Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Santiago Andres Cafiero tại Hà Nội tháng 7/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Argentina của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với quan hệ song phương?
Chuyến thăm chính thức Argentina lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một dấu mốc quan trọng đối với quan hệ song phương. Đặc biệt năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cả hai bên đã duy trì trao đổi cấp cao thường xuyên, Argentina 3 lần có đoàn Tổng thống thăm chính thức Việt Nam: Tổng thống Carlos Menem (2/1997), Tổng thống Cristina Fernandez (1/2013) và Tổng thống Mauricio Macri (2/2019). Về phía Việt Nam, nổi bật có các đoàn cấp cao thăm Argentina của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010).
Cả Việt Nam và Argentina đều đang kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm chính thức lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sợi dây gắn kết giữa hai quốc gia rất mạnh mẽ và bền chặt, không chỉ giữa hai Chính phủ mà cả giữa những người dân với nhau.
Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh Việt Nam và Argentina đang hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào 3 trụ cột chính.
Trụ cột đầu tiên là chính trị - ngoại giao, hai nước luôn tích cực trao đổi từ cấp cao nhất đến các ban, bộ ngành và kể cả người dân.
Trụ cột thứ hai là thương mại song phương, đây là một trụ cột vô cùng quan trọng đối với quan hệ giữa Argentina và Việt Nam.
Thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững qua từng năm. Trong vòng 10 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu từ Argentina sang Việt Nam ghi nhận tổng tăng trưởng khoảng 600% trong khi đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Argentina cùng kỳ tăng 700%.
Đối với Argentina, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng thứ 5 hoặc thứ 8 tuỳ vào từng năm. Trong khi đó đối với Việt Nam, Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại khu vực Mỹ-Latinh.
Trụ cột thứ ba trong quan hệ hai nước là hợp tác về công nghệ. Việt Nam là quốc gia châu Á nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật từ phía Argentina, đặc biệt trong ngành công nông nghiệp.
Nhìn chung, chúng ta đang kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm chính thức Argentina lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm các quan chức chính phủ, doanh nghiệp cũng như các nghệ sĩ.
Chúng tôi mong đợi có các cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa hai bên để thảo luận về chương trình nghị sự song phương. Argentina cũng mong muốn sẽ có 12 hiệp định được ký kết trong suốt chuyến thăm, bao gồm hợp tác trong vấn đề tư pháp, khoa học và công nghệ, luật pháp, thương mại và cả những lĩnh vực khác. Rõ ràng, hai nước đã có những kế hoạch cụ thể để phát triển quan hệ song phương. Tuy nhiên, chúng tôi mong đợi thúc đẩy hơn nữa các chương trình nghị sự để mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai.
Như Đại sứ đã nhấn mạnh kinh tế là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Argentina và ngược lại?
Như tôi đã đề cập trước đó, một trong những trụ cột chính mà cả Argentina và Việt Nam đang chú trọng là thương mại song phương.
Chúng tôi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu cho chuỗi cung ứng của nền công nghiệp Việt Nam.
Cơ bản khoảng 92% tổng sản lượng xuất khẩu của chúng tôi sang thị trường Việt Nam liên quan đến công nông nghiệp (trong đó các mặt hàng dinh dưỡng, thức ăn cho gia cầm, vải, gỗ, vaccine cho bệnh tay chân miệng…). Rất nhiều nguyên liệu giúp ích cho Việt Nam trong sản xuất các sản phẩm đóng hộp. Điều đó cho thấy rõ ràng chúng ta đang là những nền kinh tế năng động và bổ sung cho nhau.
Chúng ta không tranh giành thị trường của nhau, ngay cả các mặt hàng nông sản. Argentina không sản xuất cafe, hạt điều, trong khi đây là các loại nông sản phổ biến ở Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi cũng không có các loại trái cây nhiệt đới như chanh leo, thanh long, vải thiều hay đu đủ, do đó nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Argentina.
Argentina luôn cởi mở đối với sản phẩm của Việt Nam và chúng tôi cũng hy vọng nhận được điều tương tự từ phía Việt Nam đối với các mặt hàng xuất khẩu của Argentina.
Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: NG) |
Còn về tiềm năng của hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)?
Argentina là một phần của Mercosur gồm 4 quốc gia thành viên là Argentina, Brazil, Paraguay, và Uruguay. Mỗi quyết định đàm phán ký kết FTA với các khu vực hay quốc gia bên ngoài đều phải nhận được sự đồng thuận từ cả 4 nước thành viên.
Việt Nam đương nhiên là một quốc gia hàng đầu mà Mercosur đã và đang tìm kiếm tiềm năng để có thể đàm phán một FTA trong tương lai.
Tuy nhiên, có một điều đặc biệt quan trọng cho cả hai bên đó là chúng ta phải thực hiện quyết liệt trong việc đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm của nhau. Bởi vì, một trong những điều thương mại tự do cần làm đó là xóa bỏ các hàng rào thuế quan. Bên cạnh đó, thị trường rộng mở đối với các nông sản cũng cực kỳ quan trọng đối với Argentina vì chúng tôi là một trong những nhà xuất khẩu nông sản chính trên thế giới.
Đại sứ nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay?
Tôi cho rằng, cũng như Argentina, Việt Nam có một vai trò rất quan trọng trên trường quốc tế. Những quốc gia đang phát triển như Argentina và Việt Nam có tiếng nói trên thế giới vì chúng ta nhận được đủ sự sự tín nhiệm để có thể cất tiếng nói tại các diễn đàn quốc tế.
Chúng ta cùng bảo vệ và thúc đẩy hoà bình an ninh thế giới, chúng ta quan tâm tới các vấn đề quan trọng ngày nay như toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, biến đổi khí hậu, môi trường, quyền con người, bình đẳng giới, sức khoẻ, giáo dục, văn hoá...
Việt Nam và Argentina có nhiều quan điểm và lợi ích chung trong các vấn đề quốc tế và chúng tôi tin rằng hai nước sẽ cùng nhau giải quyết các thách thức đó trong khuôn khổ các tổ chức đa phương vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Chúng tôi rất vui mừng khi được làm việc với những người bạn Việt Nam và chúng tôi đang thấy một tương lai rất triển vọng cho cả hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!