảng 195.000 người,…
Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tình huống này trong điều kiện tốt nhất.
Trước tiên là các giải pháp để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, hoạt động có hiệu quả. Cải thiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp thì việc làm của các công nhân sẽ đáp ứng được và sẽ xử lý được tình huống giảm việc.
Thứ hai, căn cứ quy định của Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện hỗ trợ cho người lao động qua các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế,…
Thứ ba, tăng cường kết nối cung cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm nhất là qua những sàn giao dịch việc làm ở các địa phương để người lao động có được đầy đủ các thông tin, chuyển dịch vị trí lao động phù hợp nhất.
Thứ tư, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương và các ngành nắm bắt kịp thời để ngăn chặn tình trạng lôi kéo, kích động bằng những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới việc làm cũng như ảnh hưởng tới hành vi của người lao động như việc rút bảo hiểm một lần...
| Cần tạo 'vaccine số' cho trẻ em trên mạng xã hội Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương Binh ... |
| Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong đại biểu ủng hộ việc tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đưa ra ý kiến tại cuộc họp phiên toàn thế lần thứ 5 ... |
| Không nên chỉ đo lường năng lực, giá trị của trẻ qua điểm số, thành tích Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, việc phụ huynh quá vui sướng với điểm số ở trường của con cho thấy, bản ... |
| Tháng hành động vì trẻ em: Cùng xây những 'ngôi trường hạnh phúc' cho con trẻ Tháng hành động vì trẻ em, chúng ta muốn hướng đến là xây nên những 'ngôi trường hạnh phúc' cho con trẻ. Muốn vậy, trẻ ... |