Thực ra không phải chờ đến khi Phương Nam Phim mua bản quyền của Victor Entertainment (Nhật Bản) và phát hành 13 đĩa nhạc của Đặng Thái Sơn thì nhạc cổ điển mới xuất hiện một cách chính thức (và hợp pháp) trên các kệ đĩa. 2 album của Đặng Thái Sơn đã từng được Trung tâm sản xuất Băng đĩa nhạc - Nhạc viện Hà Nội phát hành (có bản quyền) nhưng rất ít người biết đến và 2 đĩa nhạc lẻ loi ấy nằm lẫn lộn giữa vô vàn các loại “nhạc thị trường” khác, người có nhã ý đi tìm mua cũng chẳng biết đâu mà lần.
Nêu một thí dụ nhân trường hợp Đặng Thái Sơn để thấy ít nhất cho tới thời điểm này, việc coi nhạc cổ điển là một sản phẩm âm nhạc có thể kinh doanh được là điều mà giới sản xuất âm nhạc chính thống còn chưa nghĩ đến một cách nghiêm túc. Trong khi đó, thị trường băng đĩa lậu đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi tầng lớp có quan tâm ít nhiều đến dòng nhạc được cho là kén người nghe kia, từ các đĩa nhạc “phổ thông” dành cho người tập tọng nghe, đến các tác phẩm kinh điển hay thử nghiệm nặng “đô”, không thiếu thứ gì.
Trước một triển vọng thị trường mong manh như thế, việc Phương Nam Phim mua bản quyền cả đĩa và sách Đặng Thái Sơn, số tiền mua bản quyền nghe nói không dưới 10.000 USD, chưa kể số “phần trăm” trên mỗi CD bán ra, không hề thấp, lại còn kèm theo cả chi phí tổ chức một buổi biểu diễn ở Tp.HCM, có thể coi là “liều”, nhưng mang đúng chất thị trường hơn cả, bởi rõ ràng do một đơn vị kinh doanh sản phẩm văn hóa thực hiện. Vụ kinh doanh này có thể thắng hay thua, chưa ai biết, nhưng chắc chắn nó đánh dấu việc âm nhạc cổ điển tham gia thị trường âm nhạc chính thống, hợp pháp một cách đàng hoàng, sòng phẳng.
Từ đây nhìn lại cả một “thị trường” nhạc cổ điển ở Việt Nam (cứ cho là đã có một thị trường như thế) sẽ thấy, dù chúng ta có những nhạc viện tầm cỡ khu vực, tài năng âm nhạc hàn lâm đẳng cấp vượt ra ngoài biên giới quốc gia cũng không phải quá hiếm, nhưng đi cùng với niềm tự hào ấy là một thị trường vô cùng nhỏ bé và nghèo nàn cho cả lĩnh vực biểu diễn và ghi âm.
Những băng nhạc với các tiểu phẩm, trích đoạn cổ điển do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn được Dihavina phát hành với bìa cực xấu rõ ràng không phải nhắm tới mục tiêu kinh doanh; đĩa nhạc Chuyện ngày xưa, album đầu tiên có Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ghi âm cùng giọng hát Lê Dung với một tác phẩm giao hưởng của Hoàng Lương (không kể các trường hợp thu cho đài phát thanh, truyền hình...) ra đời được là nhờ đơn đặt hàng của một đại sứ quán nước ngoài, có tính ngoại giao, quà tặng là chính. Một vài trường hợp lẻ tẻ khác, như các buổi biểu diễn của Lê Dung, Quang Thọ... được ghi âm và phát hành một cách dè dặt, có tính chất hồi cố nhiều hơn là kinh doanh.
Như vậy khi không có nhạc cổ điển mác “nội” chất lượng cao để tham gia thị trường, thì có lẽ việc nhập khẩu là giải pháp tốt, bởi ai cũng hiểu với nhạc cổ điển chỉ có vài cường quốc chi phối toàn bộ thị trường thế giới, với các trường hợp tài năng đơn lẻ thì khi đã đến đẳng cấp quốc tế thì việc gắn anh/chị nghệ sĩ ấy với một quốc tịch nào không còn là việc cần thiết nữa, bởi họ biểu diễn chung một dòng nhạc, các khái niệm “dân tộc tính” áp vào giới biểu diễn nhạc cổ điển chỉ là gán ghép chủ quan.
Việc “nhập khẩu” chứng tỏ có hiệu quả, ở một mức nào đó, trên thị trường biểu diễn. Khi các nghệ sĩ, các dàn nhạc quốc tế đến biểu diễn ở Việt Nam, chuyện “cháy vé” vẫn thường xảy ra, dù giá vé không rẻ. Nhưng có “cháy” đến đâu thì chắc chắn không thể lãi được về tài chính, dù lãi tinh thần thì tha hồ.
Phần lớn các nghệ sĩ ấy đến do được tài trợ từ các chương trình hợp tác trao đổi văn hóa hay các nhà tài trợ cỡ bự khác (như trường hợp các buổi hòa nhạc Hennessy). Và việc vé bán nhanh phần lớn nhờ vào đối tượng khách không thường xuyên, là người nước ngoài. Còn các buổi biểu diễn nhạc cổ điển “của Việt Nam” thì nếu không có kinh phí nhà nước rót hoặc hỗ trợ của một cơ quan văn hóa nước ngoài nào đó, sẽ rất khó mà diễn ra. Có diễn thì vé mời vẫn là chính.
Còn nhập khẩu băng đĩa, tính cả việc nhập trực tiếp và bán lại, với mua bản quyền và in ấn trong nước, thì vấp ngay phải một “thế lực” hung hãn ngăn cản là băng đĩa lậu, vấn nạn chung cho mọi loại hình băng đĩa nhạc. Người sản xuất có thể tự tin cho rằng khán giả của nhạc cổ điển thường là tầng lớp trí thức - tức là có ý thức tiêu dùng tốt, trung lưu trở lên- tức là có khả năng chi tiêu tốt và nhu cầu sở hữu sản phẩm chất lượng cao... nhưng tất cả chỉ là chủ quan.
Ở một nơi băng đĩa lậu chiếm tới hơn 90% và thói quen xài hàng lậu, xài “chùa” phổ biến ở mọi tầng lớp, thì những hy vọng “đẳng cấp” là rất mong manh. Giá bán lẻ một CD Đặng Thái Sơn của Phương Nam Phim vào khoảng trên dưới 80.000đ, so với khu vực và thế giới là... cực kỳ rẻ, nhưng cũng chẳng thể đoán được người yêu nhạc cổ điển Việt Nam sẽ đón nhận sự “rẻ” đó như thế nào.
Một thị trường mà mọi dự đoán, mọi thăm dò đều dẫn về mấy chữ “chẳng biết thế nào” thì tương lai của nó chỉ có thể xác định được bằng hai chữ “bao giờ”. Bao giờ nhạc cổ điển thực sự ra được “chợ” như một sản phẩm đàng hoàng, thay vì chỉ bày trong tủ kính lung linh xa cách là điều mà bản thân người có khả năng làm ra sản phẩm cũng không thể trả lời được, ấy là một nghịch lý thị trường. Nhưng cứ thử coi 13 album Đặng Thái Sơn phát hành ngày 2/5/2008 là “đội tiên phong”, biết đâu ngày này lại chẳng đi vào... lịch sử phát triển của âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam?
Theo Thể Thao Văn Hóa