Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Châu/TGVN) |
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Theo ông, hội nhập ASEAN trong 20 năm qua là cuộc tập dượt quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới. Việc Chính phủ đi đầu về hội nhập đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội nhập thành công. Còn trong mấy năm gần đây, Chính phủ cũng đã đi đầu và đi nhanh hơn các nước láng giềng từ 5-7 năm trong đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do. Và hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở điểm giao thoa và có từ 5-7 năm để chuẩn bị thích ứng với sự chuyển dịch về các chuỗi sản xuất trên thế giới. Các Hiệp định Thương mại tự do mở đường tái cấu trúc nền kinh tế và tạo ra hàng chục triệu việc làm trong tương lai. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra một làn sóng đổi mới thứ 2 khi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp hội nhập.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã báo cáo Thủ tướng về tình hình chuẩn bị hội nhập của các doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Châu/TGVN) |
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất lạc quan về các Hiệp định thương mại tự do mới và luôn ủng hộ Chính phủ trong các chương trình mở cửa và hội nhập. Tuy nhiên, họ hiểu về các Hiệp định này chưa thấu và chưa có sự chuẩn bị sâu. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi các doanh nghiệp thiếu thông tin về hội nhập. Dù các thông tin, văn bản về các Hiệp định được đăng tải rộng rãi nhưng ngôn ngữ trong đó quá phức tạp, hàn lâm, gây khó hiểu cho các doanh nghiệp. Các thông tin từ hội thảo chung chung, sơ sài, không đi vào nội dung cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm. Thêm vào đó, họ cũng thiếu một đầu mối giải đáp những vướng mắc về hội nhập.Trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân kinh doanh, làm ăn, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm qua cũng là bước ngoặt lớn về hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định Thương mại tự do, đưa Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua hội nhập, doanh nghiệp đã có bước trưởng thành lớn và nhà nước hoàn thiện thể chế luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của quốc gia cũng như doanh nghiệp là sức cạnh tranh còn yếu, trong khi đó, mục tiêu của 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Minh Châu/TGVN). |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cho đến giờ này không còn cách nào khác là nhà nước và doanh nghiệp cùng phải phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh để hội nhập thành công. Thủ tướng nêu rõ, để có một đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác doanh nghiệp phải là người đi đầu thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, còn nhà nước chỉ có thể mở thêm thị trường, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục tập hợp mọi kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để Chính phủ có thể ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và hội nhập thành công.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường ASEAN đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, ASEAN chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. ASEAN cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam và là thị trường đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với 60% trong tổng số 15 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành sẽ thiết lập một thị trường chung, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển của các nước thành viên và tạo điều kiện để ASEAN hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng ASEAN cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường nội khối với hơn 600 triệu dân và GDP năm 2015 ước đạt xấp xỉ 3000 tỷ USD. |
PV.