📞

Chính sách giáo dục nào có hiệu lực từ tháng 1/2023?

17:44 | 03/01/2023
Tăng thu nhập cho giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh là một trong những chính sách giáo dục đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 1/2023.
Những chính sách liên quan giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2023. (Ảnh: Mỹ Huệ)

Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

Ngày 5/12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đáng chú ý, quy định mới đã bổ sung đối tượng áp dụng của Thông tư này:

Giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập;

Giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật;

Giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ 20/1/2023.

Tăng thu nhập cho giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh

Từ ngày 1/1/2023, Nghị quyết về quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 của HĐND TP. Hồ Chí Minh chính thức có hiệu lực.

Theo đó, trong năm 2023, giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ theo Điều 1 Nghị quyết 27 năm 2022 của HĐND TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo Nghị quyết này, HĐND TP thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018 trong năm 2023 đến hết thời gian thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14.

Tiêu chuẩn thư viện trường mầm non, phổ thông

Ngày 22/11/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT, quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Thông tư quy định các tiêu chuẩn cụ thể của thư viện theo 2 mức độ (mức độ 1, mức độ 2) với các nội dung về: tài nguyên thông tin; cơ sở vật chất; thiết bị chuyên dùng; hoạt động thư viện; quản lý thư viện.

Cơ quan quản lý giáo dục sẽ đánh giá và công nhận thư viện trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (gồm Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT).

Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư là quy định về liên thông thư viện.

Theo đó, liên thông thư viện giữa các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THCS) được thực hiện cùng cấp học trên cùng địa bàn cấp huyện; giữa các trường với thư viện cấp xã, huyện trên cùng địa bàn;

Việc liên thông thư viện giữa các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT) được thực hiện cùng cấp học trên cùng địa bàn cấp huyện, tỉnh; giữa các trường với thư viện cấp huyện, tỉnh trên cùng địa bàn;

Phải bảo đảm về hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm cũng như sự tương thích của hạ tầng để có thể liên thông với các thư viện cơ sở giáo dục khác mà không giới hạn không gian.

Các thư viện tham gia liên thông trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên cho nhóm dùng chung; hợp tác có thỏa thuận giữa các thư viện bảo đảm thống nhất quy trình khai thác, được quản lý bằng các phần mềm, có thể truy cập được bằng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác; các thư viện trên địa bàn khác nhau có thể thỏa thuận tham gia liên thông bằng hình thức chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin số.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 7/1/2023.

(theo Vietnamnet)