Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ông Slimane Boudi, Chánh án thứ nhất Toà án tối cao Angieri. (Ảnh: TTXVN) |
Bày tỏ vui mừng chào đón ngài Chánh án thứ nhất và đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Algeria sang thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, kể từ khi Việt Nam-Algeria thiết lập quan hệ đối ngoại năm 1962 đến nay, hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố, tăng cường và mở rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lập pháp và tư pháp.
Chủ tịch nước cho biết, dù cách xa về địa lý nhưng Việt Nam luôn dõi theo và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Algeria đã đạt được trong thời gian qua.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu của Algeria trong những tháng năm đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Chủ tịch nước cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, cải cách tư pháp đang là nhiệm vụ trọng tâm đối với các cơ quan tư pháp Việt Nam.
Trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp, các cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nhân dân tối cao cần có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tòa án các nước trên thế giới.
Algeria là một trong những quốc gia mà Việt Nam muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động xét xử và cải cách tư pháp.
Đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp về tư pháp giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Algeria ủng hộ, tạo điều kiện cho các dự án hợp tác về dầu khí và các lĩnh vực khác của Việt Nam đang triển khai tại nước bạn.
Ngài Boudi Slimane, Chánh án thứ nhất Tòa án tối cao Algeria bày tỏ vui mừng trước những thành tựu hợp tác giữa ngành tòa án hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự và kinh tế.
Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác về tư pháp giai đoạn 2015-2016.
Ngài Chánh án thứ nhất cho biết, cũng trong chuyến thăm lần này, tòa án của hai nước đã tổ chức kết nghĩa với nhau, đưa quan hệ lên tầm cao mới.
Ngài Chánh án nhấn mạnh, Algeria đang có nhiều đổi mới cải cách tư pháp và mong muốn trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong hệ thống văn bản pháp luật và thực thi công lý.