Đạt 729 điểm, Lê Thanh Huy đã xuất sắc giành được Huy chương vàng trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021. |
"Đi chậm một chút sẽ thành công"
Lê Thanh Huy (sinh năm 2001, quê Đồng Tháp) hiện đang là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
Dù là năm đầu tiên tham gia tranh tài tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia nhưng Thanh Huy không cảm thấy lo lắng mà coi đây chính là dịp để mình được trải nghiệm và học hỏi từ sân chơi lớn.
"Bản thân em đã có sự yêu thích đối với ngành thiết kế đồ họa từ trước nên cuộc thi này tiếp thêm sức mạnh cho em theo đuổi đam mê, bản thân cũng được trau dồi thêm những kỹ năng mới", Huy nói.
Học ngành công nghệ thông tin nhưng lại đam mê thiết kế đồ họa, Thanh Huy không cảm thấy khó khăn và cho đây chính là một cơ hội để mình thành công. Với Thanh Huy, cứ cố gắng, không bao giờ chùn bước, đi chậm một chút thì thành công sẽ chào đón.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho kỳ thi, Huy cho hay: "Từ lúc em quyết định bước chân vào kỳ thi này, em đã chuẩn bị, sắp xếp phần lớn thời gian học tập và ôn luyện các phần mềm có sử dụng trong phần thi bao gồm Photoshop, Illustrator và Indesign nên hầu hết thời gian đều ôn luyện trên máy tính.
Tham gia kỳ thi việc chuẩn bị quan trọng nhất hẳn là tâm lý của bản thân, vì vậy từ lúc bước vào phòng thi, em đã hoàn toàn trong tâm thế sẵn sàng và phải hoàn toàn tập trung. Hoàn thành bài thi của bản thân em khá hài lòng với bài làm của mình, vì em đã rất tập trung và hạn chế được lỗi sai để chờ đợi kết quả sản phẩm của mình".
Được ôn luyện trong thời gian rất ngắn, nhưng điều Thanh Huy cảm thấy đáng nhớ nhất chính là nhận được sự giúp đỡ tận tình của giảng viên và bạn bè Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
"Đối với em khoảnh khắc đáng nhớ là những ngày đầu em được thầy hướng dẫn từ những phần đơn giản nhất lúc mà bản thân chỉ mới tiếp cận vào ngành thiết kế đồ họa.
Đến ngày thi, thầy cô vẫn tiếp cho em động lực và sức mạnh bước vào phòng thi, em thực sự muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã giúp đỡ cho em đến ngày hôm nay", anh chàng xúc động kể lại.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của kỹ năng nghề, Thanh Huy nói: "Thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức, kỹ năng mới.
Do đó kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng nghề là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới, thích ứng với đại dịch Covid-19".
Học đi đôi với hành
Theo Thanh Huy, chỉ khi áp dụng kiến thức đã học vào thực thế thì mới có cơ hội để cọ xát, cũng như thách thức bản thân trong chính ngành mình đang học, đang làm.
Với phương châm "Học đi đôi với hành", Thanh Huy luôn đánh giá cao việc bắt tay thực tiễn vào công việc. "Ngành Thiết kế đồ họa rất năng động, sáng tạo và đang trên đà phát triển của công nghệ số, tính ứng dụng vào thực tế và cơ hội việc làm rất cao", Huy nói.
Đối với Thanh Huy, dù đã có thể vận dụng những điều đó vào chính bản thân nhưng chưa thật sự hoàn thiện vì ngành thiết kế đồ họa không chỉ nắm bắt được kiến thức chuyên môn rồi áp dụng.
Bản thân còn bỏ vào đó sự sáng tạo và chất xám, hoàn thiện được kỹ năng cứng nhưng kỹ năng mềm thì vẫn chưa đủ, bản thân Huy tự hứa rằng sẽ áp dụng phương châm này và mài giũa nhiều hơn nữa trong tương lai.
"Trách nhiệm" chính là bí quyết để Thanh Huy có được thành công như ngày hôm nay. Ngoài ra, còn là những lời động viên từ gia đình, bạn bè và thầy cô, em cảm thấy mình có trách nhiệm để mình không ngừng học tập và ôn luyện, không phụ lòng mong mỏi từ mọi người cho dù kết quả có thế nào.
"Em luôn để bản thân trong một giới hạn của trách nhiệm cao nhất. Không bao giờ cho phép bản thân được dễ dãi trong công việc, nhất là khi bắt tay vào thiết kế. Phải có trách nhiệm, kiên trì với những sản phẩm mà mình làm ra.
Em sẽ tự phác thảo ra một số mẫu cho bài thiết kế của mình rồi phát triển bài làm của mình hơn, lúc em không có ý tưởng để thiết kế, em thường tìm đến một số tư liệu, phim tài liệu, hình ảnh liên quan đến chủ đề đó, hoặc đơn giản nhất là thư giãn và nghe một vài bài hát để tìm lại cảm hứng và sáng tạo", Huy chia sẻ.
Thanh Huy cũng gửi đến các bạn học sinh lớp 12 có dự kiến học ngành thiết kế đồ họa rằng: "Nếu các em có sự yêu thích đối với thiết kế thì đừng ngần ngại vì chỉ cần có đam mê và không ngừng học hỏi, ngành thiết kế đồ họa luôn là ngành nghề đầy màu sắc và không bao giờ khô khan cả".
Trong tương lai, dự định Thanh Huy sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng thiết kế đồ họa của mình để các sản phẩm sau đó còn được hoàn thiện và ấn tượng hơn nữa trong mắt của mọi người.