TIN LIÊN QUAN | |
Smartphone đầu tiên đạt chuẩn giải trí cao cấp nhất | |
Trò chơi trực tuyến trên di động nhận giải thưởng nghìn USD gây sốt |
Trò chơi điện tử (game) là một ngành công nghiệp đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2017, riêng ở Mỹ, doanh thu của ngành công nghiệp non trẻ này đã đạt con số kỷ lục 36 tỷ USD.
Với những tựa game lôi cuốn người chơi và mang tính giải trí cao, hiện nay trò chơi điện tử còn được coi là một môn thể thao với những giải đấu game được tổ chức chuyên nghiệp, thu hút hàng triệu người xem toàn cầu.
Từ việc tự lập trình game, phát trực tiếp chơi game trên mạng, cho tới việc thi đấu game chuyên nghiệp trong những sân vận động chật kín người, đây là cách những người trẻ tuổi có thể chỉ ngồi một chỗ và kiếm được rất nhiều tiền.
Quang cảnh một giải đấu eSport của tựa game Dota 2. (Nguồn: Flickr) |
Tự lập trình và bán game
Ngày nay, nhờ những nền tảng bán ứng dụng như App Store, Steam hay Roblox, bất cứ ai với một ý tưởng mới mẻ và biết cách lập trình game đều có thể dễ dàng tiếp cận thị trường với hơn 1 tỷ khách hàng.
Alex Balfanz là một sinh viên 18 tuổi tại Đại học Duke, Mỹ. Hàng ngày cậu vẫn lên lớp và làm bài tập được giao đầy đủ. Cũng giống như hàng loạt sinh viên bằng tuổi, Alex bỏ ra vài giờ mỗi ngày và cuối tuần còn nhiều thời gian hơn, dành cho trò chơi điện tử. Nhưng Alex không chỉ chơi game mà cậu còn là một nhà lập trình game, và kiếm được rất nhiều tiền từ đó. Tựa game có tên Jailbreak của Alex đã chính thức phát hành từ 10 tháng trước và thu về hơn 1 triệu USD.
Tuy rằng công nghệ và môi trường để tiếp cận với lượng người tiêu dùng khổng lồ này mới chỉ xuất hiện khoảng một thập kỷ, nhưng tinh thần “tự làm, tự bán” của những nhà phát triển ứng dụng trẻ độc lập là không có gì mới: nó không hề khác mấy so với những ngôi sao nhạc rock bắt đầu sự nghiệp âm nhạc trong garage nhà của họ hồi những năm 1970 hay các đạo diễn đầy tham vọng quay những bộ phim độc lập với máy quay VHS từ những năm 1980. Đó là điều thường thấy ở giới trẻ trong những ngành công nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo. Không chỉ làm game giải trí, rất nhiều nhà phát triển trẻ đã dùng game của mình để thúc đẩy những ý tưởng nhằm cải thiện xã hội. Những tựa game “nghiêm túc” động tới các vấn đề như xã hội, văn hóa, chính trị, thậm chí là giúp chữa những căn bệnh tâm lý...
Từ khi tựa game độc lập Flappy Bird trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới, đạt được thành công bất ngờ chỉ sau một đêm, thị trường game độc lập bây giờ trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ý tưởng có thể thành công trong lĩnh vực này sẽ thúc đẩy những giấc mơ làm giàu của giới trẻ.
Game độc lập Flappy Bird. |
Chơi game cho người khác xem
Một cách kiếm tiền khá mới lạ, đó là việc ngồi nhà chơi điện tử, và thu hút những người lạ trên Internet để xem mình chơi. Những video thể loại này có tên gọi là “Let’s Play”, trong đó những cá nhân trong video sẽ quay cảnh bản thân vừa chơi game và vừa đưa ra những bình luận mang đậm cá tính riêng. Xu hướng của “Let’s Play” mới đầu xuất hiện trên YouTube, sau đó trở nên phổ biến tới mức Twitch - một nền tảng được xây dựng dành riêng cho các “streamer” (người phát trực tuyến cảnh mình chơi game) trở thành một trong những trang web nổi tiếng nhất Internet và được Amazon mua lại trong năm 2014 với giá gần 1 tỷ USD.
Trở thành “streamer” trên Twitch không phải là điều đơn giản khi bạn phải có kỹ năng kinh doanh, cá tính mạnh và sẵn sàng chịu được hậu quả. Khi có một kênh trên Twitch với lượt người đăng ký ổn định, các “streamer” sẽ được ăn chia lợi nhuận qua quảng cảo với Twitch, hoặc nhận được những hợp đồng quảng cáo từ các công ty khác. Nhưng với một số “streamer” mới vào nghề và chưa đủ người đăng ký kênh, họ sẽ tìm đến người xem để xin tiền quyên góp.
Giống như việc lập trình game, bản chất tập trung vào cộng đồng của nghề “streamer” cũng được sử dụng vào việc tốt. Vào Giáng sinh năm ngoái, một “streamer” có biệt danh Valkyrae đã quyên góp được 8.700 USD chỉ trong 6 giờ đồng hồ cho một khán giả kênh của cô, một bệnh nhân nhí đang điều trị ung thư tại Bệnh Viện Nhi St.Jude.
Thi đấu chuyên nghiệp
Nhưng có lẽ con đường tham vọng và khó khăn nhất để đi tới thành công chính là trở thành một game thủ chuyên nghiệp. Đa số đều là những thanh niên còn rất trẻ, chỉ trong độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn và thi đấu trong các giải thể thao điện tử (eSports) được tổ chức có quy mô lớn và chuyên nghiệp, với phần thưởng có thể lên đến hàng triệu USD. Thậm chí, năm 2017 Hội đồng Ủy ban Olympic Châu Á (OCA) đã công nhận eSports là một bộ môn thể thao chính thống. Theo đó, tại Đại hội Thể thao Châu Á (Asian Games) 2018 được tổ chức tại Jakarta (Indonesia), thể thao điện tử sẽ được thi đấu như một bộ môn thử nghiệm không có huy chương. Kể từ Á vận hội 2022, eSports sẽ được đưa vào thi đấu chính thức.
Esports đã trở nên phổ biến đến mức các trường đại học thậm chí còn tổ chức các khóa học để đào tạo sinh viên trở thành một game thủ chuyên nghiệp.
Sumail Hassan, game thủ chuyên nghiệp người Pakistan, hiện mới chỉ 19 tuổi, là game thủ trẻ nhất trên thế giới giành được 1 triệu USD tiền giải thưởng trong các cuộc thi eSports. Hassan đã kiếm được tổng cộng hơn 2,5 triệu USD nhờ chơi Dota, một trò chơi trực tuyến khá nổi tiếng và là một trong những game thi đấu chính thức của eSports. Hassan gọi việc chơi game của mình là một “công việc chính thức”.
Cho dù là tham gia thi đấu chuyên nghiệp, kiếm tiền từ làm “streamer” hay lập trình game độc lập, thì “nghề” này cũng khá chông gai bởi không phải ai cũng có thể trở thành lập trình viên tại các hãng phát triển game lớn như Ubisoft, EA, hoặc trở thành nhà vô địch World of Warcraft, hoặc “streamer” có hàng triệu lượt theo dõi trên Twitch. Nhưng đó không phải là điều đáng buồn, bởi khi ngành công nghiệp game ngày càng phát triển, cơ hội về những việc làm mới lạ và hỗ trợ cho chúng sẽ càng mở ra rộng rãi hơn. Dù sao thì, được chơi game mà vẫn kiếm ra tiền, đó chả phải là ước mơ của giới trẻ hay sao?
Cụ bà 82 tuổi lập trình game cho iPhone Trong kỷ nguyên internet, việc ngừng học hỏi sẽ kéo theo những hệ lụy đối với cuộc sống thường ngày. Để duy trì sự nhanh ... |
Trung Quốc lo bệnh nghiện game phá hủy sức mạnh quân đội Quân đội Trung Quốc đã gọi tình trạng nghiện game online phổ biến ở nhiều binh sĩ nước này có thể là mối đe dọa ... |
Người già Nhật chuộng game Không riêng gì giới trẻ, nhiều người cao tuổi Nhật Bản cũng bắt đầu tìm đến các trung tâm trò chơi để giải trí và ... |