📞

Chính sách của Đức thời hậu Merkel: Quan tâm với Mỹ, thực dụng với Nga và Trung Quốc?

Bình An 13:45 | 24/05/2021
Chính sách đối ngoại của Đức trong tương lai, đặc biệt với Nga, Trung Quốc và Mỹ, sẽ tiếp nối đường lối của Thủ tướng Angela Merkel hay là một hướng đi mới?
Bà Annalena Baerbock, ứng cử viên hàng đầu của đảng Xanh và lãnh đạo đảng CDU Armin Laschet. (Nguồn: Sueddeutsche)

Lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) Armin Laschet, ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, được cho là sẽ duy trì đường lối ngoại giao của người tiền nhiệm.

Quan điểm của các ứng cử viên tiềm năng

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hôm 19/5, ông Laschet, Chủ tịch CDU-Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, cho biết sẽ duy trì lập trường của bà Merkel trong việc chỉ trích Trung Quốc và Nga về nhân quyền và các hành vi vi phạm khác mà không phải hy sinh lợi ích kinh tế của nước Đức.

Tháng 4 vừa qua, ông Laschet đã được xác nhận là ứng cử viên thủ tướng Đức của liên minh CDU/CSU (Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo) sau khi đối thủ của ông - Chủ tịch CSU bảo thủ Markus Söder rút lui.

Cuộc bầu cử liên bang năm nay của Đức dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 26/9 tới. Nếu CDU đạt được kết quả tốt và một liên minh của lực lượng này được thành lập, ông Laschet có thể trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Xanh hiện đang dẫn đầu.

Trong bài phát biểu hôm 19/5 tại một sự kiện ở Konrad Adenauer Stiftung, khu vực cử tri liên kết với đảng CDU, ông Laschet đã mô tả Trung Quốc là “đối tác và đối thủ cạnh tranh”, đồng thời nhấn mạnh “các mối quan hệ kinh tế có liên quan nhiều đến chúng ta” và sự khác biệt khi nói đến “các vấn đề xã hội và con người”.

Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi ứng cử viên tiềm năng của CDU cho biết, ông ủng hộ quan điểm của bà Merkel về thỏa thuận đầu tư gây tranh cãi giữa EU và Trung Quốc (CAI) mà Ủy ban châu Âu vừa tạm hoãn việc phê chuẩn. Ông Laschet tuyên bố nếu trở thành thủ tướng, ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn.

Ông Laschet, nhân vật mà một số nhà chỉ trích coi là người theo chủ nghĩa Russlandversteher, kêu gọi cách tiếp cận thực dụng đối với Nga, mà theo ông có thể được coi là “đối tác” của Liên minh châu Âu (EU) trong một số bối cảnh nhất định.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết “sẽ không thay đổi gì” về chính sách của chính phủ hiện nay đối với Moscow. Ông Laschet khẳng định: "Nếu các quy tắc quốc tế bị vi phạm, Nga phải được chỉ ra đâu là ranh giới”.

Khi được hỏi về đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 đưa khí đốt của Nga sang Tây Âu vốn đang gây nhiều tranh cãi, ông Laschet cho rằng, chính phủ của bà Merkel “đang đi đúng hướng”, đồng thời nhắc lại lập trường của ông rằng, “đây là một dự án thương mại” và Đức sẽ cần khí đốt để làm cầu nối cho quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.

Trước đó, bà Annalena Baerbock, ứng cử viên hàng đầu của đảng Xanh và cũng là đối thủ chính của ông Laschet theo kết quả thăm dò dư luận, tuyên bố bà muốn thấy Dòng chảy phương Bắc 2 bị hủy bỏ vì nó làm suy yếu các lệnh trừng phạt chống Nga và đe dọa môi trường.

Dòng chảy phương Bắc 2, đưa khí đốt của Nga sang Tây Âu, là một trong những vấn đề nóng trong bầu cử Đức năm nay. (Nguồn: Politico)

Khi được hỏi điều này liệu có ý nghĩa gì đối với một liên minh Xanh-Đen tiềm năng sau bầu cử, ông Laschet trả lời: “Nếu bà ấy muốn bảo vệ Ukraine về mặt chiến lược, tôi sẽ đồng ý với bà ấy". Tuy nhiên, ông Laschet không cho biết, liệu có sẵn sàng từ bỏ Dòng chảy phương Bắc 2 hay không.

Khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Nga, hai ứng cử viên có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi bà Baerbock được nhiều người cho là sẽ mang lại sự thay đổi với chiều hướng tích cực trong giọng điệu khi đề cập các vấn đề liên quan Bắc Kinh và Moscow, thì ông Laschet dường như vẫn muốn duy trì đường lối hiện tại, vì cho rằng, “vị trí của châu Âu là đứng cùng chiến tuyến với Mỹ và Canada”.

Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương

Cho đến nay, cả bà Baerbock và ông Laschet đều bày tỏ quan tâm đến mối liên kết với Mỹ cũng như cam kết của họ với châu Âu và NATO.

Tuy nhiên, trong khi ông Laschet tán thành cam kết của Đức sẽ dành 2% GDP cho quốc phòng, thì bà Baerbock lại cho rằng, mục tiêu chi tiêu của NATO là “ý tưởng quá hiện đại và mới”.

Trong một sự chuyển hướng sang ứng cử viên đảng Xanh, ông Laschet khẳng định, mọi người đều trông đợi “bất cứ ai phấn đấu cho chức vụ cao nhất trong chính phủ Đức” sẽ thực hiện cam kết đó.

Ý tưởng mới mà ông Laschet đưa ra trong bài phát biểu của mình là thúc đẩy thành lập Hội đồng an ninh quốc gia Đức, một bước mà ông sẽ ưu tiên trong năm đầu tiên cầm quyền. Ý tưởng này đang gây tranh cãi ở Đức vì quá trình ra quyết định về các vấn đề an ninh và quốc phòng của nước này, so với các quốc gia khác có các cơ quan tương tư, được phân cấp cho nhiều cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, ông Laschet cũng mong đợi những suy nghĩ và hành động mang tính chiến lược hơn từ EU. Theo ông Laschet, châu Âu phải trở thành một thế lực có khả năng chi phối đời sống chính trị toàn cầu”, mà bước đầu tiên sẽ là chuyển sang cơ chế bỏ phiếu về chính sách đối ngoại theo quy tắc đa số phiếu đủ điều kiện.

Tuy nhiên, trong khi vẫn mơ hồ về cách thức phát triển chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Laschet vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của “một mối quan hệ mới với Anh, bao gồm cả các vấn đề an ninh” thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào việc đổi mới quan hệ Pháp-Đức.

Đồng thời, ông Laschet cũng lên tiếng kêu gọi ủng hộ một “trung tâm chính sách đối ngoại châu Âu” từ các thành viên EU, những người muốn hình thành trung tâm chính sách đối ngoại chung của châu Âu trên cơ sở tự nguyện. Theo ông, nhóm này có thể xây dựng dựa trên sự hợp tác Đức-Pháp như cam kết trong Hiệp ước Aachen và giải quyết các vấn đề về vũ khí, cùng chính sách quân sự.

(theo Euractiv)