📞

Chọn cách “chơi” với Trung Quốc

14:00 | 10/02/2016
Nhằm "tái cân bằng" với sự suy giảm kinh tế, Trung Quốc đang vươn mạnh ra bên ngoài thông qua hàng loạt sáng kiến hợp tác kinh tế và tài chính đa phương.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Năm 2015 trôi qua với nhiều gam màu trầm trong bức tranh kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng xoay quanh mục tiêu 7%, khu vực sản xuất tiếp tục suy giảm mạnh do tác động của chính sách tái cơ cấu của Chính phủ. Những vấn đề căn bản nhất của nền kinh tế Trung Quốc chưa được giải quyết, thị trường bất động sản đóng băng làm liên lụy toàn bộ hệ thống sản xuất công nghiệp và ngân hàng trong khi Chính phủ vẫn chưa có phương án hiệu quả để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và địa phương.

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc vươn mạnh ra bên ngoài thông qua hàng loạt sáng kiến hợp tác kinh tế và tài chính đa phương được coi là một biện pháp "tái cân bằng" với sự suy giảm kinh tế trong nước, góp phần giúp thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc thúc đẩy cải cách đang đi vào "vùng nước sâu, nước xoáy". Là quốc gia láng giềng, dù muốn hay không Việt Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng, tuy nhiên, ảnh hưởng không có nghĩa là phụ thuộc. 

Tính toán trong "cuộc chơi" đa phương

Tháng 9/2013, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du đến Indonesia đã nhấn mạnh một "cộng đồng Trung Quốc - ASEAN khăng khít với vận mệnh chung", cùng với đó đề xuất một "quan hệ đối tác hàng hải" trong nỗ lực nhằm xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Những hỗ trợ tài chính cần thiết sẽ do các thể chế tài chính do Trung Quốc dẫn đầu cung cấp. Trong đó đáng chú ý nhất là Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Nhiệm vụ của hai định chế này là sử dụng các công cụ tài chính để tạo nên các "quan hệ đối tác liên kết".

Đến cuối tháng 3/2015, AIIB được các nhà quan sát đánh giá là một thành công trong cuộc chơi đa phương do Trung Quốc dẫn dắt. Chỉ dấu được nhắc đến nhiều nhất là sự tham gia "rầm rộ" của 57 nước (trong đó 35 quốc gia là quốc gia sáng lập). AIIB có số vốn ban đầu 100 tỷ USD, trong đó các nước châu Á đóng góp 75 tỷ USD.

Không lâu sau, đến tháng 7/2015, cùng nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khác, Trung Quốc lập nên Ngân hàng phát triển mới (NDB) với số vốn ban đầu 50 tỷ USD được chia đều cho năm thành viên và mỗi nước đều có quyền bỏ phiếu như nhau. Trên website chính thức của NDB có ghi rằng "định chế tài chính này được thành lập như một sự thay thế đối với sự tồn tại của WB và IMF được dẫn dắt bởi Mỹ".

TS. Phạm Sỹ Thành

Tôi cho rằng, sự xuất hiện của AIIB và NDB là cách thức để Trung Quốc xác lập vị thế cường quốc mới của mình trong trật tự thế giới hiện có. Ở thời điểm này, dù từ góc độ nào, Trung Quốc đã có một sự tích lũy và một bước tiến dài về năng lực/sức mạnh. Nhưng để có thể có tầm ảnh hưởng, sức mạnh của Trung Quốc phải được thể chế hóa - tức là ràng buộc bởi luật lệ.

Về cơ bản, có ba cách để Trung Quốc "phản ứng" với trật tự/luật lệ hiện thời: (i) chấp nhận hoàn toàn luật chơi hiện có - như những gì đang làm với WTO, IMF, ADB; (ii) tạo ra một hệ thống mô phỏng để điều chỉnh luật chơi trong hệ thống đó cho phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và thu hút các quốc gia khỏi hệ thống hiện có; (iii) không chấp nhận các luật chơi hiện thời và tạo ra một hệ thống luật mới theo kiểu diễn giải của Trung Quốc. Sự xuất hiện của AIIB và NDB cho thấy Trung Quốc đang tiếp cận theo cách xây dựng một hệ thống mô phỏng với trật tự hiện thời của phương Tây (AIIB so với WB và ADB; NDB so với IMF).

Tuy nhiên, bản thân hệ thống mô phỏng cũng có nhiều nhược điểm: Dựa trên các mẫu hình sẵn có, do đó không mang tính mới và chưa có đủ thời gian để kiểm chứng mức độ vượt trội so với hệ thống hiện thời; sự quan tâm của các thành viên; và các quốc gia thành viên không theo đuổi cùng hệ giá trị.

Ảnh hưởng không có nghĩa là phụ thuộc

Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" do Trung Quốc công bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 nhằm hướng đến kết nối một vùng không gian địa lý xuyên Âu-Á. Lấy Trung Quốc ở vị trí trung tâm, nó liên kết với các khu vực lân cận, bao gồm Trung Á, khu Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, và cuối cùng là thị trường châu Âu.

Vào tháng 3/2015, với sự cấp phép của Hội đồng quốc gia Trung Quốc, sách trắng về Một vành đai, Một con đường (OBOR) do Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc cùng đứng tên được ban hành. Văn kiện phác họa tầm nhìn và các hành động tương lai về OBOR, cũng như các ưu tiên và các cơ chế hợp tác. Nhằm phối hợp tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan tới OBOR, Nhóm Lãnh đạo Trung ương đã được thành lập vào đầu 2015, do Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ chịu trách nhiệm. Điều này khiến OBOR trở thành một trong những tầm nhìn chính trị đầy tham vọng, trong đó nhấn mạnh ba đặc tính chủ chốt: (i) tính toàn diện của sáng kiến và cơ hội hợp tác cùng thắng cho các quốc gia tham gia; (ii) tính toàn cầu của OBOR, bao gồm nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi và (iii) tính kết nối thông qua một mạng lưới thông suốt về kinh tế và chính trị dùng để đẩy mạnh sự liên kết giữa các quốc gia dọc Con đường tơ lụa.

Bản chất của Một vành đai, Một con đường trước hết là một siêu dự án về cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ đặt ra một số thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải xử lý tốt để hóa giải khó khăn, tận dụng được thời cơ đồng thời tránh gia tăng phụ thuộc vào một đối tác kinh tế.

Thứ nhất, những khác biệt trong ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước và kết nối với cơ sở hạ tầng khu vực đòi hỏi Việt Nam có những ưu tiên phân bổ vốn hợp lý.

Thứ hai, trong cơ cấu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam chỉ cần 53% vốn để xây mới, trong khi đó cần tới 47% để duy trì, bảo dưỡng và vận hành các cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này cho thấy, Việt Nam đứng trước áp lực của việc cân đối tài chính cho các dự án xây mới và các dự án hiện có.

Thứ ba, sự hình thành của các đòn bẩy cơ sở hạ tầng và những tác động tích cực, cũng như tiêu cực của nó. Câu hỏi đặt ra là tích cực cho ai, và các hệ quả tiêu cực sẽ đẩy về hướng nào, ai sẽ phải là người gánh chịu? Việc hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng Đông Nam Á kết nối với Nam Á và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc chẳng hạn có thể thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng làm suy giảm lợi thế của Việt Nam do hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực này có thể làm gia tăng quy mô thương mại, đầu tư, do đó đem lại ích lợi cho các quốc gia này.

Thứ tư, sự kết nối cơ sở hạ tầng với Trung Quốc sẽ giảm chi phí thương mại, gia tăng ích lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc, điều này làm gia tăng quy mô và giá trị thương mại, do đó có thể tạo ra sự phụ thuộc lớn hơn của nền sản xuất Việt Nam vào nguồn cung và thị trường tiêu thụ Trung Quốc.

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.