Ấn Độ có số ca mắc và tử vong mới Covid-19 nhiều nhất thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Với Việt Nam, đây là lần thứ 4 chúng ta phải sử dụng đến các biện pháp hạn chế hoạt động. May mắn thay, chính sự quyết liệt trong phòng dịch đã giúp nước ta liên tiếp thoát khỏi những thảm họa nhân đạo.
Chỉ cần một bệnh nhân dương tính, mọi hoạt động ngừng hẳn lại. Học sinh nghỉ học, các quán xá đóng cửa. Rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng Karaoke, vũ trường… đều ngừng hoạt động. Các biện pháp nghiêm túc của chúng ta đã thực sự hiệu quả, mang lại những phút giây bình yên cho toàn bộ đất nước.
Vậy nhưng, không phải tất cả mọi người đều nhận thức tốt và có ý thức trong việc phòng dịch. Mới đây, chúng ta vừa phát giác ra một cô sinh viên lén lút thuê nhà cho 20 người nước ngoài trú ngụ trái phép tại Hà Nội. Một đối tượng khác ở Vĩnh Phúc lại tiếp tay cho 52 người nước ngoài trú ngụ. Những ổ tiềm ẩn dịch nguy hiểm như vậy xuất hiện từ lòng tham của một số người. Chúng ta nổi giận với họ.
Những cú click nhẹ nhàng trên điện thoại trong bản khai báo y tế đôi khi chưa hoàn thiện đã được cho qua xuất hiện ở khắp nơi. Đó là trong các khu công sở, ở trên các phương tiện công cộng. Dư luận cũng từng nổi giận với những người khai báo y tế chưa trung trực, trốn khai báo y tế hoặc làm qua loa.
Tôi cũng đã đi xe khách. Có nơi, họ chẳng yêu cầu khẩu trang hay khai báo y tế. Có nơi họ cầm cả tập tích hộ cho khách rồi đưa chúng tôi ký, làm đại khái cho xong. Trên xe khách, việc giãn cách cũng không được để ý. Khách đôi khi bị lèn đông như kiến. Ai có ý kiến, họ đuổi xuống xe ngay.
Covid-19 không phải trò đùa. Nhìn sang đất nước Anh hiện đại hay nước Mỹ giàu có, những thời khắc kinh hoàng với số lượng người mắc bệnh cao ngất, số nạn nhân tử vong cũng khủng khiếp cao.
Đặc biệt, giờ là lúc không thể lơ là khi cả Campuchia và Lào đều đang trong giai đoạn vô cùng căng thẳng của dịch bệnh. Hai nước láng giềng chung đường biên giới quá dài với Việt Nam hoàn toàn có thể là nhân tố bùng dịch ở nước ta.
Sự lỏng lẻo trong phòng chống dịch bệnh biểu hiện rõ trong kì nghỉ 30/4 và 1/5 vừa qua. Những khu du lịch đông nghẹt người nghỉ ngơi, không thấy biện pháp phòng dịch nào rõ nét và hiệu quả ở đó.
Những hình ảnh này khiến chúng ta rùng mình nhớ lại những lễ hội bên Ấn Độ và các hậu quả khủng khiếp kéo theo sau. Bài học Ấn Độ vẫn còn đó nhưng không ít người vẫn xem đó là nơi xa xôi và vẫn thờ ơ, vẫn quên nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Nhớ lại hồi đầu tháng 2, thật buồn khi nghe thông tin chỉ có 1% trong số các F1 tự báo tin đến các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm. Dù rằng, truy vết rồi cũng ra những sẽ tốn thêm khá nhiều thời gian, đồng thời bỏ lỡ thời gian vàng, virus sẽ lây lan nhanh hơn. Trong khi đó, không ít trường hợp thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí, họ coi cách ly và khai báo y tế là việc nên né tránh.
Reuters dẫn số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 5/5 cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 3.780 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch ở Ấn Độ lên hơn 226.000 ca. Đây là ngày nhiều người chết chóc nhất vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát ở Ấn Độ.
Cũng trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 382.315 người mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc tại nước này lên hơn 20,6 triệu ca. Ấn Độ hiện là một trong hai nước có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 20 triệu. Những con số nghiệt ngã ấy có đủ để chúng ta thức tỉnh, rùng mình, để mỗi người có trách nhiệm hơn với chính mình, với người thân trước khi nói rộng ra cộng đồng?
Tôi biết, bạn biết, chúng ta đều biết, phong tỏa có nghĩa là hàng chục nghìn cửa hàng ngưng hoạt động, hàng trăm trường học đóng cửa, hàng triệu cơ hội việc làm tiêu tan, hàng triệu gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Ai cũng biết, lâu lắm rồi chúng ta không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Chúng ta không được vui vầy, thư thái tại các khu du lịch để xả, giải tỏa đi các áp lực cuộc sống.
Nhưng chúng ta cũng biết, sự lơ là phòng dịch, một chút sơ sẩy cũng có thể đem tới hậu quả khủng khiếp thế nào. Những lò hỏa táng nóng chảy, hàng nghìn đống lửa hỏa táng tự nhiên còn ám ảnh mỗi người trong những tin tức hằng ngày, hằng giờ trên báo đài. Đó còn là những điều mô phỏng đại họa sẽ xảy đến nếu chúng ta còn lơ là, chủ quan. Nguy cơ là có thật đến từ việc khai báo y tế gian dối, là sự ích kỷ, vô trách nhiệm...
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải gìn giữ sự bình an mà hơn một năm qua đã giữ được. Tất cả hãy vì sự sống của chúng ta, vì an lành trong những tháng năm sắp tới.